Thái Lan: Gần một thế kỷ dò dẫm trên đường dân chủ

DANH ĐỨC 18/08/2024 04:26 GMT+7

TTCT - Việc Hạ viện Thái Lan tuần rồi bầu lãnh đạo Đảng Pheu Thai, bà Paetongtarn Shinawatra, 37 tuổi, làm thủ tướng thứ 31 là một minh chứng nữa cho sự mong manh của tiến trình dân chủ trong gần một thế kỷ qua ở vương quốc này.

Thái Lan: Gần một thế kỷ dò dẫm trên đường dân chủ - Ảnh 1.

Ông Thaksin và con gái út Paetongtarn. Ảnh: AFP

Vừa nhậm chức thứ sáu tuần rồi, tân Thủ tướng Paetongtarn đã bị chất vấn ngay tại trụ sở Đảng Pheu Thai là liệu cha bà, ông Thaksin Shinawatra, có ra lệnh cho chính phủ mới ngừng chương trình phát tiền trợ giúp người dân Thái hay không.

Được biết, trước khi bị bãi nhiệm tuần rồi, thủ tướng tiền nhiệm Srettha Thavisin đã có kế hoạch phát 10.000 baht (7,3 triệu đồng) mỗi người cho 45 triệu người Thái đủ điều kiện (The Nation 18-8).

Gia tộc Shinawatra và quân đội

Có thể ở ngoại quốc tên tuổi bà Paetongtarn còn xa lạ, song ở Thái Lan, bà đã được Đảng Pheu Thai của gia tộc Shinawatra chuẩn bị sẵn, do là con gái của ông Thaksin (thủ tướng 2001-2006) và cháu gái của bà Yingluck (thủ tướng 2011-2014). 

Đảng Pheu Thai thành lập năm 2008 để kế thừa Thai rak Thai do ông Thaksin sáng lập năm 1998, và bị buộc giải tán 2007 sau khi ông bị tước quyền thủ tướng.

Đến cuộc bầu cử năm 2011, Đảng Pheu Thai, do bà Yingluck, em gái út ông Thaksin, lãnh đạo, đã giành chiến thắng và bà trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan.

Tuy nhiên, đến tháng 5-2014, cánh quân nhân do tướng Prayuth Chan-O-cha lãnh đạo đảo chánh nắm quyền, chính phủ Yingluck bị giải tán. Đến năm 2019, lại bầu quốc hội, Đảng Pheu Thai lại giành được nhiều ghế nhất, song vẫn không thể thành lập chính phủ.

Palang Pracharath, đảng được chính quyền quân sự bảo trợ để điều hành bầu cử, tiếp tục đề cử ông Prayut (nay đã giải ngũ cho ra vẻ dân sự) làm thủ tướng. 

Nhờ hậu thuẫn của 250 thượng nghị sĩ do quân đội bổ nhiệm, chiếu theo hiến pháp sửa đổi năm 2017, ông đã đủ số phiếu trong quốc hội để giữ chức thủ tướng. Bất chấp, Pheu Thai tiếp tục hoạt động và chuẩn bị thế hệ tiếp theo. 

Đến tháng 10-2021, bà Paetongtarn, ở tuổi 35, được đảng này bổ nhiệm làm cố vấn trưởng phụ trách cải cách đổi mới, nhằm thể hiện ý định đưa thế hệ trẻ vào làm việc cùng giới chính trị gia lão thành (Bangkok Post 28-10-2021).

Cuộc bầu cử năm 2023 của Thái Lan lại dẫn đến nhiều biến động. Theo Pacific Affairs tháng 3-2024, cuộc bầu cử đánh dấu sự gia tăng tính cá nhân trong chính trị, và những đảng khuyến khích sự tham gia toàn diện và cởi mở vào chính trị sẽ có vị thế tốt nhất để giành chiến thắng. 

Cụ thể, các chiến dịch truyền thông xã hội có cấu trúc linh hoạt nhưng bao trùm của Đảng Tiến lên (MFP) đã cho phép cả ứng viên lẫn những người ủng hộ họ huy động tập thể quy mô lớn, mang tính cá nhân, trái ngược với các đối thủ vốn vẫn tập trung vào chiến dịch theo phong cách truyền thống từ trên xuống.

