25/04/2019 10:50 GMT+7

Thả nghi phạm giết người vì không tìm thấy xác nạn nhân, có tạo tiền lệ xấu?

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Nếu không tìm thấy xác thì không thể tìm thấy dấu vết tội phạm cũng như cơ chế hình thành vết thương để kiểm chứng với lời khai nhận tội của bị can. Nguyên tắc suy đoán vô tội đòi hỏi mọi nghi ngờ phải giải thích có lợi cho bị can.

Thả nghi phạm giết người vì không tìm thấy xác nạn nhân, có tạo tiền lệ xấu? - Ảnh 1.

Cơ quan công an di lý nghi phạm đến hiện trường để thực nghiệm điều tra - Ảnh: N.QUANG

Đầu tháng 2-2018, ông Bùi Văn Hời (47 tuổi) đến Công an TP Đà Nẵng đầu thú về việc đã bóp cổ con gái 8 tuổi đến chết và cho xác vào bao để ném xuống sông Hàn. Cơ quan chức năng đã tổ chức tìm kiếm thi thể cháu bé nhưng không thành công. Vì vậy ông Hời đã được trả tự do.  

Nhiều ý kiến cho rằng vụ án này sẽ tạo ra tiền lệ xấu về việc "tha bổng" cho các hung thủ giết người sau khi thủ tiêu xác nạn nhân.

Không thể khẳng định nạn nhân đã chết

Luật sư Trần Văn An - chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang - cho biết việc tìm thấy xác nạn nhân là vấn đề cực kỳ quan trọng trong vụ án giết người. Bởi đây là yếu tố có tính chất quyết định việc kết tội hay không kết tội bị cáo.

"Trong trường hợp không tìm thấy xác nạn nhân nhưng có đầy đủ các chứng cứ khác thì cơ quan điều tra vẫn có thể khởi tố vụ án. Tuy nhiên, trường hợp này là rất hiếm bởi phải xem xét chứng cứ đó có ý nghĩa chứng minh sự thật đến đâu? Chứng cứ phải phù hợp các nguồn chứng cứ khác và các nguồn chứng cứ phải khớp nhau thì mới có giá trị sử dụng", luật sư Trần Văn An nói.

Luật sư An cho rằng nếu không tìm được xác nạn nhân thì không ai dám khẳng định 100% là nạn nhân đã chết. 

"Như trường hợp ở Đà Nẵng, có thể cháu bé đã chết, nhưng cũng có thể cháu vẫn còn sống hoặc bị bắt cóc chẳng hạn. Nếu không tìm thấy xác thì không thể tìm thấy dấu vết tội phạm cũng như cơ chế hình thành vết thương để kiểm chứng với lời khai nhận tội của bị can" - luật sư An lý giải.

Theo ông An, lời khai nhận của một người về hành vi phạm tội chỉ được coi là một trong các nguồn chứng cứ. Lời khai nhận tội của người đó phải phù hợp chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án. Trường hợp không tìm được chứng cứ gì khác ngoài lời khai nhận tội thì cơ quan điều tra không thể xử lý được.

Nghi ngờ hợp lý là cháu bé vẫn còn sống

Lý giải thêm về trường hợp này, TS Đinh Thế Hưng - trưởng phòng pháp luật hình sự Viện Nhà nước và pháp luật, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - cho rằng nguyên tắc suy đoán vô tội đòi hỏi mọi nghi ngờ phải giải thích có lợi cho bị can.

Trong vụ án ở Đà Nẵng, nghi ngờ hợp lý là cháu bé vẫn còn sống.

"Hơn nữa, Bộ luật tố tụng hình sự có quy định giết người thuộc trường hợp bắt buộc phải giám định, không giám định là vi phạm tố tụng. Nếu không có thi thể nạn nhân thì lấy gì giám định. Trên thế giới đã có nhiều trường hợp dù có người khai nhận tội nhưng cơ quan điều tra phải thả về vì không tìm thấy xác nạn nhân" - TS Đinh Thế Hưng đặt vấn đề.

Đã có ý kiến băn khoăn việc này liệu có tạo tiền lệ xấu, kích thích tội phạm phi tang thi thể nạn nhân hay không?

Về vấn đề này, luật sư Trần Văn An cho biết nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tố tụng

"Khi có vụ án giết người xảy ra, dư luận sẽ rất bức xúc và cơ quan điều tra sẽ gặp áp lực phải tìm ra hung thủ. Nếu điều tra viên không có bản lĩnh nghề nghiệp thì dễ dẫn đến oan sai. Vì vậy, cẩn trọng, khách quan trong điều tra là hết sức cần thiết" - luật sư An cho biết

Trên thực tế, năm 2013 đã từng xảy ra vụ án bác sĩ thẩm mỹ viện Cát Tường ném xác bệnh nhân xuống sông Hồng. Sau đó, Cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội đã rất vất vả để tìm thấy thi thể nạn nhân.

TTO - Đây chính là câu hỏi bất ngờ được đặt ra cho đại tá Trần Mưu, phó giám đốc Công an TP Đà Nẵng trước nhiều thắc mắc về việc thả tự do cho người cha khai giết con rồi ném xác xuống sông Hàn gây rúng động dư luận trong thời gian qua.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên