Phóng to |
Thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban (bìa phải) nói chuyện với sĩ quan quân đội trước khi dẫn lực lượng rút khỏi khu vực chiếm đóng ở Phủ thủ tướng - Ảnh: Reuters |
Lúc 3g sáng, quân đội ra thông báo về thiết quân luật do tổng tư lệnh lục quân, tướng Prayuth Chan-ocha, ký. Luật có từ cách đây đúng 100 năm này cho phép quân đội có thẩm quyền can thiệp vào tình hình trong thời gian xảy ra khủng hoảng.
Trong thông báo, quân đội Thái Lan nói việc ban bố thiết quân luật kéo dài đến khi nào tình hình ổn định, để ngăn chặn đụng độ giữa hai phe đối địch, điều “có thể tác động đến an ninh, an toàn cho sinh mạng và tài sản của người dân”. Kể từ khi biểu tình nổ ra từ tháng 11-2013, các vụ xung đột bạo lực đã khiến 28 người thiệt mạng và hơn 700 người bị thương.
"Không hề có sự tham vấn trước với chính phủ về thiết quân luật và tôi nghĩ quân đội sẽ từ từ mở rộng quyền lực và thăm dò tình hình" Chuyên gia KAN YUENYONG(thuộc nhóm nghiên cứu đơn vị tình báo Siam) |
Không phải đảo chính?
Ngay sau thông báo, quân đội đã trấn an người dân cứ sinh hoạt bình thường. “Đây không phải là một cuộc đảo chính” - thông báo của quân đội nói.
Thiết quân luật cho phép quân đội có quyền kiểm soát về an ninh nhưng chính phủ vẫn có quyền lực làm các việc khác, không giống như một cuộc đảo chính.
Thế nhưng, Reuters cho biết Tổ chức theo dõi nhân quyền đã gọi động thái của quân đội là “một cuộc đảo chính trên thực tế”.
Một số người dân ở Bangkok cho Tuổi Trẻ biết binh sĩ và xe quân đội đã xuất hiện trên đường phố và nhiều tuyến đường tạm thời bị phong tỏa.
Quân đội cũng đã cho binh sĩ đến canh giữ các đài truyền hình, đồng thời cho ngưng hoạt động 10 đài truyền hình vệ tinh và các kênh phát thanh cộng đồng không được cấp phép.
Trong số này có cả các đài truyền hình và phát thanh của lực lượng biểu tình chống chính phủ và của phe áo đỏ. Hành động này được nói là để đảm bảo tin tức được phát đi chính xác, không bị bóp méo và làm căng thẳng thêm tình hình.
Quân đội cũng yêu cầu hai phe biểu tình phản đối và ủng hộ chính phủ ở yên tại vị trí đang biểu tình và không di chuyển để tránh đụng độ, đồng thời kêu gọi lãnh đạo hai bên đối thoại.
Báo The Nation cho biết hôm qua quân đội và phe áo đỏ ủng hộ chính phủ đã đàm phán về việc giải tán biểu tình. Lực lượng phản đối chính phủ cũng hủy các cuộc diễu hành dự tính diễn ra hôm qua và rút khỏi khu vực chiếm đóng ở Phủ thủ tướng nhưng vẫn duy trì biểu tình ở các địa điểm khác.
Cùng ngày, theo báo Bangkok Post, quân đội tuyên bố giải thể Trung tâm điều hành hòa bình và trật tự do chính phủ và cảnh sát quản lý.
Thay vào đó là Bộ chỉ huy bảo vệ trị an (PKCC) do tướng Prayuth đứng đầu. Trao đổi qua điện thoại với Tuổi Trẻ sáng qua, một cố vấn an ninh trong chính phủ lâm thời Thái Lan nói ngắn gọn: “Chúng tôi vẫn nắm quyền”.
Các nước lo ngại Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa bày tỏ sự quan ngại và kêu gọi tôn trọng hiến pháp cùng các nguyên tắc dân chủ, phản ánh nguyện vọng của người Thái. Nhật Bản, nước đầu tư lớn nhất vào Thái Lan, bày tỏ “quan ngại sâu sắc”, trong khi Mỹ hi vọng thiết quân luật chỉ là tạm thời. Úc kêu gọi các bên ở Thái Lan giải quyết khác biệt thông qua các tiến trình dân chủ và hòa bình. |
Tuy nhiên trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Patiwat Panurach - giảng viên Trường đại học Thammasat (Bangkok) - lại cho rằng những gì quân đội làm gần như là một cuộc đảo chính.
“Chính phủ vẫn tồn tại trên lý thuyết, nhưng họ có quá ít quyền hành trong những tháng qua sau khi tòa án bác bỏ kết quả bầu cử ngày 2-2” - ông Patiwat bình luận.
Thực tế, Chính phủ Thái Lan đã không được quân đội tham vấn hay báo trước về việc ban bố thiết quân luật. Bộ trưởng giáo dục Chaturon Chaisaeng xác nhận với Tuổi Trẻ điều này và nói thêm: “Có thể quân đội muốn ngăn chặn việc xảy ra đụng độ giữa người dân với nhau, nhưng với việc ban bố thiết quân luật như thế này không thể giúp giải quyết triệt để xung đột. Ở đất nước này, xung đột liên quan đến chính trị chứ chẳng phải vấn đề thù ghét nhau hay chuyện an ninh”.
PKCC hôm qua cũng đã gọi tất cả những người đứng đầu các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức xã hội trên cả nước đến họp với quân đội tại bốn địa điểm ở các vùng miền bắc, đông bắc, miền trung và miền nam.
Nói với Tuổi Trẻ, ông Chaturon cho rằng: “Họ (quân đội) ban bố thiết quân luật thì họ phải báo cáo với chúng tôi chứ không có chuyện ngược lại. Đến giờ chúng tôi vẫn chờ họ báo cáo”. Ông nói tình hình hiện nay rất phức tạp.
Trông chờ ở Thượng viện
Phản ứng sau khi có thiết quân luật, cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra nói ông không ngạc nhiên về động thái này của quân đội.
Trong khi đó, Thủ tướng lâm thời Niwattumrong Boonsongpaisan kêu gọi quân đội hành động trong khuôn khổ của hiến pháp, “tuân thủ đường lối hòa bình, phi bạo lực, không phân biệt đối xử và bình đẳng trên cơ sở luật pháp”.
Lần ban bố thiết quân luật gần đây nhất là vào ngày 19-9-2006, quân đội đảo chính lật đổ thủ tướng Thaksin Shinawatra khi ông đang ở New York (Mỹ) tham dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. |
Nhận định tình hình hiện nay là khó đoán và có thể thay đổi bất cứ lúc nào, ông Patiwat đưa ra một kịch bản có thể xảy ra: “Quân đội sẽ sử dụng sức ảnh hưởng của mình để gây sức ép buộc thượng viện phải lập ra một thủ tướng không thông qua dân cử để đệ trình lên nhà vua phê chuẩn. Điều này đem lại rủi ro cho tất cả các bên vì hiến pháp ghi rõ thủ tướng phải là một người được bầu ra”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Chaturon cũng cho rằng việc quân đội ban bố thiết quân luật có thể có sự liên quan đến khả năng Thượng viện sắp tới lập ra thủ tướng trung lập. Tuy nhiên, ông khẳng định điều này là vi hiến. Cũng hôm qua, theo Bangkok Post, một nhóm 31 thượng nghị sĩ đã phát đơn kiện lên Tòa án hiến pháp đòi phế truất toàn bộ nội các vì ban bố trái luật tình trạng khẩn cấp từ ngày 22-1 đến 22-3 với ý đồ tác động đến nhiệm vụ của Ủy ban bầu cử.
Chuyên gia Kavi Chongkittavorn thuộc Viện Nghiên cứu an ninh và quốc tế (Bangkok) cho rằng Thượng viện có thể chọn ra một thủ tướng lâm thời mà không bị các nhóm vũ trang ở cả hai phe đe dọa.
Đáp lại thông tin về thiết quân luật, Ủy ban bầu cử Thái Lan khẳng định bầu cử vẫn sẽ diễn ra nhưng vấn đề là khi nào. Sắc lệnh hoàng gia về việc tổ chức bầu cử vẫn có hiệu lực sau khi Hạ viện bị giải tán vào tháng 12-2013. Hiện phe áo đỏ đang kêu gọi nhanh chóng tổ chức bầu cử.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận