26/12/2024 10:47 GMT+7

Thách thức của xã hội 'siêu già' tại Hàn Quốc

Ngày 24-12, Bộ Nội vụ Hàn Quốc công bố dữ liệu nhân khẩu học cho thấy Hàn Quốc đã trở thành một xã hội siêu già, khi cứ năm người thì có một người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 20% trong tổng dân số 51 triệu người của Hàn Quốc.

Thách thức của xã hội 'siêu già' tại Hàn Quốc - Ảnh 1.

Những em bé mới chào đời tại một bệnh viện ở Hàn Quốc - Ảnh: YONHAP

Thống kê này cho thấy cuộc khủng hoảng nhân khẩu học tại Hàn Quốc đang ngày càng trở nên nghiêm trọng và rõ nét hơn. Hàn Quốc hiện là quốc gia thứ hai ở châu Á, sau Nhật Bản, chạm mốc "xã hội siêu già".

Quả bom hẹn giờ không chỉ ở Hàn Quốc

Liên hợp quốc phân loại các quốc gia có 7% dân số từ 65 tuổi trở lên là "xã hội già hóa", hơn 14% là "xã hội già" và trên 20% là "xã hội siêu già". Hàn Quốc phải đối mặt với tỉ suất sinh thấp gần như "chạm đáy" là 0,72 vào năm 2023 - mức thấp nhất thế giới, trong khi mức trung bình để duy trì dân số là 2,1, theo Đài CNN.

Chia sẻ với tạp chí Diplomat, chuyên gia nhân khẩu học Lee Sang Lim đánh giá tỉ suất sinh 0,72 là mức hiếm có trong lịch sử. Những trường hợp thấp tương tự từng được ghi nhận trên thế giới như tỉ suất sinh 0,77 của Đông Đức khi nước Đức thống nhất năm 1990, hay tỉ suất sinh ở một số thành phố châu Âu giảm xuống 1,0 trong thời kỳ Đại khủng hoảng (những năm 1930).

Tuy nhiên những trường hợp suy giảm này chỉ mang tính tạm thời. Trong khi đó Hàn Quốc lại khác biệt khi tỉ suất sinh giảm nghiêm trọng mà không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như khủng hoảng kinh tế, an ninh hay căng thẳng địa chính trị.

Bài toán về tỉ suất sinh giảm đã đặt ra hàng loạt thách thức mà Hàn Quốc phải giải quyết trong hiện tại và tương lai, trước hết là vấn đề giáo dục và chăm sóc trẻ em. Nhiều trường mẫu giáo và trường học ở nông thôn đã bắt đầu đóng cửa vì không có học sinh. Ngay cả các trường đại học trên toàn quốc cũng cảm nhận rõ sự suy giảm về số lượng tân sinh viên.

Bên cạnh đó, các ngành như xây dựng, giao thông, thực phẩm, đồ uống và nhà ở có thể giảm năng suất do thị trường thu hẹp. Đồng thời, dân số già tăng nhanh cùng tỉ suất sinh thấp sẽ gây áp lực lớn lên hệ thống phúc lợi xã hội.

Có thể thấy tỉ suất sinh giảm là tình trạng đáng báo động, thậm chí được so sánh như một quả bom hẹn giờ về mặt nhân khẩu học tại Hàn Quốc nói riêng và các quốc gia Đông Á khác nói chung trong bối cảnh dân số tại những khu vực này đang già đi chỉ sau vài thập niên bước vào quá trình công nghiệp hóa.

Chuyện không của riêng ai

Không chỉ Đông Á, các nước châu Âu cũng đang đối mặt với bài toán tỉ suất sinh giảm. Trong thập niên qua, tỉ suất sinh tại châu lục này duy trì ở mức 1,5 - cao hơn trung bình Đông Á nhưng vẫn thấp hơn ngưỡng 2,1 cần thiết để duy trì dân số, theo Hãng tin Reuters.

Nhiều chính phủ châu Âu đã chi hàng tỉ euro để triển khai các chính sách khuyến khích sinh con như trợ cấp tiền mặt, hỗ trợ nuôi con, giảm thuế cho gia đình đông con và chế độ nghỉ phép cho cha mẹ. Tuy nhiên hiệu quả vẫn hạn chế, ngay cả ở những quốc gia từng có tỉ suất sinh cao như Pháp và Cộng hòa Czech (khoảng 1,8), tình trạng này cũng đang suy giảm.

Một số chuyên gia đề xuất các nước có thể xem xét mô hình tiếp nhận thêm người nhập cư để lấp đầy khoảng trống. Một nghiên cứu về dân số trên tạp chí sức khỏe nổi tiếng The Lancet cho biết Tây Âu sẽ phải nới lỏng chính sách nhập cư để giải quyết khủng hoảng nhân khẩu học.

Tuy nhiên, ông Lee Sang Lim cho rằng giải pháp này khó có thể giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng dân số tại Hàn Quốc. Chính sách nhập cư hiện tại của Hàn Quốc chủ yếu nhằm khắc phục tình trạng thiếu lao động, thay vì giải quyết toàn diện vấn đề dân số. Do đó cách tiếp cận này chỉ mang tính tạm thời, đáp ứng nhu cầu lao động trước mắt.

Đặc biệt hiện tại nền kinh tế Hàn Quốc ưu tiên năng suất và hiệu quả. Thế nhưng phần lớn người nhập cư là lao động chân tay, vì vậy họ sẽ không đóng góp đáng kể vào công cuộc đổi mới hoặc cải thiện năng suất. Ngược lại, việc mở rộng chính sách nhập cư trong điều kiện hiện tại có thể khiến tình hình trở nên tệ hơn. Điều này cũng tương tự với Nhật Bản, Trung Quốc hay một số quốc gia Đông Á khác.

Thiên chức làm mẹ bị mai một

Trong 50 năm qua, Hàn Quốc đã phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong bốn con rồng châu Á. Phụ nữ được quyền bình đẳng trong học vấn và tham gia lực lượng lao động. Tuy nhiên, vai trò làm vợ và làm mẹ cũng ngày càng trở nên mờ nhạt.

Nỗi sợ tụt hậu đã khiến nhiều phụ nữ Hàn Quốc ngần ngại kết hôn và lập gia đình. Chưa kể là một số người khó quay lại thị trường lao động sau thời gian nghỉ thai sản. Hiện tượng này phần nào lý giải tỉ suất sinh thấp kỷ lục ở quốc gia Đông Bắc Á.

Thách thức của xã hội 'siêu già' tại Hàn Quốc - Ảnh 2.Già hóa dân số ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc

Theo Hyundai Research Institute, tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á tiếp tục giảm xuống 2,5% giai đoạn 2016-2020 và con số này có thể tiếp tục giảm xuống mức 1%.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên