Sẽ khó chấp nhận khi bị ai đó làm tổn thương nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy tha thứ giúp chúng ta có thêm không gian để hạnh phúc trong cuộc sống, cải thiện sức khỏe tinh thần.
"Có rất nhiều lợi ích cho người biết tha thứ. Nó làm giảm sự suy ngẫm vốn đang lặp đi lặp lại mọi thứ trong tâm trí chúng ta", Worthington nói.
Khi một người nghiền ngẫm lại những việc đã xảy ra, họ càng cảm thấy căng thẳng hơn. Khi tha thứ, chúng ta sẽ khép lại sự việc ở một mức độ nhất định và giảm bớt suy nghĩ.
Nghiên cứu của Worthington với hơn 4.500 người từ năm quốc gia khác nhau. Trong quá trình thử nghiệm, một nửa số người tham gia đã hoàn thành các bài tập trong sách hướng dẫn các kỹ năng giúp tha thứ.
Sau hai tuần, họ ít gặp các triệu chứng trầm cảm và lo lắng hơn so với những người không thực hiện bài tập.
Những người tham gia sử dụng mô hình năm bước để tha thứ mà Worthington thiết kế, được gọi tắt là REACH bao gồm:
1. Nhớ lại tổn thương: Cố gắng nghĩ về tổn thương mà không tập trung vào những kết quả tiêu cực có thể xảy ra trong tương lai.
2. Đồng cảm với đối phương: Cố gắng đồng cảm với người đã làm tổn thương bạn. Worthington nhấn mạnh có một số tổn thương khủng khiếp đến mức chúng ta không thể đặt mình vào vị trí của người khác để đồng cảm.
Tuy nhiên, việc thực tập khả năng cảm thông hoặc lòng trắc ẩn sẽ có ích rất nhiều, giúp chúng ta tiến thêm một bước trong quá trình học cách tha thứ, và đích đến cuối cùng là tìm được hạnh phúc cho chính mình chứ không vì ai khác.
3. Tặng "món quà vị tha": Suy nghĩ thường gặp là không ai xứng đáng được tha thứ khi làm tổn thương ta. Nên sự tha thứ là một lựa chọn. Trao đi món quà vị tha bằng tấm lòng rộng mở là cách để chúng ta cởi trói cho chính mình khỏi những bực dọc.
4. Cam kết: Hãy cam kết với tha thứ mà bạn đã dành cho người khác.
5. Giữ lấy sự tha thứ: Điều này đặc biệt quan trọng, nhất là khi bạn trải qua những cảm xúc khiến bạn hoài nghi về quyết định tha thứ của mình.
Nghiên cứu của Worthington không chỉ là lý thuyết bởi xuất phát từ chính trải nghiệm của ông khi phải đối mặt với thử thách tha thứ cho kẻ đã giết mẹ mình vào năm 1996.
Sau khi xử lý cảm xúc và nhận thấy sự tổn thương đang thay đổi bản thân ra sao, ông quyết định tha thứ cho thủ phạm và giữ lấy sự tha thứ của mình. Quyết định ấy không hề dễ dàng nhưng đã giải thoát ông khỏi mắc kẹt trong bóng tối.
Roger Miller, nhà tâm lý học lâm sàng chuyên về sức khỏe thần kinh, cho biết: "Nếu chúng ta có thể khiến bản thân tha thứ, thì theo đúng nghĩa đen, chúng ta đang giúp bản thân chữa lành vết thương, thậm chí về mặt sinh lý với mức độ căng thẳng thấp hơn", và rằng: "Chúng ta phải nhận ra nếu không tha thứ, ta đang làm tổn thương chính mình".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận