Ngày 21-3, Hãng tin Reuters dẫn thông báo của Ủy ban bầu cử Thái Lan xác nhận bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 14-5 và bầu cử sớm bắt đầu từ 7-5.
"Đã đến lúc tiến hành cuộc bầu cử", ông Prayuth nói sau khi quốc hội bị giải tán, đồng thời khẳng định rằng nội các của ông vẫn đang điều hành đất nước.
Trước đó ngày 20-3, Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn đã thông qua sắc lệnh giải tán Quốc hội nước này. Theo quy định, bầu cử phải được tổ chức từ 45 - 60 ngày sau khi giải tán quốc hội.
Trong nhiều tháng qua, các đảng phái ở Thái Lan đã bắt đầu đẩy mạnh vận động bầu cử. Các đảng chủ yếu tập trung vào các vấn đề kinh tế để thu hút lá phiếu của 52 triệu cử tri.
Giới quan sát đánh giá đây sẽ là thách thức lớn dành cho ông Prayuth, khi Đảng Palang Pracharat cầm quyền đối mặt với Đảng Pheu Thai đối lập do gia tộc tỉ phú Shinawatra đứng đầu, cụ thể là con gái út Paetongtarn của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Theo Hãng tin Reuters, Pheu Thai dự kiến sẽ tổ chức các sự kiện tranh cử hằng ngày trên khắp Thái Lan, với sự góp mặt của bà Paetongtarn. Con gái ông Thaksin hiện đang dẫn đầu các cuộc thăm dò dư luận về ứng cử viên tiềm năng cho chức thủ tướng.
Một khảo sát trên 2.000 ý kiến vào cuối tuần qua cho thấy bà Paetongtarn nhận được 50% ủng hộ, còn đảng của ông Prayuth chỉ được 12%. Tương tự, cuộc khảo sát do Viện Quản lý phát triển quốc gia (NIDA) thực hiện, được công bố vào cuối tuần qua, cho thấy tỉ lệ ủng hộ bà Paetongtarn là 38,2% trong khi tỉ lệ ủng hộ với ông Prayuth xếp ở vị trí thứ ba với 15,65%.
Dù vậy, giới quan sát cho rằng dù được ủng hộ, Đảng Pheu Thai sẽ khó giành được ghế do hiến pháp sửa đổi năm 2017 của Thái Lan có lợi cho các ứng viên được quân đội hậu thuẫn.
"Một trong những yếu tố quyết định quan trọng nhất đối với kết quả bầu cử là quyền lực của Thượng viện do quân đội chỉ định, có khả năng sẽ đứng về phía ứng cử viên thân quân đội", nhà phân tích chính trị Titipol Phakdeewanich, của Đại học Ubon Ratchathani, nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận