Ngày 23-8, UBND tỉnh Thái Bình tổ chức hội nghị công bố xác lập vị trí, ranh giới và diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.
Theo UBND tỉnh Thái Bình, với đặc điểm là tỉnh có xu thế biển bồi, trước những năm 1980, vùng ven biển Thái Bình chủ yếu là các bãi triều ngập nước, nơi đây trở thành sinh kế nuôi trồng thủy sản, một số khu vực được bồi tụ phù sa có tiềm năng để trồng rừng ngập mặn.
Với mong muốn tập trung phát triển rừng trên các diện tích bãi triều nhằm giữ đất, ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo sinh kế cho người dân, hướng tới hình thành khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước, tỉnh Thái Bình đã ban hành quyết định số 2159 năm 2014, phê duyệt đề án và xác lập khu rừng đặc dụng có diện tích 12.500ha với tên gọi Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.
Với diện tích tạm tính ban đầu là 12.500ha, được kế thừa từ số liệu diện tích của 5 nguồn dữ liệu khác nhau, vị trí và ranh giới khu rừng chưa có sự đồng nhất.
Đến nay khi đã đảm bảo đủ các điều kiện, để phù hợp với điều kiện thực tế, hiện trạng đa dạng sinh học, hiện trạng sử dụng đất, đất có mặt nước tại vùng đất ngập nước Tiền Hải, tỉnh Thái Bình tiến hành xác lập vị trí, ranh giới, diện tích khu bảo tồn.
UBND tỉnh Thái Bình đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường biển triển khai thực hiện nhiệm vụ "Điều tra, đánh giá thực trạng đa dạng sinh học và xác định vị trí địa lý, diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải".
Kết quả thực hiện đã xác định quy mô, diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải vẫn giữ nguyên diện tích 12.500ha theo quyết định số 2159 ngày 26-9-2014 của UBND tỉnh Thái Bình.
Vị trí, quy mô và diện tích phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo nghị quyết 138-2022 của Chính phủ, phù hợp với quyết định 1734-2023 của Thủ tướng quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050.
UBND tỉnh Thái Bình cho biết Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải được xác định nằm ở vùng ngoài đê số 5, 6 của huyện Tiền Hải. Phía bắc giáp với vùng cửa Trà Lý, phía nam giáp cửa Ba Lạt và quy hoạch khu đô thị dịch vụ Cồn Vành - Cồn Thủ, phía tây giáp với khu quy hoạch nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, khu lấn biển và phía đông giáp với Biển Đông.
Ranh giới Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải được xác định bằng 33 điểm tọa độ với tổng diện tích 12.500ha, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 2.726ha, phân khu phục hồi sinh thái là 9.774ha.
Vùng đệm của khu bảo tồn với diện tích 3.446,5ha được xác định bằng 40 điểm tọa độ, có khoảng cách 1.000m tính từ ranh giới khu bảo tồn.
Qua việc xác lập vị trí, ranh giới, diện tích khu bảo tồn, tỉnh Thái Bình cho biết tập trung chú trọng dành nguồn lực tiếp tục bảo tồn và phát triển khu bảo tồn.
Tỉnh Thái Bình cũng đề nghị các bộ, ngành trung ương hỗ trợ về chuyên môn, các nguồn lực, các chương trình dự án, huy động nguồn lực từ các tổ chức, các doanh nghiệp, người dân chung tay bảo tồn.
Thái Bình cũng cam kết thực hiện đúng quy định các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường và không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Năm 2023, báo chí phản ánh về việc UBND tỉnh Thái Bình có quyết định số 731 nhằm xác định vị trí, quy mô diện tích, ranh giới Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.
Quyết định 731 đã cắt giảm diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải từ 12.500ha xuống còn 1.320ha, bao gồm 632ha đất có rừng ngập mặn và 688ha đất chưa có rừng.
Quyết định số 731 này đã sụt giảm 11.180ha so với quyết định 2159 năm 2014 của UBND tỉnh Thái Bình về việc phê duyệt đề án và xác lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải rộng 12.500ha, gồm 1.430ha rừng, 11.050ha đất ngập nước và bãi bồi.
UBND tỉnh Thái Bình xác định sau khi giảm về quy mô diện tích thì Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải sẽ được "bao quanh" bởi các dự án kinh tế trọng điểm của tỉnh như khu đô thị, sân golf...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận