Bãi biển Kamala ở Phuket (Thái Lan) trong ảnh chụp ngày 2-4-2021 - Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, sự hào hứng này của Thủ tướng Prayut không tính đến rủi ro các ca lây nhiễm COVID-19 có thể tăng trở lại.
"Mô hình này không chỉ dành cho Phuket hay Thái Lan. Nó mở ra một con đường khả thi cho các nước châu Á khác như đảo Bali của Indonesia, Phú Quốc của Việt Nam.
Ông Ho Kwon Ping (chủ tịch hệ thống Banyan Tree - thương hiệu lớn về khách sạn, khu nghỉ dưỡng và bất động sản tại nhiều quốc gia)
Phụ thuộc vào vắc xin
Tuyên bố trên truyền hình trực tiếp ngày 16-6, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha đặt ra lộ trình tiêm 10 triệu liều vắc xin/tháng bắt đầu từ tháng 7-2021. Đến đầu tháng 10, khoảng 50 triệu dân sẽ được tiêm ít nhất một liều. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, kế hoạch này được cho là không thực tế nếu căn cứ tiến độ triển khai tiêm vắc xin chậm hiện nay.
Báo Bangkok Post dẫn số liệu cập nhật mới nhất cho biết cho đến nay chỉ có 5,1 triệu người ở Thái Lan được tiêm liều đầu và 1,8 triệu người đã tiêm đủ 2 liều. Tổng cộng, mới có gần 7 triệu người được tiêm vắc xin.
Reuters dẫn một báo cáo tuần trước cho thấy Thái Lan tiêm khoảng 255.273 liều mỗi ngày. Với tốc độ này, sẽ cần 55 ngày để tiêm cho 10% dân số trong tổng cộng gần 70 triệu dân của nước này. Nhìn sơ qua, tốc độ chậm chạp này không cho phép chính phủ quá tham vọng mặc dù Thái Lan đã đảm bảo được 105,5 triệu liều vắc xin COVID-19 cho năm nay, chưa nói đến số lượng sẽ mua cho năm sau.
Chương trình tiêm chủng của Thái Lan hiện sử dụng chủ yếu vắc xin của AstraZeneca - có hiệu quả 76% với virus corona trong ít nhất 3 tháng theo công bố của hãng.
Không ai phản đối mở cửa nền kinh tế vì cái lợi với các ngành nghề, từ du lịch, nhà hàng, khách sạn, đến xăng dầu đều rõ ràng. Tuy nhiên, Liên đoàn Các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI) cho rằng sự thành công của mục tiêu này phụ thuộc rất lớn vào cách mà chương trình tiêm chủng diễn ra, nếu không nói là phụ thuộc hoàn toàn tiến độ tiêm vắc xin.
Ngoài ra, để đảm bảo thành công, không được có chỗ cho sai lầm, bất cẩn hay sự liều lĩnh nào. Sai lầm dường như luôn là nguyên nhân của mọi làn sóng dịch. Cụ thể, làn sóng dịch thứ ba ở Thái Lan, từ ngày 1-4, xảy ra tại khu giải trí về đêm Thong Lor (Bangkok) do một số cán bộ nhà nước sơ suất.
Đặt cược vào Phuket
Từ khi nêu ra mục tiêu 120 ngày, ông Prayut thúc giục tất cả các cơ quan chính phủ và các tỉnh bắt đầu chuẩn bị cho việc mở cửa, trong đó có tăng tốc triển khai tiêm vắc xin. Niềm hy vọng của Thủ tướng Thái Lan đặt vào Phuket. Tỉnh miền Nam này sẽ mở cửa lại hoàn toàn vào ngày 1-7.
Phuket hiện đã có 64% dân số đã tiêm vắc xin, cao hơn hẳn so với tỉ lệ trung bình khoảng 7% của cả nước. Phukhet là nơi đầu tiên thí điểm mở cửa theo tiêu chí nơi nào an toàn, đủ miễn dịch cộng đồng (ít nhất 70% dân số được tiêm vắc xin) thì được phép mở cửa.
Thủ tướng Thái Lan khẳng định mở cửa trở lại sớm là cần thiết để tránh thảm họa kinh tế với đất nước. Để đảm bảo kế hoạch diễn ra suôn sẻ, ông Prayuth sẽ đích thân đến Phukhet vào ngày thứ sáu 25-6 để giám sát công tác chuẩn bị.
Trong một năm rưỡi qua, rất nhiều người Thái mất thu nhập do lệnh phong tỏa hoặc các biện pháp hạn chế chống dịch. Nhưng nếu mọi thứ thuận lợi, đây sẽ là bài học kinh nghiệm cho những thủ phủ du lịch khác trong nước như Chiang Mai, Koh Samui.
Hãng tin Bloomberg (Mỹ) đánh giá mô hình của Phuket là cách làm có triển vọng. Với tỉ lệ tiêm chủng cao, Phuket chỉ báo cáo 6 trường hợp nhiễm mới trong tuần qua, thậm chí một số ngày không có ca nhiễm.
3.058
Thái Lan công bố số ca COVID-19 mới trong ngày 18-6 là 3.058 ca. Tổng số ca nhiễm từ đầu dịch đến nay ở nước này là 210.782 ca, bao gồm 1.577 người chết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận