07/04/2025 09:11 GMT+7

Thách thức 'chợ đen' dữ liệu cá nhân ở Trung Quốc

Trung Quốc đang đối mặt với thách thức lớn trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân khi thị trường "chợ đen" buôn bán loại dữ liệu này phát triển ồ ạt đáng lo ngại.

dữ liệu cá nhân - Ảnh 1.

Khách tham quan xem camera an ninh AI sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt tại một triển lãm về an ninh và an toàn công cộng ở Bắc Kinh (Trung Quốc) - Ảnh: AFP

Đầu năm nay, sáu cơ quan Chính phủ Trung Quốc đã công bố kế hoạch hành động nhằm xử lý việc thu thập, buôn bán và chia sẻ dữ liệu trái phép, tập trung vào các "chợ đen" và "chợ xám", nhằm đảm bảo an ninh dữ liệu. Đây là nỗ lực cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ quyền riêng tư và an ninh quốc gia.

"Mở hộp"

Tháng 3-2025, cô con gái 13 tuổi của ông Tạ Quảng Quân, phó chủ tịch Công ty công nghệ Baidu, vướng vào tranh cãi trên mạng về nhạc pop Hàn Quốc. 

Khi căng thẳng leo thang, cô bé đã công khai thông tin cá nhân của đối phương. Hành động này được gọi là doxxing trong tiếng Anh, ở Trung Quốc gọi là "kaihe" (mở hộp) hoặc "renrou sousuo" (tìm kiếm thịt người).

Vụ việc gây xôn xao dư luận. Nhiều người nghi cô bé truy cập thông tin bằng cách nhờ cha giúp, bởi Baidu nắm dữ liệu của hàng trăm triệu người dùng. Ông Tạ Quảng Quân và Baidu đều phủ nhận liên quan.

Tạp chí The Economist cho rằng họ có lời giải thích đơn giản hơn: Bất kỳ thanh thiếu niên nào ở Trung Quốc cũng có thể dễ dàng tìm và tiết lộ thông tin cá nhân người khác vì tại quốc gia này đang tồn tại một thị trường ngầm phát triển mạnh chuyên mua bán dữ liệu cá nhân

Hoạt động này diễn ra trên các ứng dụng nhắn tin như Telegram - nền tảng bị cấm nhưng vẫn dễ truy cập với người rành công nghệ. Những người môi giới chào bán từ vị trí theo thời gian thực trên điện thoại đến lịch sử mua sắm trực tuyến.

"Dù bạn là doanh nhân, cha vợ tương lai, hay đang yêu đương, bạn đều có thể tra cứu thông tin về đối tác, con rể, thậm chí những người bạn sắp cho vay tiền" - một nhà môi giới có 20.000 người theo dõi trên Telegram hứa hẹn. Các tay môi giới tuyên bố có thể tìm thông tin hộ khẩu, ảnh và số chứng minh thư với giá 600 nhân dân tệ (khoảng 80 USD).

Việc lộ thông tin cá nhân đang trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người khi họ liên tục phải chịu những tin nhắn tự động, cuộc gọi làm phiền, thậm chí là đối mặt với các vụ tống tiền và lừa đảo nghiêm trọng. 

Đáng chú ý, các băng nhóm tội phạm chuyên lừa đảo, chủ yếu hoạt động tại khu vực Đông Nam Á, đang là đối tượng tiêu thụ lớn nguồn dữ liệu cá nhân của người dân Trung Quốc. Từ tháng 1 đến tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc đã buộc tội hơn 67.000 người về lừa đảo qua mạng và điện thoại, tăng 60% so với năm trước.

Tìm cách "đóng hộp"

Bắc Kinh đã mạnh tay đối phó với các mối đe dọa liên quan đến dữ liệu cá nhân bằng cách ban hành những quy định nghiêm ngặt hơn. 

Cụ thể, vào năm 2021, Trung Quốc thông qua đạo luật yêu cầu các doanh nghiệp phải hạn chế việc thu thập và buôn bán dữ liệu cá nhân của người dùng. Kể từ đó, các cơ quan quản lý áp dụng khoản phạt nặng đối với các ông lớn công nghệ vì sai sót trong quản lý dữ liệu.

Tháng 7-2022, Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) cho biết nhà điều tra phát hiện Công ty Didi thu thập trái phép hàng triệu mẫu thông tin người dùng trong 7 năm (từ tháng 6-2015), cũng như xử lý dữ liệu ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia.

Năm ngoái, cảnh sát Trung Quốc tuyên bố đã phá 7.000 vụ buôn bán dữ liệu trái phép. Nhiều trường hợp nhân viên tại các công ty luật, công ty giao hàng và công ty tư vấn giáo dục đã bán dữ liệu khách hàng cho băng nhóm tội phạm. Trường hợp khác: tin tặc lấy cắp dữ liệu từ ứng dụng di động.

Giữa tháng 1 năm nay, Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia (NDRC) cùng các cơ quan khác công bố kế hoạch hành động. Trọng tâm là ngăn chặn lạm dụng dữ liệu bằng cách xử lý mạnh tay hành vi thu thập, bán và chia sẻ dữ liệu trái phép, nhằm tăng cường bảo vệ thông tin cá nhân nhạy cảm.

Theo kế hoạch này, đến cuối năm 2027, một khuôn khổ quản trị an toàn cho việc lưu thông tin dữ liệu - với quy định rõ ràng, hợp tác giữa nhiều bên - sẽ được triển khai, tạo nền tảng cho thị trường dữ liệu năng động và khai thác giá trị dữ liệu. 

Các nhà phân tích nhận định động thái này của Bắc Kinh nhằm cân bằng tăng trưởng kinh tế với bảo vệ quyền riêng tư và an ninh quốc gia, tạo nền tảng cho một nền kinh tế số an toàn và bền vững hơn.

Ngày càng quan tâm quyền riêng tư

Năm 2018, ông Lý Ngạn Hoành, người sáng lập Tập đoàn Baidu, từng tuyên bố: "Người Trung Quốc không quá nhạy cảm về quyền riêng tư. Nếu có thể đánh đổi quyền riêng tư để lấy sự an toàn, tiện lợi hay hiệu quả, trong nhiều trường hợp, họ sẵn sàng làm vậy".

Điều đó có thể đúng trong quá khứ, nhưng thái độ này đang dần thay đổi. Một cuộc khảo sát của Đại học Bắc Kinh năm 2020 cho thấy người Trung Quốc quan tâm đến quyền riêng tư cao hơn cả người dân ở Đức, Nhật Bản, Saudi Arabia, Singapore và Mỹ.

Thách thức 'chợ đen' dữ liệu cá nhân ở Trung Quốc - Ảnh 2.Dữ liệu cá nhân của bạn trên mạng có thể 'được' bán đấu giá tới 987 lần/ngày

TTO - Khi tải trang web có quảng cáo, một người dùng mạng Internet đã tạo ra một cuộc 'đấu giá' kéo dài 1/1.000 giây giữa các công ty quảng cáo. Họ tranh mua dữ liệu cá nhân để đưa đúng thông tin người dùng quan tâm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên