TTCT - Tất cả bắt đầu hôm 18-7 với một cuộc tuần hành lớn do nhóm Thanh niên tự do tổ chức ở Bangkok bất chấp đại dịch COVID-19. Nhóm này đưa ra ba yêu cầu hết sức “cổ điển”: nội các từ chức, giải tán quốc hội và soạn thảo hiến pháp mới. Từ vụ tuần hành đó, hầu như ngày nào cũng có tuần hành tại Thái. Thủ lĩnh phong trào sinh viên tranh đấu Parit Chiwarak bị cảnh sát dẫn đi. Ảnh: ReutersReuters cùng ngày tường thuật: “Những người có mặt tại cuộc biểu tình do sinh viên dẫn đầu gần đài tưởng niệm Dân chủ của Bangkok đã nêu ra rất nhiều chỉ trích nhắm vào chính phủ dân sự mới hơn một năm tuổi của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, cựu tư lệnh quân đội đã lật đổ một chính phủ dân cử sáu năm trước”.Lạ mà quenNhững người biểu tình cho rằng hiến pháp do quân đội viết hầu như đảm bảo chiến thắng cho đảng của ông Prayuth trong cuộc bầu cử năm ngoái. Còn nhớ, chính phủ này được thành lập sau một cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện, trong đó ông Prayuth được một liên minh 19 đảng hậu thuẫn và toàn thể Thượng viện bỏ phiếu thuận trong một cuộc họp lưỡng viện hôm 5-6.Nội chi tiết “toàn thể Thượng viện bỏ phiếu thuận” đã đủ để hiểu thế “thắng chắc 100%” của ông Prayuth do lẽ hiến pháp 2016 quy định toàn thể 250 ghế thượng nghị sĩ là do quân đội chỉ định!Để hiểu những cuộc biểu tình từ sau ngày 18-7, không thể không xem lại bức tranh bầu cử năm ngoái, cụ thể là bảng kết quả 5 đảng dẫn đầu số phiếu trong 77 đảng tranh cử (xem bảng).Trên bảng kết quả, dẫn đầu về số phiếu là đảng ủng hộ quân đội Palang Pracharath, song lại thua số ghế do bầu cử theo thể thức chia đơn vị và đảng về nhất chiếm hết ghế ở một đơn vị bầu cử. Đảng xếp thứ nhì về số phiếu song lại dẫn đầu số ghế là đảng “áo đỏ tàn dư” Pheu Thai của gia tộc Thaksin đang lưu vong.Đảng Tiến tới tương lai (FFP) xếp thứ ba là một đảng mới với những cử tri mới. Đảng Dân chủ là đảng “áo vàng” trước kia từng hùng cứ chính trường Thái luân phiên với phe “áo đỏ”, nay chỉ được hơn 3 triệu phiếu, ngang với đảng về hạng năm là Đảng Bhumjaithai theo xu hướng dân túy.Kết quả trên cho thấy Pheu Thai vẫn còn là một thế lực mạnh, trong khi Palang Pracharath không hề có được ưu thế áp đảo. Đảng Dân chủ “áo vàng” từng được xem là bảo hoàng và qua đó thân quân đội nay không còn chỗ đứng khi quân đội trực tiếp nắm quyền. Còn FFP, với nghị trình chống giới cầm quyền, hứa hẹn sẽ là một thế lực mới. Những đảng còn lại, rất đông đúc, đều chỉ có vai trò “diễn viên quần chúng”.Trong nền chính trị Thái Lan, yêu cầu quân đội “về lại doanh trại”, tức ngừng can thiệp đời sống chính trị, đã là một vấn đề tranh đấu dai dẳng suốt từ năm 1932, khi hoàng gia thôi trực tiếp cầm quyền. Từ đó tới nay đã có 12 lần quân đội cướp chính quyền, trong đó cựu tướng Prayuth đã tham gia hai lần, năm 2006 và 2014, theo tư liệu của Reuters 21-5-2017.Đấu tranh chính trị: Không có luật lệ?Thiệt ra, làn sóng phản kháng năm nay đã bắt đầu từ ngày 23-2, một tháng hơn sau khi Tòa án Hiến pháp Thái Lan tuyên giải tán FFP - rất được giới trẻ Thái Lan ưa chuộng bởi nghị trình chống đối.Al Jazeera 24-2 đưa tin: “Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã ra lệnh giải tán Đảng Tiến tới tương lai (FFP) sau khi phát hiện tổ chức này chấp nhận một khoản vay bất hợp pháp từ người sáng lập… Tòa đã ra lệnh giải tán đảng và cấm 16 lãnh đạo cấp cao của đảng, trong đó có người đứng đầu Thanathorn Juangroongruangkit, tham gia chính trị trong 10 năm… Đảng này bị kết tội nhận khoản vay bất hợp pháp từ cá nhân ông Thanathorn lên đến 191,2 triệu baht, tương đương 6,1 triệu đôla…”.Vụ việc này, tờ Time giải thích “cội nguồn”: “Đảng mới được thành lập Tiến tới tương lai và nhà lãnh đạo trẻ đầy sức lôi cuốn của đảng này đã bước lên quyền bính trong cuộc bầu cử năm 2019 ở Thái Lan, giành được 17% số phiếu bầu - màn ra mắt ấn tượng đối với một đảng mới ra đời được một năm. Nhưng một loạt thách thức đe dọa sự tồn tại của đảng.Lãnh đạo Thanathorn Juangroongruangkit của đảng này đã bị truất quyền tham gia quốc hội… Các nhà quan sát bên ngoài cho rằng các cáo buộc có động cơ chính trị, nhằm mục đích giữ cho chính phủ được quân đội hậu thuẫn nắm quyền. Họ nói rằng chính phủ đang tấn công FFP vì họ coi đảng này là một mối đe dọa”.Tại sao FFP là “mối đe dọa”? Như đã thấy trong bảng kết quả bầu cử hạ viện, đảng này về ba, sau Palang Pracharath và Pheu Thai. Nếu tình hình cứ “tuần tự nhi tiến”, nhiều khả năng chỉ một vài năm nữa sẽ có cặp song đấu mới trên chính trường Thái là FFP - Pheu Thai.Một bên là hiện thân của tương lai và phản kháng, bên kia là tàn dư dân túy cũ song vẫn còn “ăn khách” nơi người nghèo, còn đảng thân quân đội sẽ phải… “ra rìa”. Kết quả cuộc bỏ phiếu bầu thủ tướng ngày 5-6-2019 phản ánh tình hình hoàn toàn khác trước: cựu tướng Prayuth được 498 phiếu, đối thủ Thanathorn được 244 phiếu về nhì.Nếu không tự nhiên mà có đủ 250 phiếu ở Thượng viện, phải tranh tài sòng phẳng, ông Prayuth chỉ còn 245 phiếu. Mối đe dọa do đó là rõ ràng, gạt anh đảng trưởng đang “ăn khách” khỏi Hạ viện, sau đó giải tán đảng này luôn cho “tiện việc sổ sách” là điều không phải quá ngạc nhiên.Sau khi bị giải tán, giới lãnh đạo FFP chuyển qua ủng hộ một đảng đối lập mới chủ trương kiềm chế quyền lực chính trị của quân đội, song khác trước ở chỗ chọn chấm dứt chu kỳ biểu tình bạo lực trên đường phố và các cuộc đảo chính đã quen thuộc ở Thái Lan suốt vài thập kỷ, theo Time 20-1-2020.Thế là sau vụ xuống đường mở màn ngày 23-2, các cuộc biểu tình đã nổ ra ở nhiều trường trung học, cao đẳng và đại học trên toàn quốc, do sinh viên tổ chức này và đi kèm các biểu tượng khác nhau riêng của mỗi trường. Đầu tiên là tại Đại học Thammasat, Đại học Chulalongkorn, Đại học Ramkhamhaeng, Đại học Kasetsart và Đại học Srinakharinwirot. Nhiều học sinh trung học cũng tổ chức các cuộc biểu tình.Tuy nhiên, biểu tình chỉ giới hạn trong từng nhà trường riêng rẽ. BBC Thai, trong bài tựa đề: “Biểu tình tự phát: bốc cháy trong chảo hay cháy loang?” hôm 28-2, trích lời một sử gia về Thái Lan lưu ý rằng “các cuộc biểu tình trên đường phố chưa bao giờ tạo ra thay đổi chính trị nếu quân đội đứng về phía chính phủ”.Có thể học giả này lúc đó đang thận trọng. “Cũng may” là các cuộc biểu tình, chỉ được tổ chức trong khuôn viên các nhà trường, đã bị tạm dừng vào cuối tháng 2 do đại dịch COVID-19, với lệnh đóng cửa tất cả các trường đại học, cao đẳng và trung học.Làn sóng mới giữa đại dịchHôm 18-7, Thái Lan chứng kiến cuộc biểu tình lớn nhất kể từ vụ chính biến năm 2014 tại tượng đài Dân chủ ở Bangkok với khoảng 2.500 người tham gia. Từ đó, biểu tình lan ra khắp nước. Lần này những người tham gia còn nêu cả vấn đề nền quân chủ, cụ thể là thảo luận về vai trò của định chế vua Thái Lan, điều vốn xưa nay là cấm kỵ ở nước này.Sự úy kỵ đó giờ đây có lẽ đã suy yếu một phần bởi tân vương Vajiralongkorn không được lòng dân như tiên hoàng Bhumibol Adulyadej. Phe bảo hoàng cũng đã tổ chức phản biểu tình, như hôm 10-8, khi nhóm Vận động vì hiến pháp của nhân dân công bố dự luật mở đường cho một cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp, một nhóm khác - Trung tâm Điều phối học sinh các trường dạy nghề bảo vệ các định chế quốc gia (CVPI) - xuất đầu lộ diện và cáo buộc những người biểu tình đã bị thao túng để tấn công chính phủ và quân đội, chỉ trích chế độ quân chủ, nhằm mục đích thay đổi chế độ.Việc nhắm đến quốc vương đã bị cảnh cáo trong một bài xã luận trên tờ Bangkok Post 17-8: “Thông báo đột ngột về yêu cầu cải cách chế độ quân chủ 10 điểm trong cuộc biểu tình của sinh viên tại khuôn viên Rangsit của Đại học Thammasat vào ngày 10-8 quả thực là chưa từng có, táo bạo và gây sốc cho nhiều người Thái.Ngay cả đảng đối lập chính Pheu Thai, vốn ủng hộ phong trào sinh viên đòi hiến pháp mới, giải tán quốc hội và ngăn chặn hành vi quấy rối của chính phủ đối với các nhà tranh đấu, cũng đã vội vàng xác định lập trường không liên can tới yêu cầu mới này”.Tác giả bài xã luận, cựu chủ bút Bangkok Post, chỉ ra “ai là ai?” trong vụ này: “Đảng Tiến về phía trước, hay Kao Klai, tái sinh từ FFP đã bị giải thể, là đảng duy nhất công khai ủng hộ yêu cầu cải cách chế độ quân chủ của những người chống hoàng gia. Lãnh đạo đảng Pita Limjaroenrat nói rằng yêu cầu 10 điểm không xúc phạm thể chế được tôn kính và nên được thảo luận trong một xã hội dân chủ với lý trí và sự chín chắn”.Chính quyền đã cho thấy lằn ranh đó nằm ở đâu: ngày 25-8, cao điểm biểu tình trong tháng 8 kết thúc sau khi bốn thủ lĩnh sinh viên Arnon Nampha, Suwanna Tanlek, Parit Chiwarak và Piyarat Jongthep bị bắt và bị truy tố. Rồi hôm 28-8, 15 sinh viên đấu tranh nữa bị truy tố.Để kết luận, Thái Lan mà vắng biểu tình trong quá 5 năm là chuyện lạ! Do lẽ các chân đế của nền dân chủ nước này chưa vững vàng, các vai vế chưa chịu tôn trọng “luật chơi”, cứ thích “xóa bài làm lại”, dựng ra “luật chơi” mới theo ý mình…, nên thời gian thực hành dân chủ, đến nay cũng xấp xỉ một thế kỷ, có lẽ còn kéo dài dài…■ Tags: Thái LanTấm lòngĐảng Pheu ThaiThủ tướng Prayuth Chan-o-cha
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Nga tuyên bố có quyền đưa tên lửa Oreshnik đến châu Á để đối phó Mỹ NGHI VŨ 25/11/2024 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Nga có thể triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong phản ứng với các hành động của Mỹ.
Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, trào dâng cảm xúc người lính DUY LINH 25/11/2024 Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, người từng là phi công tiêm kích rồi tư lệnh không quân, đã dừng hồi lâu trước chiếc MiG-21 số hiệu 5121 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.