Rốt cuộc, MFP giành được tổng cộng 152 ghế để trở thành đảng lớn nhất trong Quốc hội Thái Lan, gồm tới 32/33 ghế tại Bangkok, và 7/10 ghế cả ở Chiang Mai, khu vực bầu cử quê hương của gia đình Shinawatra và theo truyền thống là thành trì của Pheu Thai. 

MFP đã thu hút được cử tri thế hệ thiên niên kỷ và thế hệ Z, hai nhóm chiếm gần một nửa số cử tri. Pheu Thai chỉ về nhì với 141 ghế.

Sự suy yếu này, theo các nhà bình luận, là do cử tri cho rằng Pheu Thai và Palang Pracharat, vốn thân quân đội, có thể bắt tay với nhau. 

Trong thực tế, các đảng thân quân đội có thành tích tương đối kém, Palang Pracharat chỉ giành được 40 ghế năm 2023, ít hơn một nửa so với năm 2019. 

Tuy nhiên, Pheu Thai đã vận động hành lang ráo riết khiến ứng viên thủ tướng của MFP Pita Limjaroenrat hai lần bị quốc hội bác đề xuất giữ chức thủ tướng, và phải tự tuyên bố bỏ cuộc. Hậu quả là "vườn không nhà trống" dành cho Pheu Thai và gia tộc Shinawatra.

Thái Lan: Gần một thế kỷ dò dẫm trên đường dân chủ - Ảnh 2.

Ông Pita hai lần bị Quốc hội Thái Lan bác bỏ nên đành rút lui khỏi ghế thủ tướng. Ảnh: Reuters

Cờ tới tay, Đảng Pheu Thai "quay xe" thỏa hiệp với cánh quân nhân, đúng như cử tri đã lo ngại. Al Jazeera 21-9-2023 ghi nhận: "Đảng Pheu Thai theo chủ nghĩa dân túy của Thái Lan đã thành lập liên minh với 10 đảng khác, bao gồm cả các đối thủ quân sự cũ, nhằm thành lập chính phủ mới và chấm dứt ba tháng bế tắc chính trị".

Tất nhiên, luôn có những lý lẽ "bao la" giải thích sự "quay xe" này. Thủ lãnh Pheu Thai lúc đó Cholnan Srikaew tuyên bố: 

"Chúng ta phải nhanh chóng hoạt động nhằm vãn hồi kinh tế và đưa ra chính sách nhằm phát triển cơ chế ổn định chính trị, kinh tế và xã hội" (The Guardian 21-8-2023). Sau khi được Quốc vương Vajiralongkorn phê chuẩn, ông Srettha tuyên thệ nhậm chức hôm 5-9-2023.

Tuy nhiên ở Thái Lan, nơi mà cánh dân sự lẫn quân sự luôn chia thành nhiều phe phái, sự liên kết giữa ông Thaksin hay Đảng Pheu Thai với quân đội chỉ là tương đối, khi mà có những tướng tá bảo hoàng, phi bảo hoàng, hay chỉ tin ở quyền lực và lợi ích mà thôi...

Nền dân chủ kỳ lạ

Sáu ngày sau, hôm 11-9-2023, tân thủ tướng Srettha ra trước quốc hội trình bày chính sách. Ông loan báo chính phủ quyết tâm tạo ra sự thống nhất và hài hòa trong xã hội, sự hợp tác trong phát triển kinh tế vì tiến bộ của đất nước và hạnh phúc của tất cả người dân.

Trong các chính sách cấp bách ngắn hạn, theo ông, chính phủ cần kích thích chi tiêu và trợ giúp các vấn đề cấp bách của người dân. 

Các chính sách trung và dài hạn sẽ là tạo ra nhiều thu nhập hơn cho dân chúng, giảm chi phí sinh hoạt, tạo cơ hội việc làm, giảm thiểu chênh lệch và cải thiện chất lượng cuộc sống. Ông cũng loan báo chính sách phát tiền 10.000 baht nhằm kích thích chi tiêu, tạo việc làm và để khu vực doanh nghiệp có cơ hội mở rộng đầu tư và sản xuất.

Tuy nhiên, ở xứ mà quyền lực cũng như tham vọng của phe quân nhân rất to tát, luôn có người trong quân đội hậm hực với một thủ tướng dân sự. Nhẹ nhàng thì truy tố ra tòa vì một tội danh nào đó, nặng nề thì đảo chánh. 

Đó là điều mà một nhóm gồm 40 cựu thượng nghị sĩ phe quân đội đã làm khi khởi kiện ông Srettha vào tháng 5 vừa rồi và loại bỏ ông khỏi chức vụ thủ tướng.

Thái Lan: Gần một thế kỷ dò dẫm trên đường dân chủ - Ảnh 3.

Bà Paetongtarn quỳ trước ảnh Vua Thái Lan, làm thủ tục nhận chức thủ tướng ngày 18-8. Ảnh: CNN

Cáo buộc đưa ra là ông đã bổ nhiệm Pichit Chuenban, một phụ tá thân cận của cựu thủ tướng Thaksin. 

Nhân vật Pichit này từng bị bỏ tù sáu tháng vào năm 2008 vì tội xúc phạm tòa án sau khi tìm cách hối lộ các viên chức Tòa tối cao trong một vụ án đất đai liên quan đến ông Thaksin. 

Ông Srettha phủ nhận cáo buộc và cho biết Pichit, vốn sau đó từ chức, đã được thẩm tra đúng cách và đảng của ông tuân thủ các thủ tục thích hợp. 

Tuy nhiên, điều này không thể ngăn 5/9 thẩm phán Tòa tối cáo bỏ phiếu bãi nhiệm ông Srettha và nội các của ông, với phán quyết rằng ông thủ tướng "biết rõ mình đã bổ nhiệm một người thiếu sót nghiêm trọng về đạo đức".

Hậu quả là tuần rồi, Đảng Pheu Thai họp đại hội ở Khon Kaen, thành phố đông bắc Thái Lan, và bà Paetongtarn được bổ nhiệm làm cố vấn trưởng của đảng, và nay trở thành thủ tướng, người thứ ba của gia tộc Shinawatra nắm quyền trong hơn 20 năm qua tại Thái Lan■

Lời hứa dang dở

The Nation 18-8 nhấn mạnh việc Pheu Thai chọn bà Paetongtarn là phù hợp với chính sách của đảng. Nhân dịp này, báo chí Thái cũng thắc mắc về số tiền 10.000 baht mà chính phủ Srettha đã hứa. Bà Paetongtarn thừa nhận đảng của bà "đã sử dụng dự án như một chính sách vận động tranh cử".

Song, bà cũng thử tìm cách "thoát thân" khi phát biểu thêm: "Chúng tôi đã cân nhắc kỹ lưỡng, trong năm qua nhiều biến cố đã xảy ra và tình hình kinh tế đã thay đổi, vì vậy chúng tôi cần lắng nghe nhiều ý kiến hơn, để phù hợp với luật kỷ luật tài chính". Luật kỷ luật tài chính và ngân sách nhà nước Thái Lan, ban hành vào năm 2018, quy định về quản lý ngân sách, tài chính và nguyên tắc tiết kiệm để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong sử dụng tài chính công, chủ yếu nhằm tránh lạm phát.

Bên cạnh lời hứa 10.000 baht, cũng theo The Nation, một phóng viên cũng đã hỏi bà Paetongtarn về tin đồn nói cha bà đã ra lệnh loại gia đình Wongsuwan ra khỏi nội các. Bà thủ tướng trẻ tuổi phủ nhận: "Thành thật mà nói, tôi chưa bao giờ nghe cha tôi nói [như vậy]". Wongsuwan là gia đình chính trị hàng đầu khác ở Thái Lan, trong đó nổi bật là Prawit Wongsuwon, cựu phó thủ tướng và bộ trưởng quốc phòng giai đoạn 2014-2023.

Ông Prawit là cựu tướng lãnh và lãnh đạo chủ chốt của Palang Pracharath, từng có vai trò rất lớn thời chính phủ quân sự Prayuth. Hôm thứ sáu tuần rồi, ông gây sóng gió khi tát một phóng viên của truyền hình Thai PBS sau khi cô này hỏi ông về cuộc bỏ phiếu bầu thủ tướng tại hạ viện, mà ông không tham dự. Hai hiệp hội truyền thông Thái Lan đã nói họ sẽ sẽ tìm cách điều tra hành vi này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận