Lao động nhập cư người Myanmar trên tàu cá Thái Lan ở bờ biển tại Phangnga - Ảnh: AFP |
Samart Senasook vốn là một nhân viên bảo vệ ở Bangkok. Nghe lời dụ dỗ của một người tên Vee, nhân viên bảo vệ 40 tuổi này quyết định bỏ Bangkok để làm việc trên các tàu cá với lời hứa hẹn sẽ được trả lương cao.
Thế nhưng, như CNN cho biết thay vì chỉ làm một năm, ông Samart bị giam hãm trên tàu tới sáu năm, làm việc liên tục 20 giờ mỗi ngày trong điều kiện nguy hiểm và cực nhọc như nô lệ.
Vee hóa ra là một tên cò mồi và là một mắt xích trong đường dây buôn người cung cấp cho các tàu cá ở Thái Lan hàng ngàn lao động, trong đó có cả dân nhập cư, và biến họ thành những nô lệ hiện đại.
Thuyền trưởng đấm đá tôi. Mũi và miệng tôi đầy máu. Máu khô vẫn đọng trong các kẽ răng. Cả hàm của tôi đau đớn khi ăn cơm |
Thuyền viên SAMART SENASOOK |
Mảng tối trên các tàu cá
Hành trình không mong muốn từ năm 2009 của ông Samart kết thúc vào tháng 3 vừa qua tại đảo Ambon của Indonesia, cách Thái Lan cả ngàn dặm. Tàu cá mà ông làm việc bị chính quyền Indonesia bắt giữ vì nghi đánh bắt trái phép. Ông Samart cùng các thuyền viên bị phía Indonesia giữ lại.
Câu chuyện vì thế đã rõ ràng hơn. Trong suốt từ tháng 1-2009 đến tháng 3-2015, ông Samart hiếm khi nhìn thấy đất liền. Con tàu ông làm việc cứ đi xa mãi, ra ngoài vùng biển của Thái Lan vì tôm cá ngày càng trở nên khan hiếm.
Theo CNN, các chuyến đánh bắt mà ông Samart đang phải nai lưng ra làm là một phần trong ngành khai thác hải sản trị giá hàng tỉ USD của Thái Lan, phục vụ hàng chục triệu thực khách ở châu Âu và Mỹ.
Samart miêu tả cuộc sống trên tàu của ông luôn tràn ngập sự đe dọa, thiếu ngủ và thường xuyên bị thuyền trưởng đánh đập. “Ông ta (thuyền trưởng) đấm đá tôi. Mũi và miệng tôi đầy máu. Máu khô vẫn đọng trong các kẽ răng. Cả hàm của tôi đau đớn khi ăn cơm” - ông kể lại ký ức kinh hoàng.
Không còn đường thoát, ông đã định tự tử. “Tôi đã nghĩ đến gia đình, mẹ tôi. Nhiều lần tôi chỉ chực nhảy xuống biển để tự tử. Người bạn thợ máy trên tàu cản tôi lại, nếu không, giờ tôi đã chết rồi” - ông nói và cho biết thêm thuyền trưởng giữ hết giấy tờ tùy thân của ông và các thuyền viên khác.
Sau khi viết thư ngỏ cầu cứu thủ tướng Thái Lan, ông đã được Indonesia thả. Với sự giúp đỡ của tổ chức Mạng lưới khuyến khích quyền người lao động (LPN) ở Thái Lan, cuối cùng ông Samart đã được hồi hương hồi tháng 4.
Thẻ vàng của EU
CNN dẫn số liệu của Chính phủ Thái cho biết có khoảng 145.000 người làm việc trong ngành đánh bắt hải sản ở nước này với 80% là lao động nhập cư chủ yếu đến từ Myanmar, Campuchia và Lào. Tuy nhiên, tổ chức Quỹ Yêu nước Thái (Raks Thai) nói có tới hơn 200.000 lao động nghề cá không được đăng ký hoặc là nạn nhân của các đường dây buôn người.
Hiện cũng không có số liệu chính xác về số tàu cá của Thái Lan vì nhiều tàu không đăng ký; con số chính thức do chính quyền Bangkok đưa ra là khoảng 57.000 tàu. Các nhà hoạt động nói con số thật sự có thể cao hơn gấp đôi.
Trước tình hình này, các đại diện của EU sẽ đến Thái Lan từ ngày 20 đến 22-5 để thanh sát hoạt động chống đánh bắt trái phép ở Thái Lan.
Theo Bangkok Post, chính phủ và các công ty hải sản lớn ở Thái Lan hiện đang đối mặt với lệnh cấm xuất khẩu hải sản của EU nếu không giải quyết được các vấn đề về đánh bắt trái phép, không báo cáo và không đăng ký (gọi chung là IUU).
Từ năm ngoái, Thái Lan đã áp đặt việc theo dõi nghiêm ngặt các tàu cá sau khi EU nói nhiều vụ việc trong ngành đánh bắt hải sản nước này làm dấy lên các mối quan ngại về nạn buôn người và cưỡng bức lao động.
Điều này đã dẫn đến việc châu Âu phạt “thẻ vàng” đối với Thái Lan vào ngày 21-4 vừa qua. Đây được coi là lời cảnh cáo cuối cùng đối với Thái Lan. Ủy ban châu Âu (EC) nói Thái Lan chưa nỗ lực đủ để giải quyết các vấn đề IUU và cho chính phủ nước này sáu tháng để hành động. Nếu không làm được, EU sẽ phạt “thẻ đỏ” và cấm nhập khẩu hải sản của Thái Lan tại EU.
Báo Bangkok Post dẫn lời người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Yongyuth Maiyalap khẳng định nước này đã có tiến bộ trong việc giải quyết các vấn đề IUU.
Bangkok đang chỉnh sửa Luật ngư nghiệp để quản lý nghề cá tốt hơn với hàng loạt biện pháp mới sẽ được áp dụng trong hai tháng tới đây. Ông cho biết các hệ thống theo dõi đã được lắp đặt để giám sát các tàu cá. Hiện khoảng 66% tàu cá đánh bắt ở nước ngoài đã được trang bị thiết bị này.
Ông Yongyuth cũng cho biết các trung tâm giám sát tàu cá theo dõi tàu ra vào cảng đã đi vào hoạt động tại 22 tỉnh ven biển. Với hệ thống mới này, các tàu cá phải thông báo cho các trung tâm về giấy phép đăng ký đánh bắt, thiết bị đánh bắt, danh tính thuyền trưởng và các lao động trên tàu.
Lực lượng hải quân Thái cũng đang nỗ lực dẹp bỏ các tàu cá thuê lao động nước ngoài trái phép. Hải quân được coi là lực lượng nòng cốt giúp chính phủ giải quyết các vấn đề IUU.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha hồi đầu tháng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan đặt ra kế hoạch đấu tranh chống đánh bắt trái phép trước khi các đại diện EU đến nước này, và nếu cần thì cho thuyên chuyển các quan chức vi phạm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận