Sinh viên Đại học Mở (TP.HCM) dọn vệ sinh rạch Ông Cống (Q.Gò Vấp) sau lễ xuất quân sáng 10-7 - Ảnh: D.PHAN |
1. Mấy bạn trẻ trên Facebook ở Hải Phòng hay nhắn khi nào ra Hải Phòng đi karaoke Ruby nhé. Những bạn trẻ này mới chỉ 16, 17 tuổi, đang còn đi học nên tôi nghĩ thế giới giải trí của các bạn hay nhắc đến chắc cũng tương tự những karaoke gia đình ở TP.HCM.
Nhưng khi truyền thông đưa tin về chiến dịch quy mô của công an vây bắt karaoke Ruby và hoạt động bên trong của nó, tôi mới giật mình lo cho những người bạn trẻ tuổi của mình.
Trong độ tuổi học trò hoa mộng, sao các em đặt chân đến nơi chốn ấy?
- Chú “âm lịch” quá, bình thường thôi. Tụi em học, học thêm, không thì cũng cắm đầu vào iPad, iPhone... lâu lâu cũng phải “bung lụa” chứ...
Những câu trả lời nhẹ như không?
Tìm hiểu thêm, tôi biết những bạn này thuộc loại con ngoan trò giỏi... nhưng hình như các bạn đang thiếu điều gì đó, ở đây là sự gắn kết với cộng đồng, nên đi từ cực ngoan đến cực hư, coi một địa điểm thác loạn như một chuyến du lịch ngắn hạn vô hại?
2. Chợt nhớ đến câu chuyện mùa hè cuối cùng của ba bị tai nạn trong chuyến đi tình nguyện mấy hôm trước.
Một ngày trước thời điểm xảy ra tai nạn, trên trang Facebook cá nhân, nữ sinh Nguyễn Thị Ngân (sinh năm 1997, quê Hà Nội) vẫn còn đăng tải những dòng cảm xúc háo hức trước chuyến đi Mùa hè xanh 10 ngày ở Quảng Ninh.
Ngày 28-6, Ngân viết: “Sáng nay vừa thi xong môn cuối cùng, chính thức kết thúc năm nhất tại FTU (ĐH Ngoại thương), sáng mai 5g đã bắt đầu lên đường đi Mùa hè xanh 10 ngày ở Quảng Ninh...”.
Trước ngày lên đường đi tình nguyện, bạn Nguyễn Thị Hải cũng viết: “Những ngày này ở Hà Nội như nóng hơn bao giờ hết. Bởi cái nắng chói chang len lỏi qua từng cánh hoa phượng cháy đỏ rực, hay vì mỗi người đang thấy trong lòng rạo rực một ngọn lửa vô hình giục giã bước chân”.
Bạn Hải đặt ảnh đại diện là tấm ảnh chụp đôi bàn chân đi đôi giày với chữ “Mùa hè xanh IBC-GEC-2016” cùng lời chú thích: “Mùa hè của tôi. Tôi đã sẵn sàng để đi đến nơi không có đường và để lại dấu vết”.
Thật rộn ràng và tràn đầy nhiệt huyết!
3 Truyền thông và mạng xã hội đã có nhiều ý kiến bày tỏ sự thương tiếc và chia sẻ với gia đình ba nữ sinh viên tình nguyện. Bên cạnh đó là những bàn luận, băn khoăn về hoạt động tình nguyện.
Có ý kiến cho rằng: “Tình nguyện là đi để giúp người dân. Mà đã giúp thì phải giúp cho thật hiệu quả. Người dân không cần các em đào mương san đường...”.
Nhưng nhiều ý kiến khác khẳng định công tác tình nguyện là rất cần thiết để rèn luyện tinh thần cộng đồng, tương thân tương ái vốn đang thiếu trầm trọng ở những người trẻ.
Đây cũng là vấn nạn tạo nên sự vô cảm và dễ bùng phát thành tội phạm vụ lợi khi có điều kiện. Nhiều người thành đạt nói rằng chính công tác tình nguyện của một thời tuổi trẻ đã rèn luyện cho họ có đủ bản lĩnh, đức hạnh để thành công trên đường đời.
Rõ ràng từ những bạn học sinh ở Hải Phòng thích đi Ruby hay những bạn sinh viên tình nguyện đều có chung tâm trạng muốn có những hoạt động khác hơn trong những ngày nghỉ ngơi.
Sự thay đổi này có thể là mong muốn từ nhiệt huyết của tuổi trẻ “đi đến nơi không có đường và để lại dấu vết”, cũng có thể là do tù túng của nếp sống quen thuộc với nhà trường quá nặng về học thuật, cô đơn trong gia đình, “nô lệ” cho công nghệ và mạng xã hội...
Trong sự lựa chọn thay đổi đó của các bạn trẻ, đích đến nên là một địa điểm ăn chơi hay là hoạt động hướng đến ích lợi cho cộng đồng?
Từ chương trình đối thoại thanh niên vừa được tổ chức ngày 11-7, đã có những mổ xẻ, bàn bạc về hoạt động tình nguyện, trong đó hướng đến tổ chức sao cho thiết thực, đi vào chiều sâu, tạo sự lan tỏa...
Hi vọng rằng sẽ có những thay đổi, nâng chất để hoạt động tình nguyện đủ lực hấp dẫn, khi ấy nhiều bạn trẻ sẽ sẵn sàng “nói không” với lựa chọn kiểu “”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận