26/09/2016 11:01 GMT+7

Thạc sĩ... đánh máy!

T.G
T.G

TTO - Tham gia diễn đàn hôm nay là câu chuyện của một người trẻ trong cuộc, từng khát khao được cống hiến nhưng... Tác giả xin được thứ lỗi vì không thể nêu tên.

Người trẻ đầy nhiệt huyết và luôn mong muốn được góp sức xây dựng TP. Trong ảnh: các kỹ sư trẻ Tổng công ty Điện lực TP.HCM kiểm tra thiết bị tại trạm biến áp 110kV Tân Bình - Ảnh: Q.LINH
Người trẻ đầy nhiệt huyết và luôn mong muốn được góp sức xây dựng TP. Trong ảnh: các kỹ sư trẻ Tổng công ty Điện lực TP.HCM kiểm tra thiết bị tại trạm biến áp 110kV Tân Bình - Ảnh: Q.LINH

Tôi năm nay 35 tuổi. 12 năm trước tôi tốt nghiệp đại học với điểm loại ưu và được giữ lại trường.

Tôi biết đến chương trình P300 của Thành ủy TP.HCM và sau các vòng kiểm tra, xét chọn, tôi được chọn theo học thạc sĩ tại một nước Đông Nam Á. Sau hai năm, tôi trở về với tất cả nhiệt huyết cống hiến...

Nhưng trở về tôi không thể xin được bất cứ chỗ nào trong cơ quan nhà nước đúng chuyên ngành với các lý do: đã đủ biên chế không tuyển thêm người, chuyên ngành không phù hợp.

Tôi không thể xin việc ở công ty tư nhân vì ràng buộc với Thành ủy phải làm việc trong cơ quan nhà nước. Bất đắc dĩ, tôi đành phải cầu cứu Thành ủy và được gọi đến làm việc tại một sở đúng chuyên ngành.

Ngày đầu tiên tôi đến, chị chánh văn phòng sở đã làm thủ tục chuyển tôi về một cơ quan nhỏ hơn trực thuộc sở với lý do hết biên chế.

Và gần 10 năm tiếp theo tại cơ quan này, tôi đã làm việc như một chuyên viên kế hoạch, hết lập kế hoạch này đến kế hoạch khác, mà thật ra công việc của tôi chỉ là... chuyên viên đánh máy vì chỉ cần đánh máy lại chỉ đạo của cấp trên.

Suốt 10 năm, tôi nhận mức lương từ 2,9 triệu và đến nay là gần 4 triệu đồng, không có thêm khoản gì khác.

Tôi phải tự trang trải cho mình bằng đi dạy thêm tiếng Anh tại các trung tâm và sống được nhờ công việc ấy. Tôi tự hào vì mình ít nhất đã làm được việc có ích cho xã hội, hơn chỉ là một nhân viên đánh máy!

Tôi không dám nhận mình là nhân tài, nhưng tôi tự hào mình từng là một người trẻ nhiệt huyết, có kiến thức và hơn hết đã từng được đối xử như một nhân viên... đánh máy.

Tôi thấy chính sách trọng dụng người tài của thành phố rất hay, rất cần được thực hiện. Tuy nhiên, với kinh nghiệm 10 năm đã qua của mình, tôi nghĩ làm thế nào để thiết lập cơ chế tiếp nhận và thật sự sử dụng người tài là câu hỏi lớn.

Bởi lẽ trong nội bộ nhiều cơ quan nhà nước hiện nay, đã và vẫn tồn tại “luật ngầm” về tuyển chọn con ông cháu cha, người có tiền, có quan hệ theo một quy trình rất “đúng quy trình”. Không phải đợi tới lúc báo chí nói ầm ĩ đâu mà đây là thực trạng có thật, rất hiển nhiên và rất tinh vi.

Nhiều khi các lãnh đạo cơ quan nhà nước đi họp nói rất hay và công bằng trong đề bạt cán bộ, nhưng khi đóng cửa lại thì câu đầu tiên hỏi chánh văn phòng: “Nó là con ai?”.

Bao nhiêu người từng giống như tôi? Tôi không có con số chính xác song những gì tôi biết là đã có không ít cán bộ nguồn ra khỏi quy hoạch. Chôn vùi cả nhiệt huyết và kiến thức có được để trở thành đánh máy viên, lập kế hoạch viên hay văn thư viên... mà theo lời lãnh đạo là “đúng quy trình”?

Một điều nữa, quy trình bổ nhiệm nhân sự hiện nay rất chặt chẽ mà cũng rất lỏng lẻo. Đa số cán bộ thuộc quy hoạch bổ nhiệm đều đeo rất nhiều bằng cấp, nhất là lãnh đạo. Vậy cơ hội nào cho những người trẻ tuổi, thiếu kinh nghiệm nhưng tự tin với kiến thức thật?

Tôi đã không còn trẻ và thật sự rất buồn khi phải thừa nhận đã lãng phí tuổi trẻ của mình vì một lý tưởng nhưng không thể thành hiện thực. Tôi chỉ mong sẽ không nhìn thấy các bạn trẻ khác giống như tôi. Vì hơn 10 năm trong guồng máy này, tôi nghĩ mình cũng ít nhiều có đủ quan sát để chia sẻ với diễn đàn!

Bạn suy nghĩ như thế nào?

Các ý kiến đóng góp cho diễn đàn, mời bạn gửi về báo Tuổi Trẻ: 60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (Diễn đàn “Thu hút nhân tài trẻ cho TP.HCM bằng cách nào?”), email: [email protected], hoặc: [email protected].

T.G
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên