18/08/2020 11:46 GMT+7

Thái Lan trước áp lực cải tổ

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Cuộc biểu tình chống chính phủ lớn nhất kể từ đảo chính năm 2014 đã nổ ra ở Thái Lan hôm 16-8, ngay trong lúc nước này vẫn đang vật lộn để hồi phục kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

Thái Lan trước áp lực cải tổ - Ảnh 1.

Người biểu tình tập trung tại đài tưởng niệm Dân chủ ở Bangkok ngày 16-8 - Ảnh: Reuters

COVID-19 là một căn bệnh có thể chữa được, nhưng ghét dân tộc và ghét đất nước của chính mình thì chắc chắn là bệnh không thể chữa được.

Tư lệnh lục quân Thái Lan APIRAT KONGSOMPONG cảnh cáo người biểu tình

Dù vậy, Chính phủ Thái đang thể hiện sự kiềm chế trước những cuộc biểu tình của sinh viên, kể cả khi họ nhắc đến chủ đề cấm kỵ: hoàng gia và Quốc vương Rama X.

3 yêu sách

Đêm 16-8, số người đổ về đài tưởng niệm Dân chủ ở thủ đô Bangkok đã lên hơn 16.000 người, theo ước tính của cảnh sát. Những người biểu tình tự xưng thuộc nhóm "Người tự do" đã chiếm giữ khu vực quanh tượng đài - nơi chứng kiến cuộc cách mạng chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế năm 1932.

Những người biểu tình đã ra một tuyên bố gồm 3 điểm: thứ nhất, kêu gọi chính phủ thành lập soạn thảo hiến pháp mới dựa trên ý nguyện của người dân; thứ hai, ngừng sách nhiễu những người phản đối chính phủ; thứ ba, giải tán quốc hội và chính phủ của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha. Người biểu tình cảnh báo sẽ tăng cấp độ, nếu 3 yêu sách của họ không được đáp ứng.

Hàng trăm cảnh sát được triển khai nhưng không làm gì dù sự kiện ngày 16-8 đã vi phạm lệnh cấm tụ tập chống dịch của chính phủ. "Chúng tôi có thể làm gì đây? Chính phủ có nghĩa vụ đảm bảo an toàn cho người biểu tình", Phó thủ tướng Prawit Wongsuwon hỏi ngược lại trong cuộc họp báo sáng 17-8. 

"Những người biểu tình có quyền bày tỏ ý kiến của họ. Ý kiến đó có thể khác với ý kiến của những người khác, miễn là họ không xâm phạm quyền của người khác" - ông Prawit lập luận. Trong một cuộc phỏng vấn sau đó, ông Prawit xác nhận việc sửa đổi hiến pháp là cần thiết và mọi thứ đã sẵn sàng.

Những người biểu tình cho rằng hiến pháp năm 2017 là bất công và được thiết kế để hợp thức hóa sự nắm quyền của quân đội.

"Tương lai thuộc về những người trẻ tuổi. Hãy để họ dẫn đường và để cho mỗi người chúng ta học được con đường hợp tác với những người có thể không đồng ý với mình sẽ gập ghềnh và khó khăn đến đâu" - Thủ tướng Prayuth truyền thông điệp hòa giải hồi tuần trước. 

Ông nhấn mạnh sẵn sàng đối thoại với sinh viên nhưng cũng lo lắng trước những gì đã diễn ra trong hai tuần qua.

"Không được đụng tới hoàng gia"

Khi đám đông biểu tình kéo tới đài tưởng niệm Dân chủ ngày 16-8, khoảng 100 người theo phe bảo hoàng (ủng hộ Hoàng gia Thái Lan) đã đứng sẵn. "Chúng tôi sẽ là tai mắt giám sát họ. Bọn họ chửi bới và chống ai cũng được, nhưng hoàng gia thì tuyệt đối không được" - một người thuộc phe bảo hoàng nói với tờ The Nation trong lúc giơ cao biểu ngữ "Không được đụng tới hoàng gia".

Cuộc biểu tình chống chính phủ tại Đại học Thammasat hồi đầu tuần trước gây sự chú ý khi một lãnh đạo sinh viên đứng trước hàng trăm người, đưa ra "10 yêu sách của sinh viên Thái Lan". Trong đó kêu gọi thay đổi hiến pháp, giảm bớt các đặc quyền của hoàng gia và điều 112 trừng phạt những người dám chỉ trích hoàng gia. 

Một tuần trước đó, tại đài tưởng niệm Dân chủ ở Bangkok, một luật sư nhân quyền đã công khai kêu gọi hạn chế quyền lực của vua Rama X - người dành phần lớn thời gian ở nước ngoài.

Ba nhà hoạt động đã bị bắt sau đó, trong đó có vị luật sư nói trên nhưng không ai bị truy tố tội phỉ báng hoàng gia. Thủ tướng Prayuth tiết lộ chính vua Rama X đã dặn ông không được kết tội ai theo điều 112 vào thời điểm hiện tại. Bangkok Post nhận định 3 yêu sách đầu của sinh viên có thể được đáp ứng, nhưng cảnh báo sinh viên sẽ tự lấy đá ghè chân mình nếu tiếp tục đòi hỏi 7 điều còn lại.

Các nhà phân tích chính trị lo lắng hành động thô bạo của chính quyền có nguy cơ gây ra phản ứng dữ dội khiến sự ủng hộ dành cho biểu tình tăng lên. Tuy nhiên, nếu chính quyền không có hành động mạnh mẽ, những người biểu tình có thể sẵn sàng phá vỡ những điều cấm kỵ lâu đời. Nguy cơ đụng độ giữa người biểu tình chống chính phủ và phe bảo hoàng đang chực chờ trước mắt.

Biểu tình ở Thái Lan kêu gọi chính phủ từ chức, lớn nhất kể từ sau đảo chính 2014 Biểu tình ở Thái Lan kêu gọi chính phủ từ chức, lớn nhất kể từ sau đảo chính 2014

TTO - "Khi màn đêm buông xuống tại tượng đài Dân chủ ở Bangkok, số người biểu tình do sinh viên dẫn đầu nhằm kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từ chức đã vượt 10.000", báo Bangkok Post đưa tin tối 16-8.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Thái Lan biểu tình