19/05/2017 15:45 GMT+7

'Thái Bình lấn biển hàng trăm năm nay'

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TTO - “Muốn phát triển kinh tế phải làm công nghiệp phát triển ra biển là tất yếu" - ông Lại Văn Hoàn, Chánh văn phòng UBND tỉnh Thái Bình, nói vậy khi trả lời Tuổi Trẻ về dự án lấn 320ha biển.

Ông Lại Văn Hoàn, chánh văn phòng UBND tỉnh Thái Bình - Ảnh: NAM TRẦN
Ông Lại Văn Hoàn, chánh văn phòng UBND tỉnh Thái Bình - Ảnh: NAM TRẦN

Ông Lại Văn Hoàn là người được chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình uỷ quyền trả lời báo Tuổi Trẻ về dự án lấn 320ha biển đang được dư luận chú ý.

“Trước mắt chủ đầu tư phải kiểm tra lại toàn bộ quá trình triển khai, rà soát lại từng mục và kiểm tra lại tất cả các nội dung đã thực hiện trong quá trình lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo lãnh đạo tỉnh ngay trong tuần này” - ông Hoàn cho biết.

Riêng với việc  để phát triển công nghiệp, ông Hoàn nhấn mạnh chủ trương của Thái Bình là phát triển kinh tế về phía biển, vì Thái Bình đất chật người đông, quỹ đất trong nội đồng phải dành cho đảm bảo an ninh lương thực.

“Muốn phát triển kinh tế phải làm công nghiệp phát triển ra biển là tất yếu. Đó cũng là việc như lớp trước đã làm là quai đê lấn biển” - ông Hoàn nói.

"Nhưng phải là công nghiệp không gây ô nhiễm, ít tác động đến môi trường sinh thái. Dịch vụ cũng chủ yếu là trung chuyển hàng hoá khu vực ven biển. Qua bài học từ Formosa, Thái Bình khẳng định không bao giờ đánh đổi môi trường yên lành này bằng sự tăng trưởng kinh tế đơn thuần”.

Ông Đặng Văn Thái, giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình phát triển NN&PTNN tỉnh Thái Bình-chủ dự án - Ảnh: NAM TRẦN
Ông Đặng Văn Thái, giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình phát triển NN&PTNN tỉnh Thái Bình - chủ dự án - Ảnh: NAM TRẦN

Sẽ trồng thay thế 150ha rừng bị phá

Ông Đặng Văn Thái, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình phát triển NN&PTNT tỉnh Thái Bình - chủ đầu tư dự án lấn 320ha biển, cũng được UBND tỉnh Thái Bình uỷ quyền trả lời báo chí.

* Để làm dự án này sẽ phải phá bỏ 150ha rừng ngập mặn có chức năng phòng hộ đê, tỉnh Thái Bình đã tính toán ra sao về mức độ tác động khi cho nghiên cứu dự án này?

Tại Thái Bình hàng trăm năm nay đều lấn biển, thường cứ 30 năm một lần. Từ 2014 tỉnh chủ trương quai đê lấn biển từ đoạn 26+700 đến 31+700, có chiều dài 4km ở đê biển huyện Thái Thuỵ. Việc phát triển tuyến đê mới đã được Bộ NN&PTNT đồng ý, được Chính phủ phê duyệt qua các năm 2014-2015.

Với việc làm tuyến đê mới cách tuyến đê cũ 800m hướng ra ngoài biển, chiều dài 4km, khi đê mới đi vào 1/3 rừng ngập mặn hiện có, 150ha rừng ngập mặn phía trong đê không còn được phù cung cấp dinh dưỡng sẽ thoái hoá.

Vì yêu cầu phát triển kinh tế của huyện Thái Thuỵ, tỉnh đã chủ trương dùng diện tích xen kẹt giữa hai tuyến đê cũ và đê mới để phun cát tạo mặt bằng làm khu công nghiệp và dịch vụ. Tổng diện tích phía trong đê mới là 320ha, trong đó có 150ha rừng và 170ha nuôi thuỷ sản.

* Khi xác định phá bỏ 150ha rừng ngập mặn được trồng từ 30 năm nay, tỉnh Thái Bình đã tính hết các tác động, đặc biệt là tác động nếu có bão lớn, siêu bão hay tác động của biến đổi khí hậu?

Trong năm 2014 khi chúng tôi làm việc với Bộ NN&PTNT về việc quai đê lấn biển và làm đê mới. Khi đó Bộ NN&PTNT có khuyến cáo chỉ làm khi và chỉ khi phần rừng phía ngoài đê mới còn lại 240m. Từ năm đó đến nay, hiện trạng rừng tính từ đê mới nếu làm ra đến vị trí rừng hiện có, nơi thấp nhất là 300m, nơi lớn nhất là 350m.

Như vậy, diện tích rừng hiện có phía ngoài đê mới đã đáp ứng được yêu cầu đầu tiên là an toàn cho đê, tiếp nữa là chống được sóng. Vì diện tích rừng còn vượt hơn so với khuyến cáo của Bộ NN&PTNT nên tỉnh mới đồng ý cho nghiên cứu.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã phê duyệt kế hoạch sẽ trồng thay thế 150ha rừng bị phá ở phía ngoài đê mới.

* Việc chuyển đổi đất rừng sang làm công nghiệp phải điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, trình Chính phủ. Tỉnh Thái Bình đã trình bộ chủ quản và Chính phủ đồng ý cho chuyển đổi mục 150ha rừng ngập mặn này sang đất công nghiệp chưa?

Về mặt quy hoạch sử dụng đất, tỉnh đã trình lên Bộ TN-MT xin điều chỉnh quy hoạch trong giai đoạn 2016-2020, tức là xin chuyển từ đất rừng sang đất công nghiệp. Theo tôi được biết thì đến nay chưa được Chính phủ duyệt cho chuyển mục đích diện tích đất này.

Còn trong thực hiện thì tỉnh đã chỉ đạo thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Tuy nhiên, đúng là trong hồ sơ nộp cho Bộ TN-MT lần một để hội đồng thẩm định họp chỉ báo cáo có 80 hộ bị ảnh hưởng.

Nhưng trong giải trình và báo cáo lại, chúng tôi đã có bổ sung những sai lệch này cho đúng số hộ bị ảnh hưởng của hai xã hiện nay là 354 hộ.

* Trong hồ sơ lần đầu như ông nói chỉ 80 hộ nuôi thuỷ sản bị ảnh hưởng, khi đó báo cáo ĐTM đưa ra đánh giá mức độ tác động với hộ nuôi thuỷ sản là nhỏ, với việc đã giải trình bổ sung đúng có 354 hộ, ĐTM của dự án có thay đổi đánh giá mức độ ảnh hưởng?

Như chúng tôi đã giải trình, việc đánh giá tác động môi trường của dự án trong giải trình đã phải viết lại toàn bộ. Trong giải trình và sửa chữa, chúng tôi đã đánh giá lại theo hướng có 354 hộ nuôi thuỷ sản bị ảnh hưởng. Về mức độ ảnh hưởng, tôi tin chắc bên lập ĐTM phải đánh giá lại.

* Như vậy tỉnh đã làm rõ nguyên nhân vì sao một báo cáo đánh giá tác động môi trường rất quan trọng lại có chất lượng thấp và sai lệch về số hộ bị ảnh hưởng trực tiếp?

Rõ ràng trong hồ sơ nộp lên có sai lệch về số hộ nuôi thuỷ sản, cái đó phải thừa nhận chất lượng công tác, đánh giá của đơn vị lập báo cáo đánh giá tác động môi trường thực hiện chưa tốt, nếu tốt đã không sai. Cái này chắc tỉnh sẽ nghiêm túc kiểm điểm các đơn vị thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình.

* Theo quy định tham cộng đồng về ĐTM phải tham vấn các hộ chịu tác động trực tiếp bởi dự án. Hồ sơ ĐTM nộp sau này vẫn chỉ tham vấn tới trưởng, phó thôn, ông giải thích thế nào về việc tham vấn này?

Tôi được biết trong hồ sơ có tham vấn hai hộ có đầm nuôi trồng thuỷ sản. Tôi khẳng định trong hai biên bản tham vấn đã nộp có hai hộ nuôi trồng thuỷ sản được tham vấn.

* Nhưng trong biên bản tham vấn, những người được mời dự đều ghi rõ với tư cách trưởng, phó thôn, không phải với tư cách là hộ nuôi thuỷ sản, ông có thể coi lại biên bản?

Tôi khẳng định là có hai hộ có đầm nuôi thuỷ sản được tham vấn, còn có thể họ cũng là trưởng, phó thôn. Còn hội đồng thẩm định có thể yêu cầu đơn vị tư vấn và chúng tôi bổ sung tham vấn vì đối tượng tham vấn chưa đại diện hết cho các tổ chức xã hội và dân cư nằm trong khu vực mà dự án tác động.

Nếu Bộ yêu cầu tham vấn mở rộng, chúng tôi sẽ báo cáo tỉnh chỉ đạo tham vấn bổ sung cho đủ đối tượng cần phải tham vấn.

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Tu\u1ed5i Tr\u1ebb v\u1ec1 d\u1ef1 \u00e1n l\u1ea5n\u00a0320ha\u00a0bi\u1ec3n." />