23/11/2015 08:04 GMT+7

Thách thức lớn nhất với Việt Nam là năng lực cạnh tranh

Q.TRUNG ghi
Q.TRUNG ghi

TT - Ông Nguyễn Sơn - phó vụ trưởng Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế thuộc Bộ Công thương, phụ trách về Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) - trả lời Tuổi Trẻ về những thuận lợi và thách thức của việc gia nhập AEC.

“Tôi đánh giá doanh nghiệp mình có thể tận dụng những cơ hội này và phát triển được

Việt Nam là nước có tỉ lệ thực hiện các biện pháp trên cả ba trụ cột an ninh chính trị - văn hóa xã hội và kinh tế cao thứ hai trong ASEAN, lên đến 92%.

Việc hình thành Cộng đồng chung ASEAN sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho cả ba trụ cột. Về văn hóa - xã hội, cộng đồng chung sẽ làm tăng thêm cơ hội về giao lưu văn hóa, đi lại giữa các nước thành viên.

Về an ninh - chính trị, cộng đồng chung giúp củng cố khối đoàn kết của ASEAN, tăng vị thế của tất cả quốc gia trong khối.

Về trụ cột kinh tế, khi thị trường chung hình thành, hàng hóa, dịch vụ, vốn... được luân chuyển tự do, qua đó giúp giảm chi phí, tạo sức hấp dẫn về môi trường đầu tư của ASEAN.

Cộng đồng chung ASEAN được tiếp nối từ những thành tựu của Khu vực mậu dịch tự do ASEAN, nên về cơ bản những thuận lợi, khó khăn, thách thức và giải pháp cũng không có nhiều thay đổi.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của cộng đồng chính là khoảng cách chênh lệch lớn về trình độ phát triển giữa các nước ASEAN, không chỉ giữa nhóm nước Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam mà còn ngay cả trong nhóm ASEAN-6 gồm Philippines, Indonesia, Malaysia, Brunei, Thái Lan và Singapore.

Ví dụ như nếu so sánh giữa Singapore và Philippines thì khoảng cách về GDP khá là xa. Do vậy tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần này, các lãnh đạo nhấn mạnh mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước.

Để cụ thể hóa mục tiêu này, trước mắt có sáng kiến hội nhập ASEAN gồm dự án bổ trợ các nước thành viên, trong đó có Việt Nam, để nâng cao năng lực, hội nhập sâu hơn vào ASEAN.

Đối với Việt Nam, thách thức lớn nhất chính là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước bởi nền kinh tế thị trường của Việt Nam chuyển đổi sau một số nước trong ASEAN, nên doanh nghiệp Việt Nam chưa thể có tích lũy để có khả năng cạnh tranh, nhất là với doanh nghiệp nhóm nước ASEAN-6.

Để giải quyết các thách thức này, Nhà nước có những biện pháp hỗ trợ, thuận lợi hóa thương mại nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tận dụng những cơ hội của ASEAN, cụ thể là triển khai cơ chế một cửa quốc gia, tập trung tất cả đầu mối, tất cả thủ tục liên quan đến xuất nhập khẩu, tổng cục hải quan, triển khai giao dịch bằng điện tử, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí.

Việt Nam gia nhập ASEAN đến giờ đã được 20 năm, nên các doanh nghiệp đã có thời gian thích nghi với những môi trường cạnh tranh như vậy.

Mặc dù còn đầy thách thức, nhưng tôi đánh giá doanh nghiệp mình có thể tận dụng những cơ hội này và phát triển được.

Q.TRUNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên