Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở Khánh Hòa. Bảo tàng ngầm hình tròn quanh hồ nước với 64 bông hoa muống biển bao quanh lá cờ Tổ quốc, tượng trưng cho 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vào ngày 14-3-1988 - Ảnh: VGP
Chúng ta tập trung về đây toàn tâm toàn ý thắp nén tâm nhang lên tấm bia vàng đã khắc ghi tên các chàng trai trẻ Đà Nẵng ngày ấy, không ngại gian khổ, xung phong gia nhập Quân chủng Hải quân và đã hy sinh anh dũng. Các anh hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ, để lại biết bao niềm thương nhớ của gia đình, bạn bè, đồng đội và xã hội. Các anh đã được lòng biển bao la ôm các anh vào lòng, ghi nhận tinh thần bất khuất, dũng cảm hy sinh để bảo vệ vùng biển của đất nước.
Ông Nguyễn Văn Tấn - trưởng Ban liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sa (giai đoạn 1984 - 1988)
Nhân kỷ niệm 34 năm ngày 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam tại Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) hy sinh, biến thành vòng tròn bất tử, bảo vệ Tổ quốc (14-3-1988 - 14-3-2022), ngày 13-3, tại đình làng Nại Nam, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu (Đà Nẵng), Ban liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sa tại Đà Nẵng tổ chức lễ dâng hương, thả hoa đăng để tưởng niệm, tri ân các liệt sĩ.
Phát biểu tưởng niệm, ông Nguyễn Văn Tấn - trưởng Ban liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sa (giai đoạn 1984 -1988) - cho biết, buổi lễ nhằm kỷ niệm 34 năm ngày 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh tại đảo Gạc Ma để bảo vệ Tổ quốc, trong đó có 9 đồng chí ở thành phố Đà Nẵng và 1 đồng chí ở tỉnh Quảng Nam.
Theo ông Tấn, dịch COVID-19 đang gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân, để đảm bảo phòng, chống dịch nên chương trình được thu gọn lại, nhưng chúng ta vẫn mãi không quên những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc.
Sự hy sinh dũng cảm của các anh đã làm cho trang vàng lịch sử của Hải quân nhân dân Việt Nam càng thêm xán lạn trong lịch sử oai hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Chúng ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ.
Thành phố Đà Nẵng đã có con đường mang tên Trường Sa chạy dọc theo bờ biển thành phố, thể hiện sự tri ân công lao to lớn của nhân dân Đà Nẵng dành cho các liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma, mặt khác khẳng định quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam.
Tại buổi lễ, đại diện thân nhân các gia đình liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma và các cựu chiến binh, cựu quân nhân từng công tác, chiến đấu tại quần đảo Trường Sa đã dành một phút mặc niệm và dâng hương tưởng nhớ các liệt sĩ đã hy sinh tại Gạc Ma; đồng thời tổ chức thả vòng hoa, hoa đăng trên sông Hàn để tri ân các liệt sĩ.
Đại tá Hoàng Duy Lập (nguyên chỉ huy trưởng Trung đoàn công binh 83 hải quân, người trực tiếp tham gia trận hải chiến Trường Sa năm 1988) chia sẻ, đây là hoạt động "uống nước nhớ nguồn" nhằm tưởng nhớ, tri ân liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền, biển đảo; quân và dân ta không bao giờ quên chiến công của các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc và là hoạt động để giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ.
Bà Trần Thị Huệ, mẹ của liệt sĩ Lê Thế hy sinh tại Gạc Ma, xúc động cho hay, bà thường xuyên dự lễ tưởng niệm do Ban liên lạc tổ chức và được các tổ chức, chính quyền động viên giúp đỡ. Dù có những mất mát đau thương, nhưng bà Huệ rất tự hào vì những người con đã anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tại chương trình Lễ dâng hương kỷ niệm 34 năm sự kiện Gạc Ma, đại diện lãnh đạo Trường đại học Đông Á cũng đã trao tặng 10 suất quà (trị giá 1 triệu đồng/suất) đến 10 gia đình thân nhân liệt sĩ trên địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng hy sinh tại Gạc Ma, nhằm thể hiện sự tri ân, động viên, chia sẻ đối với gia đình các liệt sĩ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận