Phóng to |
Lực lượng quản lý thị trường TP.HCM kiểm tra mặt hàng sữa dê GmB tại trụ sở Công ty Đại Hùng Tinh - Ảnh: Lê Sơn |
Việc sữa dê GmB ngang nhiên lọt lưới vào bán tại siêu thị bất chấp hàng loạt vấn đề về xuất xứ, giá cả, chất lượng cho thấy quy trình kiểm soát mặt hàng sữa còn quá lỏng lẻo và nhiều kẽ hở.
Cố tình kéo dài thêm hạn sử dụng
Đóng gói sữa phải theo quy trình khép kín Theo các nhà sản xuất, với một ngành yêu cầu cao về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm như ngành sữa, quy trình đóng gói phải luôn khép kín một chiều và gần như tự động hoàn toàn. Môi trường sản xuất ở hầu hết các công đoạn cũng phải được tiệt trùng, tất cả mẫu sữa đều được kiểm tra dựa trên các chỉ tiêu cảm quan, hóa lý, vi sinh và các mẫu này được lưu lại trong suốt quá trình tuổi thọ của sản phẩm. Giám đốc một công ty sữa trong nước cho biết những loại sữa nhập khẩu nguyên liệu và đóng gói ở VN phải tuân thủ một quy trình nghiêm ngặt, khép kín, giúp loại bỏ những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn. Một số công ty để tạo sự tin cậy cho người tiêu dùng, trong quá trình sản xuất cũng phải nhờ thêm một đơn vị giám sát chất lượng nước ngoài. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực sữa, những gì Công ty Đại Hùng Tinh làm để có sản phẩm sữa dê GmB quá sơ sài và chưa thể đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đối với ngành sữa. Chưa kể việc được đóng gói trong hộp nhựa cũng đem lại nhiều rủi ro. N.Bình |
Mặc dù bà Nguyễn Thị Hồng Gấm, phó giám đốc Công ty Đại Hùng Tinh, khẳng định chất lượng sữa dê GmB do công ty sản xuất, đóng gói đảm bảo chất lượng, nhưng theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, những thông tin mà công ty công bố không đủ cơ sở để khẳng định sản phẩm sữa dê GmB an toàn cho người sử dụng. Hạn sử dụng của sản phẩm sữa dê GmB ghi trên bao bì sản phẩm đã bị công ty đóng gói “ăn gian”, tức kéo dài thêm thời gian sử dụng của sản phẩm.
Cụ thể, sữa dê GmB sử dụng nguyên liệu là bột sữa dê nguyên kem nhập khẩu về từ Hà Lan. Bột sữa dê này có hạn sử dụng chỉ đến ngày 16-3-2013 và ngày 7-5-2013. Trong khi đó trên thị trường, sữa dê do Công ty Đại Hùng Tinh và Công ty TNHH quốc tế U.N.I phân phối cho các đại lý và siêu thị bán lẻ lại đề hạn sử dụng đến năm 2014!
Công ty Đại Hùng Tinh khẳng định trong năm 2012 chỉ nhập một lô hàng 15 tấn bột sữa về qua cảng Cát Lái. Như vậy, việc ghi hạn sử dụng đến năm 2014 là hành vi gian dối với người tiêu dùng. Và sau thời điểm 16-3-2013, hoàn toàn có thể xảy ra tình trạng người tiêu dùng mua phải sữa “quá đát” mà không biết.
Theo bà Gấm, sau khi nhập khẩu bột sữa, công ty sản xuất (pha trộn thêm một số chất dinh dưỡng vào bột sữa nhập khẩu), đóng gói đưa ra thị trường sản phẩm sữa dê Mỹ GmB tuân thủ nghiêm ngặt quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của VN. Bột sữa nhập khẩu và sản phẩm đóng hộp đều có chứng nhận chất lượng của Bộ Y tế. Tuy nhiên, trong bản công bố thông tin về chất lượng sữa dê GmB được đăng tải lên website suademy.com cũng chỉ đưa thông tin về quy trình đóng gói, chứ không phải quy trình sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu.
Trong giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm do Cục An toàn thực phẩm cấp cho Công ty Đại Hùng Tinh chỉ chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định về đóng gói thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng dạng bột, không phải cơ sở sản xuất sữa bột. Giấy phép kinh doanh của Công ty Đại Hùng Tinh cũng không có chức năng sản xuất sữa bột, mà chỉ được đóng gói sữa bột.
Nhiều kẽ hở để lọt lưới sữa dỏm
Mặc dù các quy trình kiểm soát chất lượng sữa từ khâu nhập khẩu đến khi đưa ra thị trường gồm nhiều khâu và nhiều cơ quan gồm cả ngành thú y, y tế, quản lý thị trường... tham gia nhưng hoạt động kiểm soát trên thực tế lại chưa được thực hiện đầy đủ và còn nhiều kẽ hở.
Theo tìm hiểu, khâu nhập khẩu bột sữa nguyên liệu về để đóng gói ở Công ty Đại Hùng Tinh có đầy đủ các giấy tờ và thủ tục nhập khẩu. Sau khi được hải quan cảng Cát Lái cho thông quan, doanh nghiệp đem hàng về kho thực hiện đóng hộp. Bà Gấm cho biết khi hàng đóng hộp hoàn chỉnh, công ty lại đem đi kiểm nghiệm tại Quatest 3 và được Cục An toàn thực phẩm cấp giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm rồi mới đưa ra thị trường. Tuy nhiên, ông Hoàng Lâm - phó giám đốc Quatest 3 - cho biết Quatest 3 chỉ làm theo đặt hàng của doanh nghiệp, còn việc kiểm soát chất lượng và công bố là việc của ngành y tế.
Mặt khác, theo giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm do Cục An toàn thực phẩm cấp cho Công ty Đại Hùng Tinh ngày 4-11-2012, Cục An toàn thực phẩm yêu cầu doanh nghiệp thực hiện chế độ kiểm tra, kiểm nghiệm định kỳ theo quy định hiện hành (ba năm) và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính phù hợp của sản phẩm đã công bố. Như vậy, bản xác nhận có thời hạn tới ba năm. Doanh nghiệp khi đóng hộp sữa chỉ thực hiện trên một lô hàng nhỏ, không phải đóng hộp trong một lần hết toàn bộ 15 tấn bột sữa đã nhập khẩu. Vì thế, không có cơ sở để khẳng định chắc chắn những lô hàng đóng hộp sau thời điểm trên sẽ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Việc kiểm soát chất lượng hàng đầu vào của các siêu thị, nhà phân phối cũng còn lỏng lẻo. Trên tờ khai hải quan ghi rõ hàng nhập từ Hà Lan chỉ là bột sữa dê nguyên kem đóng bao 25kg/bao, không phải là sữa dê Mỹ GmB đóng hộp 425g/hộp nhưng nhà phân phối đã không xem hoặc bỏ qua việc xem hồ sơ do Công ty Đại Hùng Tinh phải cung cấp. Điều này đã tạo điều kiện cho sữa dê GmB vào siêu thị và để nhãn phụ sản phẩm xuất xứ từ Hà Lan.
Tạm giữ hơn 200 hộp sữa dê GmB Ngày 13-3, đội quản lý thị trường (QLTT) 4A Chi cục QLTT TP.HCM phối hợp Công an Q.9 kiểm tra Công ty TNHH quốc tế Đại Hùng Tinh (đường Nguyễn Xiển, ấp Long Hòa, P.Long Thạnh Mỹ, Q.9) và chi nhánh của công ty này tại 967B Nguyễn Xiển. Theo đó, công ty này thừa nhận sản phẩm sữa GmB được nhập khẩu nguyên liệu từ Hà Lan, thực hiện sản xuất và đóng gói, dán nhãn mác tại chi nhánh của công ty. Tại khu vực sản xuất của công ty có hơn 200 hộp sữa dê thành phẩm các loại. Theo QLTT, những sản phẩm này có dấu hiệu sản xuất hàng hóa giả mạo xuất xứ (sản xuất tại VN nhưng ghi xuất xứ Hà Lan). Cụ thể, nhãn ghi trên bao bì bằng tiếng Anh là “made in Netherlands” (sản xuất tại Hà Lan), phần nhãn tiếng Việt đơn vị này ghi “xuất xứ: Hà Lan” và “Sản xuất, đóng gói tại 967B Nguyễn Xiển, P.Long Bình, Q.9”. Như vậy, nhãn ghi tiếng Anh và tiếng Việt thể hiện sự không thống nhất, mập mờ. Được biết, nhãn ghi bằng tiếng Việt là loại “nhãn mới” khác với nhãn hàng hiện đang lưu thông trên thị trường. “Sản phẩm do công ty trong nước sản xuất, đóng gói nhưng bao bì in hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài và chỉ thực hiện dán “nhãn phụ” bằng tiếng Việt. Đó là điều bất hợp lý, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng” - một cán bộ kiểm tra cho biết. Cơ quan chức năng quyết định tạm giữ đưa về kho hơn 200 hộp sữa thành phẩm hiệu GmB các loại và yêu cầu ngưng việc sản xuất nhãn hàng này để tiếp tục điều tra, xử lý. Ngày 13-3, Cục An toàn thực phẩm cho biết đã có công văn yêu cầu Công ty TNHH quốc tế Đại Hùng Tinh giải trình về lượng sữa nguyên liệu đã nhập, lượng sữa đã đóng gói, số lượng đã bán ra, sữa nguyên liệu nhập khẩu có đúng là sữa dê hay không, việc quảng cáo sai về hình ảnh nhà máy sản xuất... Sau khi xem xét giải trình, cơ quan này sẽ có kết luận xử lý sai phạm, trong đó có sai phạm trong quảng cáo, ghi nhãn sữa và gian dối về xuất xứ hàng hóa. Lê Sơn - L.Anh |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận