Phóng to |
“Chúng tôi sẽ tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn kể từ giờ và chỉ huy các lực lượng địa phương hai bên sẽ thường xuyên gặp gỡ để tránh sự hiểu lầm” - Reuters dẫn lời người phát ngôn chính quyền Campuchia Phay Siphan.
Hai bên đồng ý mở lại cửa biên giới ở khu vực gần hai ngôi đền cổ Ta Moan và Ta Krabey để người dân được trở về nhà. Cuộc xung đột đã khiến 60.000 người ở cả hai phía biên giới phải bỏ nhà cửa chạy lánh nạn.
Trước đó, theo báo Phnom Penh Post, quân Campuchia và Thái Lan tiếp tục nã đạn pháo và rocket về phía nhau vào buổi sáng sớm.
Dù biên giới đã tạm yên tiếng súng nhưng quan hệ Campuchia - Thái Lan vẫn rất căng thẳng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc, phân tích việc Thái Lan không muốn ASEAN hay Liên Hiệp Quốc (LHQ) đóng vai trò trung gian trong việc giải quyết xung đột biên giới do Bangkok lo ngại lợi thế sẽ thuộc về phía Phnom Penh. Năm 1962, Tòa án công lý quốc tế đã phán quyết đền Preah Vihear thuộc về Campuchia và năm 2008, LHQ công nhận đền Preah Vihear là di sản thế giới. Do đó ASEAN hay LHQ với tư cách bên thứ ba có thể ủng hộ quan điểm của Campuchia là đền Preah Vihear cũng như hai ngôi đền Ta Moan và Ta Krabey thuộc về Campuchia.
Cũng theo ông, chính quyền và quân đội Thái Lan không muốn thấy sự hiện diện của quan sát viên Indonesia ở khu vực đền Preah Vihear là do e ngại các quan sát viên Indonesia sẽ không chịu rời đi một khi đã có mặt. Do Campuchia có tiềm lực quân sự và kinh tế yếu hơn Thái Lan, Bangkok lo ngại sự can thiệp quốc tế sẽ giúp vị thế Campuchia mạnh hơn và dứt quyền kiểm soát cuộc xung đột khỏi tay chính quyền Bangkok.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận