11/12/2010 08:00 GMT+7

Thả nổi đào tạo tại chức - Kỳ 2: Chóng mặt với số lượng

THANH HÀ
THANH HÀ

TT - Hiện tại, cứ ba người học ĐH, CĐ thì có một người học hệ tại chức. Thậm chí ở một số trường ĐH, tỉ lệ này là 1/1. Đó là kết quả của sự bùng nổ quy mô đào tạo tại chức vài năm gần đây.

A7PHIUlZ.jpgPhóng to

Giờ học chiều 10-12 của sinh viên tại chức ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM). Đây là một trong những đơn vị có cách tổ chức, quản lý đào tạo khá quy củ - Ảnh: Như Hùng

Năm 2010, các trường ĐH, CĐ được Bộ GD-ĐT giao tổng chỉ tiêu đào tạo tại chức, văn bằng 2, liên thông với hơn 322.000 chỉ tiêu, tương đương tới 62,9% so với tổng chỉ tiêu đào tạo của hệ chính quy. Trong đó, hệ vừa học vừa làm (tại chức) có “phần bánh” to nhất. Tổng chỉ tiêu tại chức của các trường ĐH, CĐ tăng đáng kể so với vài năm trước và hiện đã vượt qua tỉ lệ 50% so với hệ chính quy.

“Nồi cơm” ngày càng nở

Nhiều trường ĐH luôn ở tình trạng chưa đảm bảo đủ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên quá tải với hệ chính quy nhưng vẫn mở rộng hệ tại chức. Trường ĐH càng lớn, quy mô đào tạo chính quy càng đông lại càng tuyển nhiều sinh viên tại chức. Không ít trường ĐH có chỉ tiêu tại chức lên tới 80% so với đào tạo chính quy như ĐH Thái Nguyên, các trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Luật TP.HCM, ĐH Ngoại thương, ĐH Thương mại, ĐH Quy Nhơn, Học viện Ngân hàng... Thậm chí nhiều trường tuyển hệ tại chức bằng hoặc cao hơn cả chỉ tiêu đào tạo hệ chính quy như ĐH Vinh, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Đồng Tháp...

Đáng ngạc nhiên hơn, có không ít trường ĐH mới thành lập, các trường ĐH ngoài công lập được xác định chỉ tiêu ĐH tại chức rất lớn. Hàng loạt trường ngoài công lập có chỉ tiêu tại chức năm 2010 lên tới vài ngàn, đạt 80% so với chỉ tiêu hệ chính quy như ĐH Bình Dương, ĐH Lạc Hồng, ĐH Hồng Bàng, ĐH dân lập Kỹ thuật công nghệ TP.HCM... trong đó có những trường tỉ lệ bình quân sinh viên/giảng viên ngấp nghé mức 40.

3 cán bộ, nhân viên quản lý 43 lớp học

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các lớp tại địa phương, cơ sở đặt lớp phải là các trường ĐH, trường CĐ, trường trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, cán bộ quản lý...

Trên thực tế, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Hải Dương hiện liên kết đến 14 trường ĐH, CĐ đào tạo với hơn 3.000 SV, chỉ có 50 cán bộ, giáo viên làm tất cả công việc, trong đó có phần quản lý hoạt động liên kết đào tạo với 46 lớp học. Trong tổng số diện tích phòng học hơn 10.000m2, trung tâm chỉ có khoảng 33%, phần còn lại là đi thuê bên ngoài.

Nhưng kỷ lục có lẽ thuộc về Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Tiền Giang với vỏn vẹn ba cán bộ, nhân viên để quản lý 43 lớp học liên kết với gần 3.000 SV.

Nhiều trường ĐH ngoài công lập mới thành lập, dù hệ chính quy còn khó khăn, lẹt đẹt, có ngành học không tuyển đủ một lớp nhưng lại có số chỉ tiêu tại chức rất hoành tráng như ĐH Chu Văn An, ĐH Lương Thế Vinh, ĐH tư thục CNTT Gia Định, ĐH Kinh tế - công nghiệp Long An, ĐH Công nghệ Đông Á, ĐH Thái Bình Dương, CĐ Bách Việt, CĐ Phương Đông Đà Nẵng...

Từ lâu, hệ tại chức đã được coi là “nồi cơm” của các trường ĐH. Và “nồi cơm” ấy đang có xu hướng ngày càng nở ra bởi hệ đào tạo này dễ dàng mang lại nguồn thu lớn. Ở hầu hết các trường, những lớp học tại chức đặt tại trường đều tận dụng cơ sở vật chất sẵn có. Ở những địa điểm xa, phải thuê mướn lớp học, tăng chi phí cho giảng viên đi lại, những khoản chi này người học phải trả.

Tham khảo mức học phí tại chức của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, chúng tôi nhận thấy trường quy định rất rõ: đối với lớp tại chức đặt tại các địa điểm xa, giảng viên phải đi lại bằng máy bay, học phí là 430.000 đồng/tháng, cao hơn 50.000 đồng so với lớp học ở gần. Nhiều trường ĐH khác cũng áp dụng phương thức tương tự để thông qua học phí, người học phải gánh các khoản chi phí phát sinh.

Do đó nguồn thu của nhà trường luôn được đảm bảo. Nguồn thu học phí từ tại chức không bị các quy định ràng buộc như hệ chính quy, các trường cũng được chủ động hơn trong phương thức chi tiêu, sử dụng và quan trọng nhất có thể thu học phí cao hơn nhiều so với hệ chính quy mà người học cũng không phàn nàn. Trao đổi với chúng tôi, nhiều cán bộ quản lý thừa nhận hệ tại chức là một nguồn thu quan trọng của nhà trường.

“Liên kết sai đối tượng”

Tại hàng loạt trường ĐH khối kinh tế, luật, ngoại ngữ, khoa học xã hội và nhân văn... mà chúng tôi đi khảo sát, các lớp học tại chức được bố trí dày đặc: lớp buổi tối, lớp học hai ngày cuối tuần, lớp học theo tháng... Nhưng những lớp học tại cơ sở chính của các trường ĐH chỉ chiếm một phần nhỏ trong chỉ tiêu tại chức. Mảng mang lại nguồn thu nhiều nhất được các trường ĐH đang khai thác triệt để trong đào tạo tại chức chính là thông qua liên kết đào tạo ở các địa phương.

Đợt thanh tra hoạt động liên kết đào tạo gần đây nhất của thanh tra giáo dục, chủ yếu là liên kết đào tạo tại chức ĐH, CĐ, cho thấy có tình trạng các trường ĐH dành phần lớn chỉ tiêu hệ tại chức để liên kết đào tạo ở các địa phương. Đáng chú ý, hàng loạt trường phía Nam đang mở mạng lưới tuyển sinh và cơ sở đào tạo ra nhiều tỉnh phía Bắc trong khi nhiều trường phía Bắc lại tiến về phía Nam.

Các trường ở thành phố lớn ồ ạt mở cơ sở ở các địa phương thì các trường địa phương cũng âm thầm đào tạo tại chức tại các thành phố lớn. Thực tế, trên cùng một địa bàn hiện có sự cạnh tranh lẫn nhau giữa các trường ĐH để tìm đối tác và mở rộng quy mô liên kết. “Nhưng đó là một sự cạnh tranh tiêu cực, thiếu lành mạnh vì càng muốn có thêm đối tác, các trường càng dễ dãi, buông lỏng hơn trong quản lý liên kết đào tạo!” - một quan chức Bộ GD-ĐT nhìn nhận.

Qua kiểm tra, thanh tra giáo dục phát hiện khá phổ biến tình trạng các trường ĐH, CĐ liên kết đào tạo sai đối tượng như liên kết với các hội nghề nghiệp, tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan quản lý nhà nước, các công ty... là những đơn vị không có chức năng hoặc không được phép tổ chức đào tạo, cấp bằng ĐH. Ví như Trường ĐH Công đoàn đã liên kết với một số liên đoàn lao động các tỉnh. Nhiều trường ĐH lớn khác như ĐH Luật Hà Nội, ĐH Mở TP.HCM, ĐH Văn hóa... cũng liên kết với các phòng GD-ĐT, sở nội vụ, các trung tâm thuộc hội khuyến học để mở lớp.

(còn tiếp)

Theo bạn, chất lượng đào tạo hệ tại chức:
Không có chất lượng, thua xa đào tạo chính quy Ngang ngửa với đào tạo chính quy Tùy người học, tùy cơ sở đào tạo Không so sánh được, hai hệ đào tạo khác nhau Ý kiến khác
THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên