Rác thải nhựa ở Thái Lan. Ảnh minh họa: greenpeace.org
Cục Đường cao tốc và Cục đường Nông thôn của Thái Lan vừa thiết lập quan hệ đối tác với Đại học Chiang Mai cùng hai công ty tư nhân SCG và Dow Thailand Group thăm dò và phát triển việc sử dụng chất thải nhựa trong xây dựng đường giao thông.
Sự hợp tác này nhằm thiết lập một tiêu chuẩn mới cho các tuyến đường của nhà nước, đồng thời đạt mục tiêu thúc đẩy quản lý chất thải hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên, phù hợp với nguyên tắc Kinh tế Tuần hoàn và thực hiện chính sách Kinh tế Sinh học - Tuần Hoàn - Xanh (BCG) của chính phủ.
Theo Cục trưởng Cục Đường cao tốc Sarawut Songsivilai, đây sẽ là một điểm khởi đầu quan trọng cho tương lai sử dụng nhựa phế thải trong xây dựng và bảo trì các tuyến đường do Cục Đường cao tốc quản lý, điều sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế, xã hội và môi trường nhằm đạt được mục tiêu cùng phát triển đất nước để tạo ra sự ổn định, thịnh vượng và bền vững theo Chiến lược quốc gia 20 năm.
Trọng tâm của sự hợp tác này là cung cấp các nguồn lực và hỗ trợ trên các khía cạnh lý thuyết và quản lý của dự án. Truyền thông sở tại cho biết dựa trên kinh nghiệm và bí quyết từ dự án đường nhựa tái chế được khởi xướng vào năm 2018, SCG và Dow Thailand Group có kế hoạch tiếp tục nghiên cứu và phát triển thông qua các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm tại chỗ trên đất tư nhân như khu công nghiệp RIL ở tỉnh Rayong và thành phố Amata ở tỉnh Chon Buri.
Đại học Chiang Mai cũng sẽ tham gia nghiên cứu và tập trung vào các tác động trên lý thuyết và đến môi trường của quá trình sản xuất. Cục Đường cao tốc và Cục Đường nông thôn sẽ hỗ trợ và tư vấn về tiêu chuẩn hóa việc sử dụng chất thải nhựa như một thành phần trong nhựa đường (asphalt).
Ước tính cứ 1 km đường có chiều rộng 6m thì cần khoảng 3 tấn rác thải nhựa, tương đương gần 900.000 túi nhựa. Cho đến nay, thông qua sự hợp tác của SCG, Thailand Group và các công ty tư nhân khác, 23 tấn chất thải nhựa đã được sử dụng để làm một con đường asphalt mẫu dài 7,7 km.
Thái Lan đang nỗ lực giảm rác thải nhựa. Ước tính, mỗi năm, người dân nước này dùng 45 tỉ túi nhựa sử dụng một lần. Trong số này, 13,5 tỉ túi (khoảng 30%) từ các siêu thị và các cửa hàng tiện lợi, khoảng 30% từ các cửa hàng tư nhân và phần còn lại từ những người bán dạo trên đường phố hoặc các khu chợ.
Năm ngoái, nhiều tập đoàn bán lẻ, công ty sản xuất nhựa hàng đầu và siêu thị lớn tại Thái Lan đã đạt được thỏa thuận ngừng cung cấp túi nhựa dùng một lần cho khách hàng từ đầu năm nay, trước khi lệnh cấm đối với các loại túi nhựa sử dụng một lần có hiệu lực vào năm 2021.
Tháng trước, Bộ Tài nguyên và môi trường Thái Lan (MNRE) đã ký thỏa thuận với các nhà cung cấp dịch vụ giao nhận đồ ăn nhằm giảm việc thải những vật dụng làm bằng nhựa dùng một lần. Động thái này nhằm hưởng ứng chính sách của Chính phủ Thái Lan ngăn chặn suy thoái môi trường do rác thải nhựa, trong đó MNRE được giao nhiệm vụ thực hiện Lộ trình Quản lý chất thải nhựa giai đoạn 2018-2030.
Nhu cầu về các dịch vụ giao nhận đồ ăn đã tăng lên trong thời gian phong tỏa phòng chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Lượng rác thải nhựa theo đó tăng lên đáng kể khi đồ ăn giao cho khách hàng được đóng gói trong túi nhựa hoặc hộp đựng thực phẩm. Đáng chú ý, lượng rác thải nhựa đã tăng lên 6.300 tấn/ngày so với mức 5.500 tấn/ngày trước khi đại dịch bùng phát.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận