Theo Bangkok Post, mới đây Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã lên tiếng đảm bảo rằng công quỹ dành cho chương trình trợ giá gạo sẽ không vượt quá 500 tỉ baht/năm (16,8 tỉ USD). Trước đó, Chính phủ Thái từng tuyên bố sẽ không bán gạo dự trữ với mức giá lỗ vì giá gạo thế giới sẽ tăng. Tuy nhiên mới đây, theo Bộ trưởng thương mại Boonsong Teriyapirom, đây là lúc mở cửa kho gạo dự trữ ra thị trường trong bối cảnh sản lượng gạo đang thấp đi vì hạn hán. Chánh văn phòng Bộ Thương mại Vatchari Vimooktayon hồi đầu năm cho hay Thái Lan đang tìm cách giảm kho dự trữ gạo bằng cách bán 7 triệu tấn gạo cho các chính phủ nước ngoài, trong đó có Trung Quốc, nhưng không tiết lộ giá bán vì điều này “nhạy cảm và bí mật”.
Bà Yingluck đắc cử năm 2011 với lời hứa sẽ trả tiền mua lúa gạo của nông dân cao hơn mức giá thị trường. Theo Reuters, chương trình trợ giá gạo này của Chính phủ Thái đã giành được sự ủng hộ của hàng triệu cử tri ở nông thôn. Tuy nhiên, chính sách cũng tạo ra kho dự trữ khổng lồ, làm nảy sinh nhiều cáo buộc tham nhũng và trục lợi từ một số đối tượng. Số gạo dự trữ trong kho lên tới khoảng 17 triệu tấn, gần gấp đôi so với một năm bình thường, khiến chính quyền phải gấp rút tìm nơi làm kho dự trữ cũng như đối mặt với nguy cơ bán tháo gạo ra thị trường thế giới với giá lỗ.
Theo Bangkok Post, cựu phó thủ tướng Pridiyadhorn Devakula gần đây đã kêu gọi chính phủ cần xem lại ngay lập tức chương trình trợ giá gạo. Theo ước tính của ông, thiệt hại từ chương trình này khoảng 140 tỉ baht (4,7 tỉ USD) trong vụ mùa 2011-2012. Con số thiệt hại này có thể sẽ tăng lên trên 210 tỉ baht (7 tỉ USD) trong vụ mùa 2012-2013. Hồi tháng 2, bà Vatchari phát biểu rằng chính phủ đang xem xét việc cắt giảm giá mua gạo hỗ trợ cho nông dân xuống còn 13.000 baht/tấn (436 USD) từ mức 15.000 baht/tấn (503 USD).
* Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), với số lượng gạo tồn kho ngày một lớn, Thái Lan sẽ phải bán gạo ra nhưng không biết vào lúc nào và với mức giá bao nhiêu. Nhưng với xu hướng nguồn cung tăng nhanh hơn nhu cầu của thị trường gạo thế giới trong vài năm trở lại đây, một khi Thái Lan bán ra sẽ làm giá gạo giảm và tác động nhiều đến các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trương Thanh Phong - chủ tịch VFA - cho rằng Thái Lan sẽ khó giảm giá gạo thấp hơn mức giá mà Việt Nam hiện đang bán, vì sẽ đối mặt với nguy cơ thủng ngân sách và sẽ bị các đảng đối lập lấy cớ chống chính phủ.
Ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia về thị trường lúa gạo, cũng cho rằng sẽ không xảy ra tình trạng Thái Lan bán gạo ồ ạt với giá quá rẻ được. Với giá mua lúa cao của nông dân trong hai năm qua, Thái Lan phải bán gạo 5% tấm ở mức 750-800 USD/tấn mới không bị lỗ. Nếu họ bán với giá bằng gạo Việt Nam hiện tại (410 USD/tấn) thì sẽ bị lỗ nặng nề, đồng nghĩa với Chính phủ Thái Lan chấp nhận thất bại trong chương trình nâng cao giá lúa gạo nội địa.
Một chuyên gia ngành lúa gạo lại bày tỏ lo ngại Thái Lan sẽ bán gạo thông qua kênh hợp đồng chính phủ với giá tốt, khi đó nước chịu ảnh hưởng lớn chính là Việt Nam. Một khi Thái Lan giảm giá bán gạo, chênh lệch gạo giữa hai nước giảm xuống thì khách hàng sẽ cân nhắc việc mua gạo của Thái Lan. Các chuyên gia ngành lúa gạo cho rằng Việt Nam nên đẩy nhanh các đàm phán xuất khẩu gạo vào các thị trường tập trung, tránh nguy cơ các hợp đồng rơi vào tay người Thái.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận