Người dân Thái cầm ảnh Thái tử Vajiralongkorn và Vua Bhumibol phía trước Cung điện Hoàng gia ở Bangkok tháng 12-2016 - Ảnh: AFP |
Hơn hai tháng trôi qua kể từ ngày nhà Nhà vua Bhumibol băng hà, nhiều người Thái vẫn chưa quen với nỗi mất mát quá lớn. Những ngày này, du khách thập phương vẫn còn bắt gặp dân bản xứ vận trang phục màu đen ra đường.
Cũng dễ hiểu tình cảm người Thái dành cho Nhà vua bởi ông đã trị vì đất nước với thái độ chính trực và sự cống hiến hết mình trong suốt 70 năm.
Theo dấu chân Nhà vua
Bức thư sau của anh Pongpet Mekloy - biên tập viên báo Bangkok Post của Thái Lan - có thể giúp một người “ngoại đạo” hiểu thêm về Vua Bhumibol cũng như tình cảm của người Thái dành cho ông:
“Vua Bhumibol được nhiều người Thái gọi một cách thành kính là Phoe Luang (Vua Cha) hay đơn giản là Phoe (Cha).
Ông có một vị trí đặc biệt trong trái tim người Thái không phải vì ông là Vua mà bởi ông là một vị Vua vì nước quên thân, người đã cống hiến cả cuộc đời không mệt mỏi để chăm lo cho thần dân, bất kể dân tộc hay tôn giáo.
(Lúc sinh thời, Vua Bhumibol đi vi hành khắp các vùng miền nông thôn của Thái Lan và khởi xướng hơn 3.000 dự án, sáng kiến hỗ trợ giảm nghèo, giúp triệt tiêu cây thuốc phiện và nâng cao đời sống cho người dân - PV).
Vua Bhumibol cưỡi ngựa tại một ngôi làng miền núi năm 1969. Ngài muốn giúp dân làng tìm kế sinh nhai thay thế cây thuốc phiện - Ảnh: Hoàng gia Thái |
'Phoe Luang' đã và vẫn là hình mẫu luôn khơi gợi nguồn cảm hứng to lớn tại đất nước Thái Lan. Thậm chí không cần ai vận động tuyên truyền, ý tưởng “tham dee phuea phoe” (làm việc tốt noi gương Cha) đã từ lâu thấm sâu vào nhiều người Thái - tất cả những ai muốn làm điều gì đó để đáp trả tình yêu và sự tận tụy của Nhà Vua.
Tôi không chắc hiện tượng này đã từng xuất hiện ở đâu đó trên thế giới hay chưa. Kể từ lúc Nhà vua băng hà ngày 13-10, ngoài cảm giác mất mát khôn nguôi, người dân trên khắp cả nước chia sẻ sự thôi thúc 'đi theo dấu chân Hoàng gia' để làm những việc tốt đẹp cho người khác...
Trên mạng xã hội, nhiều người Thái không chỉ bày tỏ cảm giác tự hào được sinh ra dưới Vương triều thứ IX, họ còn chia sẻ những hình ảnh Vua Bhumibol đang lao động và hứa sẽ trở thành người tốt noi gương ông. Khắp đất nước, mọi người cố gắng làm bất cứ việc tốt nào trong khả năng để tỏ lòng kính trọng vị cha dân tộc.
Vào ngày lên ngôi, Vua Bhumibol từng hứa: 'Chúng ta sẽ trị vì với tất cả sự chính trực vì lợi ích và hạnh phúc của người dân Xiêm'. Thời gian đã chứng minh 'Phoe Luang' chưa bao giờ sai lời”.
“Thái Lan phải tiến về phía trước”
Như vậy, triều đại huy hoàng của Vua Bhumibol Adulyadej đã kết thúc. Sự ra đi của Ngài để lại một lỗ hổng khổng lồ trong bức tranh chính trị Thái Lan.
Ngày đăng quang của Thái tử Vajiralongkorn được chào đón bằng sự lo lắng nhiều hơn là vui mừng. Nhiều người lo ông không thể mang lại sự ổn định cho đất nước như cha ông đã từng.
Viết cho tờ Washington Post, giáo sư Pavin Chachavalpongpun thuộc trường ĐH Kyodo nhận định Vua Rama X sẽ đối mặt với nhiều thử thách khó khăn nếu ông muốn đi theo dấu chân tiên hoàng nhưng lại thiếu những phẩm chất cần thiết của cha ông. Nói cách khác, ông chưa được người Thái dành trọn niềm tin và sự kính trọng như Vua Bhumibol.
Vua Bhumibol (phải) và Hoàng tử Vajiralongkorn chơi kèn saxophone năm 1965. Nhà vua là một nghệ sĩ - nhà sáng tác nhạc jazz xuất sắc - Ảnh: Hoàng gia Thái |
Tuy nhiên, trong một tương lai có thể nhìn thấy thì vai trò của Hoàng gia trong xã hội và nền chính trị Thái vẫn còn rất quan trọng. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Sudhep Silpa-ngam - một người Thái gốc Việt - cho rằng đất nước Chùa Tháp rất cần có nhà Vua, dù đó không còn là Vua Bhumibol, để bảo đảm sự ổn định cho đất nước.
“Tôi buồn vì Nhà vua đã qua đời, nhưng chúng tôi phải chúc mừng cho vua mới. Thái Lan phải tiến về phía trước. Cuộc sống của chúng tôi không thay đổi, mọi thứ vẫn như cũ” - cô Thirakarn Ardharn, một sinh viên 20 tuổi ở Bangkok, chia sẻ cùng nhận định với báo New York Times.
Anh Suntikarn Jitpootarojna, 47 tuổi, một nông dân trồng dừa ở tỉnh Ratchaburi, bày tỏ nhân dịp đến viếng Vua Bhumibol ở Bangkok: “Không quan trọng ai là Vua mới, người Thái phải tôn trọng Hoàng gia. Dù sao đi nữa, thứ thật sự ảnh hưởng đến người dân là chính sách của chính phủ, không phải Hoàng gia”.
Người dân Thái Lan quì chờ với hình nhà Vua mới Vajiralongkorn trước Cung điện Hoàng gia ở Bangkok ngày 2-12 - Ảnh: Reuters |
Trong một động thái thể hiện tính duy trì, Vua Vajiralongkorn vừa qua đã tái bổ nhiệm tướng Prem Tinsulanonda phụ trách Hội đồng Cơ mật - một nhóm cố vấn của Hoàng gia. Tướng Tinsulanonda từng giữ chức thủ tướng Thái (năm 1980 - 1988) và là một người rất gần gũi với Vua Bhumibol. Ông cũng là một tiếng nói ủng hộ chính quyền quân sự lâm thời của Thái Lan.
Ngày 6-12, Quốc vương mới Vajiralongkorn đã bổ nhiệm thêm 3 thành viên mới vào Hội đồng Cơ mật. Theo thông báo trên truyền hình, Nhà Vua Rama X đã cắt giảm số thành viên trong Hội đồng Cơ mật từ 16 người xuống 11 người, giữ nguyên 8 thành viên được bổ nhiệm từ thời Vua Bhumibol Adulyadej và bổ nhiệm thêm 3 thành viên mới.
Ba người mới được bổ nhiệm đều là tướng lĩnh hàng đầu có liên hệ mật thiết với chính quyền quân sự với hai trong số này là thành viên nội các trong chính quyền sự hiện nay gồm Bộ trưởng Tư pháp Paiboon Koomchaya và Bộ trưởng Giáo dục Dapong Ratanasuwan. Như vậy, hai Bộ trưởng này sẽ phải từ chức trong Nội các.
Người thứ ba là cựu Tư lệnh Lục quân Hoàng gia, Đại tướng Teerachai Nakwanich, người đã nghỉ hưu vào đầu năm nay. Các nhân vật trên cùng với 3 cựu tướng lĩnh trong Hội đồng Cơ mật khiến lực lượng vũ trang chiếm đa số trong hội đồng đầy quyền lực này.
Ngoài ra, Nhà Vua Thái Lan cũng bãi miễn chức vụ của một số nhân vật trong Hội đồng Cơ mật, trong đó có Giám đốc Cơ quan Quản lý Tài sản của Nhà Vua và 2 cựu tướng lĩnh quân đội.
Nhà Vua Rama X sẽ có quyền lực của vị quân chủ để ký ban hành luật, chứng kiến các quan chức tuyên thệ nhậm chức và giữ vai trò nguyên thủ quốc gia của Thái Lan. Nhà Vua cũng là người đứng đầu trên danh nghĩa của quân đội, tòa án và chính phủ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận