Đo thân nhiệt trước khi vào chơi ở khu phố giải trí tại thủ đô Bangkok tối 31-12-2020 - Ảnh: Reuters
Chính quyền đã cảnh báo sẽ tái phong tỏa toàn diện nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn trong những ngày tới. Lần vỡ trận này có nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan đến từ cả trong lẫn ngoài Thái Lan.
Thủ đô Bangkok giờ đã là vùng cảnh báo đỏ về lây nhiễm COVID-19. Tối 1-1, khi nhiều người đang nâng ly chúc mừng một năm cũ đã qua, Thị trưởng Bangkok Aswin Kwanmuang lặng lẽ ký sắc lệnh tạm dừng hoạt động 25 loại hình kinh doanh tập trung đông người để ngăn chặn dịch lây lan.
Lệnh có hiệu lực ngay lập tức vào ngày hôm sau, tức 2-1, khiến nhiều người chới với dù đã có nhiều dấu hiệu cảnh báo từ 3 tuần trước.
Đứng đầu danh sách là các cơ sở giải trí như bar, pub và các địa điểm tương tự. Kế đến là các công viên giải trí, khu vui chơi thiếu nhi, chợ nổi và chợ phiên.
Các trường đá gà, chọi trâu hay đá cá cũng bị dẹp bỏ trong đợt này. Vụ lây nhiễm trong một sới bạc bất hợp pháp ở tỉnh Rayong hẳn đã khiến nhà cầm quyền Bangkok cảnh giác.
Trong một cảnh báo gần đây trên báo Bangkok Post được nhiều người đọc, giáo sư Prasit Watanapa ở Bệnh viện Siriraj (Bangkok) đã nhận định Thái Lan đang đối mặt với đợt bùng phát mới.
Virus corona chủng mới đang hoành hành tại Myanmar là biến thể G614, có tốc độ lây nhanh hơn 20% so với biến thể D614 được ghi nhận ở Vũ Hán của Trung Quốc. 60% ca mắc COVID-19 ở Myanmar hiện nay là do biến thể G614 gây ra.
Trong nhiều tháng qua, Thái Lan đã quá đỗi tự hào về chính mình với thành tích ấn tượng trong chống dịch COVID-19. Niềm tự hào đó cuối cùng đã dẫn đến sự tự mãn - không chỉ trong cộng đồng nói chung, mà cả các cơ quan y tế.
Đầu tiên là vụ sáu y tá ở tuyến đầu chống COVID-19 nhiễm bệnh tại một bệnh viện ở Bangkok. Dù có nguy cơ lây nhiễm rất cao, những người này lại tự cho mình tận hưởng một cuộc sống bình thường khi đi mua sắm và du lịch, đi lại bằng phương tiện công cộng.
Kế đến là các vụ người Thái vượt biên bằng đường mòn, lối mở từ Tachileik và Myawaddy của Myanmar về Mae Sai, Mae Sot.
Một nhóm phụ nữ Thái đã gây kinh hãi cộng đồng địa phương, khi vài người trong số họ nhiễm COVID-19 và không một ai cách ly kể từ khi trở về.
Chính quyền sau đó tăng cường việc chốt chặn biên giới, kêu gọi những người đang làm việc ở Myanmar khi muốn về nước thì nên đăng ký. Những lời kêu gọi đó hầu như không có tác dụng với những người đã muốn trốn.
Khi dịch bất ngờ bùng phát tại một khu chợ có đông lao động nhập cư và lây ra hàng chục tỉnh khác, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã vội đổ lỗi cho người Myanmar nhập cư lậu.
Chỉ sau khi báo chí lên tiếng và các cuộc tiếp xúc với giới chức Myanmar diễn ra, ông Prayut mới vội đính chính phát ngôn và cho rằng chính những kẻ tổ chức vượt biên lậu mới là thủ phạm thực sự.
Ông phát động một chiến dịch "truy quét người xấu" trong toàn bộ máy chính quyền, từ cảnh sát tới quân đội, và tuyên bố sẽ không dung thứ cho những quan chức "nhúng chàm".
Như để sửa sai, Chính phủ Thái Lan cũng dang tay với hàng trăm ngàn lao động nhập cư không giấy tờ. Chỉ cần đăng ký và đóng một khoản tiền bảo hiểm, xét nghiệm COVID-19, họ sẽ được ở lại Thái một cách hợp pháp từ đây đến năm 2023.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận