Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Sommai Phasee nói ông chưa bao giờ thấy một vụ tham nhũng hoàn thuế lớn như lần này - Ảnh: Reuters |
Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Sommai Phasee hôm 14-5 cho biết đã cách chức ông Siripong Riyakarntheerachote (tên cũ Supakij Riyakarn), sau khi hội đồng kỷ luật nói ông này gây thiệt hại nặng nề cho nhà nước khi còn làm trưởng Phòng thuế quận Bang Rak (Bangkok).
Đây cũng là nơi xảy ra các vụ gian lận thuế VAT khủng khiếp với số tiền lên đến 3,21 tỉ baht (khoảng 96 triệu USD).
Chức vụ gần đây nhất của ông Siripong là cục trưởng Cục Thuế tỉnh Narathiwat (miền nam Thái Lan). Cùng với ông Siripong, số phận 3 - 4 quan chức cấp cao liên quan đến vụ gian lận này sẽ được định đoạt trong tháng tới.
Nếu chúng ta có thể trám được tất cả những lỗ hổng về thuế, tôi tin rằng thu nhập của chính phủ từ doanh thu thuế có thể sẽ tăng 10 - 12% trong năm tới |
Bộ trưởng Tài chính Thái Lan SOMMAI PHASEE |
Lợi dụng lỗ hổng trong luật
Năm 2013, như Bangkok Post cho biết, Bộ Tài chính Thái Lan đã mở cuộc điều tra và phát hiện 30 pháp nhân lập các công ty xuất khẩu kim loại không có thật. Các công ty ma này đã nộp tài liệu giả mạo lên Phòng thuế quận Bang Rak xin hoàn thuế VAT.
Theo báo The Nation, tên của những thành viên hội đồng quản trị ở những công ty xuất khẩu giả mạo này y hệt như nhau. Lộ liễu đến mức địa chỉ của các công ty ma cũng chẳng khác nhau nốt. Thực chất không có công ty nào trong số này đang hoạt động.
Cả 30 công ty ma này đặt hàng từ sáu nhà cung cấp không có thật để sau đó điền vào đơn xin hoàn thuế VAT. Đơn này được ông Siripong cùng các quan chức khác phê duyệt.
Vụ gian lận được thực hiện thông qua một lỗ hổng trong điều 9 của Luật hải quan Thái Lan. Điều 9 quy định VAT thu trên các vật liệu nhập khẩu dùng để sản xuất hàng xuất khẩu có thể được hoàn lại.
Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Sommai nói sẽ theo đuổi các vụ kiện dân sự đối với những người vi phạm và đòi bồi thường, đồng thời yêu cầu Tổng cục Thuế vá các lỗ hổng để tránh tình trạng né thuế. “Nếu chúng ta có thể trám được tất cả lỗ hổng về thuế, tôi tin nguồn thu của chính phủ từ thuế có thể sẽ tăng 10 - 12% trong năm tới”.
Ông cũng yêu cầu Cục Điều tra đặc biệt Thái Lan (DSI) và văn phòng Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia mở cuộc điều tra hình sự vụ gian lận.
Một ủy ban do tổng thanh tra Bộ Tài chính đứng đầu năm 2013 cho biết 20 quan chức thông đồng với các công ty ma. DSI dưới thời lãnh đạo cũ đã cho điều tra vụ gian lận hoàn thuế, nhưng sau đó tuyên bố không tìm thấy điều gì bất thường.
Ông Sommai cho biết ông Siripong và có thể cả những người khác sẽ đối mặt với việc bị truy tố hình sự vì gian lận thuế. “Trong 30 năm làm việc tại bộ, tôi chưa bao giờ thấy một vụ tham nhũng lớn đến như vậy” - ông Sommai nói.
Đấu tranh chống gian lận thuế
Xóa bỏ các vụ gian lận và né thuế là một trong những chính sách của chính quyền quân đội hiện nay trong chống tham nhũng và phục hồi ngân khố quốc gia trước khi tăng cường chi tiêu cho các dự án cơ sở hạ tầng.
Hồi cuối tháng 3, như Bangkok Post cho biết, ba người đã bị bắt với cáo buộc bán hóa đơn VAT giả dùng để lừa gạt cơ quan thuế ít nhất 1 tỉ baht (khoảng 29 triệu USD) thông qua việc khai khống.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế Thái Lan Prasong Poontaneat nói ba nghi can bị cáo buộc làm giả số hóa đơn VAT trị giá rất lớn và bán chúng cho ít nhất 100 công ty ma.
Những công ty này sau đó dùng hóa đơn giả để xin hoàn thuế. Các quan chức ngành thuế cũng phát hiện hơn 10.000 hóa đơn giả chưa được bán.
Tuy ba nghi can trên chỉ bị cáo buộc gian lận giấy tờ để hoàn thuế 1 tỉ baht trong vụ việc riêng lẻ, nhưng ông Prasong tin rằng giá trị thực của đống hóa đơn VAT mà các nghi can làm giả và bán ra có thể hơn 10 tỉ baht (298 triệu USD). Bởi họ đã vận hành đường dây này suốt hai năm qua.
Trong 10 năm qua, Tổng cục Thuế Thái Lan đã xử lý hơn 1.000 công ty khai khống để nhận tiền hoàn thuế. Người bán và mua hóa đơn VAT giả ở Thái Lan có thể đối mặt mức phạt 3 - 7 tháng tù giam hoặc bị phạt 2.000 - 200.000 baht hoặc cả hai.
Người vi phạm cũng có thể phải trả gấp đôi số tiền hoàn thuế do gian lận mà có cùng các khoản phạt khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận