Nhân viên y tế và lực lượng an ninh kiểm tra một khu nhà ở dành cho công nhân xây dựng ở Bangkok - Ảnh chụp màn hình Bangkok Post
"Hãy thực hiện điều này nghiêm túc trong 1 tháng. Mọi thứ sẽ thay đổi sau đó", Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha khẳng định trong cuộc họp báo ngày 25-6. Nhà lãnh đạo Thái Lan bác bỏ phong tỏa toàn bộ thủ đô và cho rằng thiệt hại kinh tế sẽ vô cùng lớn.
Theo ông Prayuth, trước mắt Thái Lan sẽ phong tỏa các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao như công trường xây dựng ở Bangkok và 4 tỉnh biên giới giáp Malaysia. "Phong tỏa hoàn toàn nghe có vẻ ghê quá", Thủ tướng Prayuth nêu quan điểm.
Theo Hãng tin Reuters, thủ đô Bangkok hiện có khoảng 400 công trường xây dựng, với số công nhân lên tới 87.000 người. Tất cả các dự án này sẽ bị tạm dừng trong vòng 1 tháng.
Chính quyền sẽ tập trung kiểm tra các khu trại của công nhân xây dựng trong cuối tuần này và tuần tới. Bên ngoài các khu trại, quân đội sẽ được huy động để bảo đảm không công nhân nào trở về quê.
Việc phong tỏa sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 28-6 sau khi chính quyền công bố chi tiết các biện pháp thực hiện. Bộ Lao động Thái Lan xác nhận các công nhân bị ảnh hưởng sẽ được hỗ trợ tài chính (được nhận khoảng 50% lương).
Bangkok là tâm điểm của đợt bùng phát COVID-19 thứ ba ở Thái Lan, với khoảng 1.000 ca mắc mới ghi nhận mỗi ngày. Hiện mới chỉ có 25% trong số 7 triệu dân số của thành phố đã được tiêm chủng, vẫn còn cách xa mục tiêu 70% dân số được tiêm mà chính quyền đã đề ra.
Theo báo Bangkok Post, đã có nhiều bác sĩ và chuyên gia y tế cấp cao đề xuất phong tỏa toàn bộ Bangkok trong vòng 7 ngày để ngăn chặn lây nhiễm, giảm bớt áp lực cho hệ thống y tế. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị chính quyền bác bỏ.
Một số bệnh viện ở Bangkok và vùng phụ cận đã tạm ngừng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 vì thiếu người; tình trạng thiếu giường bệnh vì số ca nhiễm tăng vọt cũng xảy ra ở Bangkok.
Để giải quyết tình trạng này, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Satit Pitutacha, những bệnh nhân COVID-19 chỉ mắc các triệu chứng nhẹ có thể phải tự chăm sóc tại nhà. Nhân viên y tế sẽ theo dõi từ xa thông qua một hệ thống giám sát đặc biệt.
"Quyết định cuối cùng vẫn thuộc về Trung tâm quản lý tình huống COVID-19 do thủ tướng đứng đầu", ông Satit nói với báo Bangkok Post.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận