26/02/2014 13:14 GMT+7

Thách thức bảo tồn

TẤN VŨ - ĐOÀN CƯỜNG
TẤN VŨ - ĐOÀN CƯỜNG

TT - Sách đỏ Việt Nam xếp sao la vào bậc EN - nguy cấp, còn Hiệp hội Bảo tồn thế giới lại xếp sao la vào bậc CR - cực kỳ nguy cấp.

78tCzJFG.jpgPhóng to
Bẫy của giới thợ săn là mối đe dọa các loài thú sắp tuyệt chủng - Ảnh: Khu bảo tồn sao la Quảng Nam

Báo cáo của Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật cho rằng mức đe dọa của sao la trong sách đỏ Việt Nam cần được điều chỉnh sang bậc CR - cực kỳ nguy cấp - để phản ánh đúng hơn tình trạng của sao la hiện nay.

Giảm số lượng nghiêm trọng

Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật đã tiến hành khảo sát sự phân bố của sao la tại 13 địa điểm khác nhau của bảy vườn quốc gia cả nước.

Các nghiên cứu đã cho thấy sao la có phân bố dọc theo dãy Trường Sơn cả bên Việt Nam và Lào. Vùng phân bố của sao la ở Việt Nam kéo dài từ Quế Phong (Nghệ An) xuống đến xã Lăng, huyện Tây Giang (Quảng Nam).

Tại Lào, theo nghiên cứu của Robichaud và Timmins năm 2004 đã chính thức ghi nhận được vùng phân bố của sao la kéo dài từ huyện Bolikhan (tỉnh Bolikhamxai) xuống đến Khu bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia Nakai - Nậm Thơn (tỉnh Khammouane).

Tuy nhiên, một cảnh báo đưa ra từ chương trình này là tình trạng sao la bị sụt giảm số lượng rất nghiêm trọng, nguyên nhân chính không phải do các loài thú ăn thịt trong rừng mà do chính bàn tay con người.

Sao la bị săn bắt không chỉ ở những nơi chưa có các khu bảo tồn mà ngay cả tại các vườn quốc gia hay khu bảo tồn đã được thành lập như vườn quốc gia Vũ Quang, Pù Mát, Khu bảo tồn Pù Huống và Khu bảo tồn Bắc Hướng Hóa.

Nghiên cứu của Hoàng Ngọc Quang và cộng sự cho thấy ở Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, chỉ riêng tại xã Châu Cường, trong vòng tám năm đã có 27 cá thể sao la bị săn bắn và tại khu vực suối Bô (xã Diễn Lãm).

Ông Phan Tuấn, chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, chia sẻ việc chia cắt môi trường rừng, cụ thể là làm thủy điện, đường Hồ Chí Minh, đường giao thông qua các khu rừng rậm cũng là thách thức lớn.

“Bây giờ các cánh rừng đều bị tác động bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Các loài thú đổ dồn về các khu bảo tồn, vườn quốc gia. Như cá bị cạn nước dồn về chỗ trũng, nếu không bảo vệ nghiêm ngặt, các thợ săn giăng bẫy là coi như xong” - ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, chỉ riêng Khu bảo tồn sao la Quảng Nam có đến chín loài trong sách đỏ thế giới (IUCN 2010) và 50 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam. Trong đó có các loài đặc hữu của Đông Dương như voọc chà vá, mang Trường Sơn, trĩ sao, sao la...

Ông Hà Phước Phú, phó giám đốc Khu bảo tồn sao la Quảng Nam, cho biết chỉ riêng trong hai năm 2012 và 2013, kiểm lâm khu vực đã tiêu hủy hơn 11.300 cái bẫy, hơn 300 lán trại, đẩy đuổi hơn 160 người xâm hại đến khu bảo tồn.

Chỉ cần lơ là thiếu tập trung thì cánh rừng bỗng chốc thành một “ma trận” bẫy. Vì vậy phải hết sức tập trung.

Ông Phú lo lắng: “Quanh khu bảo tồn có đến hơn 10.000 người sinh sống của 43 thôn thuộc sáu xã, hơn 90% là đồng bào Cơ Tu ở hai huyện Đông Giang và Tây Giang. Tập tục bao đời nay là săn bắt, đánh bẫy và du canh du cư. Bây giờ muốn thay đổi thì phải tạo sinh kế cho người dân để họ sống bền vững với núi rừng”.

huMQj8DL.jpgPhóng to
Kiểm lâm viên và chuyên gia WWF sử dụng thiết bị chuyên dụng kiểm tra rừng và định vị tại Khu bảo tồn sao la Quảng Nam - Ảnh: Khu bảo tồn sao la Quảng Nam

Mừng ít, lo nhiều

Ông Đặng Đình Nguyên, giám đốc Khu bảo tồn sao la Quảng Nam, chia sẻ việc phát hiện và công bố thông tin về sao la khiến ngành lâm nghiệp tỉnh nhà vừa mừng vừa lo.

“Khi biết Quỹ Bảo vệ thiên nhiên quốc tế (WWF) Việt Nam thông báo phát hiện sao la ở Quảng Nam, chúng tôi dù mừng nhưng không dám chia sẻ thông tin với bất cứ ai, thậm chí anh em trong cơ quan cũng giấu kín. Tại cuộc họp với UBND tỉnh Quảng Nam do một phó chủ tịch chủ trì, tôi xin ý kiến rồi mới dám công bố ngay tại cuộc họp. Thông báo là để xin thêm người, lập thêm hạt kiểm lâm để quản lý” - ông Nguyên kể.

Ông Nguyên cho biết các tổ chức quốc tế rất quan tâm đến vấn đề này. “Có tổng cộng 1,7 triệu euro của các tổ chức tài trợ vào đây. Đặc biệt là Ngân hàng Tái thiết Đức thông qua WWF Việt Nam. Họ chi tiền, cử chuyên gia, máy móc giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Nhưng đến năm 2015 kết thúc dự án thì phải tìm thêm nguồn khác giữ rừng” - ông Nguyên lo lắng.

Cũng theo ông Nguyên, nhờ có các khoản tài trợ này mà kiểm lâm bây giờ bỏ tiền ra mua thông tin như các ngành khác hẳn hoi.

“Chúng tôi phải trả tiền cho người dân, tùy theo mức độ bản tin và hiệu quả nó mang lại mà trả tiền theo giá trị thông tin khác nhau. Các bản tin thường là chỉ điểm mua bán động vật, nhóm người vào rừng, nhóm thợ săn và các tác động khác đến rừng” - ông Nguyên nói.

Bây giờ trong các cánh rừng sâu thẳm của Khu bảo tồn sao la Quảng Nam, người ta vẫn thấy những tấm bảng đỏ ghi tên chủ hộ, địa chỉ, diện tích canh giữ rừng, mỗi người ít nhất 200ha.

Ông Phú mừng rỡ: “Nhờ có chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng của Chính phủ nên việc giao khoán rừng cho đồng bào canh giữ, mỗi năm 1ha trên 200.000 đồng, nhờ vậy hộ nào cũng có thu nhập, có trách nhiệm với rừng. Ngân hàng Tái thiết Đức cũng chăm lo việc này nên việc bảo vệ đã tạm ổn”.

Anh Trương Minh Đến, chuyên viên tư vấn của WWF, cho rằng việc bảo tồn sao la hiện tại phụ thuộc rất lớn vào người dân bản địa. Nhờ các chương trình của WWF thông qua nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau mà người dân phần nào thay đổi các tập tục tác động đến rừng.

Anh Đến chia sẻ: “Trước đây cứ sau mỗi cái tết, chính già làng là người tổ chức chuyến đi săn đầu năm cho làng. Cuộc săn bắt với hàng trăm người mang theo gươm, giáo mác, chó săn... Nhưng từ khi mình thâm nhập sâu vào đời sống người dân bản địa, tục đi săn đã bỏ”.

Việc tuyển dụng những thanh niên bản địa làm bảo vệ rừng và trở thành cán bộ quản lý của chương trình bảo tồn đa dạng sinh học của WWF vừa là sáng kiến cũng là trở ngại đau đầu cho các nhà quản lý. Bởi nếu các thanh niên này khi còn làm việc thì không phá rừng, tuyên truyền cho dân, nhưng khi nghỉ việc thì các tiểu khu, các tọa độ mật có thú họ đều thuộc trong lòng bàn tay, không loại trừ khả năng phá rừng xảy ra.

Bhuoc Le, một thanh niên làm cho tổ chức này, tâm sự: “Đi làm bảo tồn nên mình thường khuyên bà con đừng săn bắt thú, đừng phá rừng, thế mà có lúc bị làng xa lánh, cô lập. Đôi lúc mình rất buồn. Có những người nghe mình nhưng có những người không hiểu, họ rất ghét”.

Xây dựng bảo tồn liên biên giới

Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh, giám đốc WWF Việt Nam, cho rằng câu hỏi nhiều người đặt ra lâu nay là chúng ta phải tốn nhiều công sức, tiền bạc đi tìm một loài tưởng như đã tuyệt chủng như vậy để làm gì? Và tìm thấy sao la chính là câu trả lời. Vì sao la chỉ sống trong những cánh rừng nguyên sinh nên phát hiện chúng là lời khẳng định về giá trị đa dạng sinh học của cánh rừng đó, rằng rừng này còn nguyên sinh, chúng ta phải có biện pháp bảo vệ, giữ gìn. 100 năm, 1.000 năm sau mà giá trị nguyên sinh của khu rừng còn giữ được thì giá trị đa dạng sinh học, giá trị văn hóa của khu rừng đó vẫn còn. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh biến đổi khí hậu phức tạp như hiện nay, rồi tốc độ tiêu thụ động vật hoang dã, tốc độ tác động của con người vào môi trường ngày càng tăng.

“Để bảo vệ sao la, WWF đang cố gắng xây dựng chiến lược bảo tồn đa dạng sinh học xuyên biên giới, hỗ trợ lẫn nhau giữa các tỉnh biên giới hai nước để ngăn chặn việc vận chuyển gỗ, buôn bán động vật hoang dã trái phép. Chúng tôi đề xuất ý tưởng với Chính phủ Lào và Việt Nam, mong muốn xây dựng được một khu bảo tồn liên biên giới hoạt động với cơ chế đặc biệt, làm được như thế thì cơ hội tồn tại của sao la rất lớn” - tiến sĩ Thịnh chia sẻ.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4:

TẤN VŨ - ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên