Gạo được bày bán với mẫu mã đa dạng trong các siêu thị tại thủ đô Bangkok. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch danh dự Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) Chookiat Ophaswongse cho biết nhu cầu về gạo trên toàn cầu đã tăng kể từ khi bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, khiến giá gạo tăng từ 30 - 50 USD/tấn kể từ đầu năm nay.
Theo ông Chookiat, khách hàng từ một số quốc gia đang quan tâm hơn tới gạo Thái Lan và một số nhà nhập khẩu sẵn sàng mua với số lượng không hạn chế để tăng lượng gạo dự trữ. Giá gạo trắng 5% tấm giao tại tàu (FOB) đã tăng từ 400 USD/tấn lên 440 - 450 USD/tấn vào đầu năm nay.
Trong vài năm qua, các thương nhân gặp khó khăn khi bán gạo Thái Lan do giá tương đối cao so với gạo của những nước khác, tuy nhiên theo ông Chookiat, một khi Trung Quốc ngừng xuất khẩu gạo, đồng baht của Thái Lan yếu đi và Indonesia nối lại việc mua gạo của Thái Lan, triển vọng sẽ sáng sủa hơn. Ông Chookiat dự báo giá gạo sẽ dần tăng cho tới giữa năm nay hoặc lâu hơn nếu dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài.
Các số liệu thống kê cho thấy trong năm qua Thái Lan đã xuất khẩu 7,58 triệu tấn gạo, thu về 131 tỉ baht (hơn 4,15 tỉ USD), giảm 32% về lượng và 25% về giá trị so với năm trước. Trong năm nay, TREA đặt mục tiêu xuất khẩu 7,5 triệu tấn gạo với tổng giá trị 4,2 tỉ USD, tương đương chỉ tiêu của Bộ Thương mại nước này. Đây là chỉ tiêu thấp nhất trong vòng 7 năm qua kể từ năm 2013, năm mà Thái Lan chỉ xuất khẩu được 6,6 triệu tấn gạo.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và hợp tác xã Thái Lan đã tổ chức một cuộc họp với các cơ quan liên quan và các nhà xuất khẩu gạo để tìm kiếm những biện pháp nhằm giành lại ngôi vị nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới mà quốc gia Đông Nam Á này để mất từ 3 năm qua.
Trong khi đó, số liệu mới nhất của Bộ Nông, lâm, ngư nghiệp Campuchia cho thấy xuất khẩu gạo của nước này trong 2 tháng đầu năm nay tăng mạnh (hơn 21%), bất chấp những lo ngại về dịch COVID-19 đang lây lan trên thế giới.
Bộ trưởng Nông, lâm, ngư nghiệp Campuchia Veng Sakhorn cho biết trong 2 tháng đầu năm 2020, Campuchia đã xuất khẩu 136.499 tấn gạo, tăng 21,34% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm phần nhiều nhất với 37,43% (tương đương 51.092 tấn), tiếp đến là thị trường châu Âu 30,31% (41.373 tấn), Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 18,48% (25.231 tấn) và các thị trường khác 3,78% (18.803 tấn).
Theo Tổng thư ký Hiệp hội Lúa gạo Campuchia (CRF) Lun Yeng, xuất khẩu gạo của nước này sang các thị trường đối tác đều tăng. Riêng tại châu Âu, thuế nhập khẩu gạo Campuchia đã giảm từ 175 euro/tấn năm 2019 xuống 150 euro/tấn năm 2020 và điều này đã giúp gạo của nước này được mở rộng cửa hơn để vào thị trường châu Âu.
Ông Lun Yeng cũng bày tỏ tin tưởng gạo Campuchia sẽ trở nên phổ biến tại Trung Quốc nhờ nhu cầu cao của quốc gia đông dân nhất thế giới này, tuy nhiên Tổng thư ký CRF cũng cho hay các hoạt động vận tải đường thủy giảm sút đang cản trở việc hoàn thành mục tiêu trên.
Chan Sokheang, giám đốc điều hành Signature of Asia Co. - một doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Campuchia, lạc quan cho rằng xuất khẩu gạo của nước này đầu năm nay đã diễn ra sôi động và hứa hẹn tiếp tục tăng trưởng nhờ chất lượng gạo được đối tác đánh giá tốt và quan hệ quốc tế của Campuchia ngày càng được cải thiện.
Dịch bệnh COVID-19 sẽ không tác động xấu đến hoạt động xuất khẩu gạo của Campuchia, song quốc gia này cần nâng cao chất lượng gạo, hạ thấp chi phí sản xuất, tìm kiếm thêm vốn đầu tư để có thể cạnh tranh với các nước xuất khẩu gạo trong khu vực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận