TTCT - Là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên sắp công nhận hôn nhân đồng giới, Thái Lan được cộng đồng LBGT+ trong và ngoài nước ca ngợi. Nhiều chuyên gia nhận định điều này sẽ mang đến những cơ hội kinh tế "hái ra tiền" cho Thái Lan. Một cặp đôi tham gia diễu hành tự hào ở Bangkok. Ảnh: REUTERSNhiều đôi uyên ương đồng giới ở Thái Lan đang háo hức lên kế hoạch tổ chức đám cưới khi luật hôn nhân đồng giới có hiệu lực, dự kiến vào tháng 10 tới. Bước ngoặt mới này cũng mở ra cơ hội cho "kinh tế hồng" cùng khởi sắc.Luật hôn nhân đồng giới được Hạ viện Thái Lan thông qua hồi tháng 3 và qua tiếp cửa Thượng viện vào tháng 6. Thủ tục cuối cùng là chuẩn thuận của Quốc vương Maha Vajirusongkorn - dự kiến không gặp trở ngại nào. Luật sẽ chính thức có hiệu lực 120 ngày sau khi được bố cáo trên công báo hoàng gia.Theo The Straits Times, các nhà hoạt động vì cộng đồng LGBT+ đang kỳ vọng những đám cưới đồng tính được pháp luật thừa nhận đầu tiên sẽ diễn ra sớm nhất vào tháng 10 này. Cả những người trong cuộc cũng thế.Mùa cưới LGBT+Trong khoảng 30 năm qua, nhà tổ chức sự kiện đám cưới Dujruedee Thaithumnus đã chủ trì nhiều lễ cưới biểu tượng cho các đôi đồng tính trên đảo Samui (Thái Lan). Đám cưới của nhà môi giới bất động sản Ploy Rahong và người bạn đời Ayy mà cô tổ chức vào tháng 10 sẽ không còn chữ "biểu tượng" nữa. "Ploy là bạn lâu năm của tôi, vì vậy đám cưới này thực sự đặc biệt" - Dujruedee nói với Nikkei Asia.Với biển màu lam ngọc phản chiếu bầu trời xanh và những bờ biển tuyệt đẹp, Samui có đầy đủ các yếu tố làm nên một lễ cưới lãng mạn để đời. Khách hàng trước đây của Dujruedee đến từ khắp nơi - từ trong nước tới Úc, Brazil, Mexico và cả Vương quốc Anh."Tôi tin chắc sau khi luật hôn nhân đồng giới có hiệu lực, nơi đây sẽ có mặt trên bản đồ thế giới với tư cách là nơi diễn ra các đám cưới trong mơ, phù hợp với mọi túi tiền" - Dujruedee nói thêm.Một cặp đôi khác - nhà quản lý tài chính kế toán Prasoot Changseesook và thầy giáo dạy toán Tawatchai Saadsri ở Bangkok - đang lên kế hoạch đám cưới vào năm sau. Họ đã ở bên nhau được 12 năm. Cả hai nhận cháu trai của Tawatchai làm con nuôi như một cách để khẳng định cam kết giữa họ. Tình yêu của họ chỉ còn thiếu một đám cưới. Giờ thì cả hai đang mơ về một lễ cưới hợp pháp, đơn giản nhưng ấm cúng với khoảng 200 khách mời là bạn bè và người thân."Chúng tôi đều 34 tuổi và định sẽ làm một sự kiện năm 35 tuổi (2025) để thông báo với bạn bè. Nay hôn nhân đồng giới được pháp luật thừa nhận, chúng tôi vô cùng hạnh phúc vì ngày vui đó sẽ không phải là lễ cưới biểu tượng mà là lễ cưới được pháp luật công nhận. Hôn nhân đồng giới hợp pháp là điều cộng đồng LBGT+ chúng tôi mong mỏi từ rất lâu" - Tawatchai chia sẻ qua email với Tuổi Trẻ Cuối Tuần. Hơn 4 triệu người Thái Lan tự nhận mình là đồng tính, song tính, chuyển giới, không thuộc giới nào hoặc chưa xác định được giới tính, theo hãng tư vấn chuyên về thị trường này LGBT Capital. Khi hôn nhân đồng giới được pháp luật công nhận, những người này không chỉ được toại nguyện về mặt cảm xúc và tinh thần mà còn được đảm bảo các quyền về thừa kế, các quyền theo luật hôn nhân gia đình như được nhận con nuôi, quyền được khấu trừ thuế thu nhập cá nhân cho người phối ngẫu…Cùng với luật hôn nhân đồng giới, luật dân sự và thương mại của Thái Lan cũng sẽ sửa đổi từ ngữ, thay các từ chỉ giới tính như "chồng" và "vợ" thành "người phối ngẫu" hoặc "nam", "nữ" thành "cá nhân" để trung tính hơn, phản ánh sự đa dạng của các mô hình gia đình mới.Cơ hội kinh tế hồngLà quốc gia Đông Nam Á đầu tiên sắp công nhận hôn nhân đồng giới, Thái Lan được cộng đồng LBGT+ trong và ngoài nước ca ngợi. Nhiều chuyên gia nhận định điều này sẽ mang đến những cơ hội kinh tế "hái ra tiền" cho Thái Lan, vốn đã sẵn là điểm đến "thân thiện cộng đồng LBGT+".Hằng năm, vào dịp Tháng tự hào (Pride Month, diễn ra suốt tháng 6 để kêu gọi quyền bình đẳng của cộng đồng LBGT+), người từ Indonesia, Trung Quốc, Singapore, Malaysia… thường đến Thái Lan để hòa vào không khí tuần hành náo nhiệt của lễ hội vì họ không thể trải nghiệm những điều này ở nơi mình sống. "Chúng tôi đến Thái Lan ít nhất ba lần một năm" - Jethro, một doanh nhân người Indonesia sống ở Thượng Hải (Trung Quốc), trả lời phỏng vấn Nikkei Asia khi có mặt ở quảng trường Ratchaprasong trong sự kiện tuần hành mở màn Pride Month năm nay. Ở cả Thượng Hải lẫn Jakarta, nơi LGBT+ còn bị kỳ thị nặng nề, tuần hành tự hào vẫn là một hoạt động rất xa xỉ. Ở Malaysia, nước láng giềng với Thái Lan, quan hệ tình dục đồng giới có thể bị phạt đến 20 năm tù.Nikkei Asia nhận định thu hút nhân tài quốc tế và lôi kéo cộng đồng LGBT+ ở nước ngoài khá lớn của Thái Lan về nước là một trong những cơ hội mở ra nhờ luật cho phép hôn nhân đồng giới. Chatchai Lohhoh, theo đạo Hồi, nói năm xưa mình phải rời Thái Lan đến Mỹ sống, làm việc và kết hôn. Nhiều năm nay anh sống ở hải ngoại để tránh sự kỳ thị nơi quê nhà. Giờ thì Chatchai, hiện sống ở Washington, D.C., nghĩ đã đến lúc trở về."Tôi thực sự tự hào rằng Thái Lan sẽ là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính. Bạn bè LGBT+ của tôi có thể yên tâm rằng họ có thể đi du lịch Thái Lan một cách an toàn" - Chatchai nói.Không chỉ ngành dịch vụ tiệc cưới, các lĩnh vực khác ở Thái Lan, từ du lịch, khách sạn tới ngân hàng, y tế… tất cả đều hy vọng luật hôn nhân đồng tính sẽ khiến công việc của họ cất cánh khi tham gia vào nền kinh tế hồng hay kinh tế cầu vồng.Prasoot Changseesook và Tawatchai Saadsri cùng con trai nuôi tại một đám cưới. Họ sắp có đám cưới hợp pháp của riêng mình.Trong một phỏng vấn khác với Al Jazeera, Ploy Rahong nói cô nhận thấy có cơ hội lớn từ việc xây dựng một cộng đồng hưu trí cho các đôi LGBT+ ở đảo Samui sau khi luật hôn nhân đồng giới có hiệu lực ở Thái Lan.Thủ tướng Srettha Thavisin còn tuyên bố muốn Bangkok đăng cai tổ chức sự kiện tự hào thế giới WorldPride năm 2030. Nếu làm được như vậy, sự kiện chắc chắn mang lại cho Thái Lan nguồn ngoại tệ hấp dẫn vì các sự kiện chào mừng Tháng tự hào ở Bangkok, Phuket, Pattaya và Chiang Mai đã mang lại khoản tiền lên đến 120 triệu USD từ chi tiêu của du khách và người dân.Công ty dịch vụ y tế Borderless ước tính có khoảng 200-300 triệu người LGBT+ sống cách Thái Lan khoảng 3,5 giờ bay, như Trung Quốc, Ấn Độ và các nước khác ở Đông Nam Á, nơi còn kỳ thị LGBT+.Thái Lan có cơ hội phát triển các dịch vụ y tế tập trung vào nhu cầu của cộng đồng này như các dịch vụ xác định lại giới tính, liệu pháp nội tiết tố, sức khỏe tình dục, bệnh truyền nhiễm, tư vấn tâm lý… vì dịch vụ y tế ở các nước lân cận chưa đủ cởi mở và chuyên sâu cho nhu cầu của nhóm khách hàng này.Chia sẻ với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, anh Tanasak Phrosikun - giảng viên Đại học Udon Thani - cho biết mình đang chờ thiệp cưới từ các bạn bè thuộc cộng đồng LGBT+, trong đó có các đồng nghiệp dạy ở các trường đại học, một môi trường được xem là khá "bảo thủ" ở Thái Lan.Anh cho biết thông qua luật hôn nhân đồng giới là một chiến thắng lớn cho cộng đồng LGBT+ nhưng vẫn còn những vấn đề pháp lý khác cần hoàn thiện. Thái Lan cần có luật chống kỳ thị và thực hiện nghiêm túc luật này.Hiện nay nhiều người lao động ở Thái Lan vẫn bị kỳ thị trên cơ sở giới, họ chưa được ăn mặc theo giới tính của chính mình. Ngoài ra cần rà soát và sửa đổi toàn diện từ ngữ và quy định trong các luật hiện hành hiện mâu thuẫn với luật hôn nhân đồng giới. Cần cho phép xác định lại giới tính rộng rãi để Thái Lan tiếp tục là một xã hội đa dạng và công bằng hơn. Nghiên cứu gần đây của Tập đoàn Rand cho thấy việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới ở Mỹ tốt cả về xã hội lẫn kinh tế. Mối quan hệ của các cặp đôi đồng giới ổn định hơn, thu nhập và quyền sở hữu nhà tăng, sức khỏe của họ cũng tốt hơn. Đài Loan cũng được hưởng lợi tương tự kể từ khi hợp pháp hôn nhân đồng tính năm 2019. Các cặp đồng giới cho biết giờ đây họ không còn áp lực về việc "công khai" hay tiết lộ bạn đời của mình ở nơi làm việc. Trên toàn châu Á, mới có Đài Loan (Trung Quốc) và Nepal công nhận hôn nhân đồng giới. Theo Al Jazeera, thắng lợi pháp lý ở Thái Lan làm cộng đồng những người ủng hộ quyền LGBT+ trên khắp châu Á, nơi đồng tính vẫn là bất hợp pháp, khấp khởi hy vọng được chứng kiến điều tương tự ở đất nước mình.20 năm trước, thậm chí là 10 năm trước, không ai, kể cả những người cấp tiến nhất, nghĩ Thái Lan sẽ công nhận hôn nhân đồng giới. Khi đó các cặp đôi đồng tính bị kỳ thị nặng nề và ít người dám công khai về xu hướng giới tính của mình. Tuy nhiên những năm gần đây, trong gia đình, cả ở vùng nông thôn xa xôi, ở mọi tôn giáo, người dân đã chấp nhận các quyền của người LBGT+.Trên Nikkei Asia, Sirisak - một nhà hoạt động ủng hộ quyền của người đồng tính - nhớ lại lần đầu tiên họ tổ chức tuần hành tự hào ở Chiang Mai, tháng 2-2009. Hơn 300 người chặn cuộc tuần hành, đoàn diễu hành bị ném những túi máu và cá thối. Sự thay đổi đến chỉ trong một thế hệ này là kết quả của các cuộc vận động không mệt mỏi trên mạng xã hội, ở cộng đồng và pháp đình. Luật ra đời cũng nhờ sự ủng hộ của các đảng chính trị, như Đảng Tiến bước (Move Forward) ở Thái Lan. Tags: LGBTHôn nhân đồng giớiThái lanĐám cưới đồng tính
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Sáng nay 20 độ C, người dân TP.HCM khoác áo ấm ra đường LÊ PHAN 23/12/2024 Sáng nay 23-12, thời tiết TP.HCM lạnh, nhiệt độ giảm mạnh, người dân cảm nhận được cái lạnh rõ rệt dù trời có nắng.
Quyền lực của tỉ phú Elon Musk lớn cỡ nào? DUY LINH 23/12/2024 Sự kết hợp giữa tỉ phú Elon Musk và Tổng thống đắc cử Donald Trump đang bắt đầu tạo ra những cơn sóng làm chao đảo chính trường Mỹ.
Xe buýt lao qua đường tông xe máy và xe đạp, hai người nhập viện MINH HÒA 23/12/2024 Sáng 23-12, xe buýt chạy trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh, TP.HCM) bất ngờ lao qua làn đường ngược lại tông xe máy và xe đạp.
Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông khả năng mạnh lên thành bão số 10 CHÍ TUỆ 23/12/2024 Dự báo trong ngày hôm nay (23-12), áp thấp nhiệt đới ở phía nam Biển Đông mạnh lên thành bão, cơn bão số 10 trong năm 2024.