Cao tốc Móng Cái - Vân Đồn trên 300 triệu USD của Trung Quốc |
Nhưng phải đặt vấn đề một cách có trách nhiệm nhất rằng tại sao thời gian gần đây phần lớn người dân tỏ ra băn khoăn, thậm chí phản đối quyết liệt việc các bộ đề xuất xây tuyến Móng Cái - Vân Đồn từ nguồn vốn vay Trung Quốc (TQ).
Hay mới đây là quyết định hủy mua cho dự án đường nước sông Đà. Nếu chưa bàn đến các yếu tố hàng đầu liên quan đến an ninh, quốc phòng, những phản ứng trên đều e ngại về chất lượng vừa độc hại vừa quá yếu kém của sản phẩm và các công trình đến từ đối tác TQ.
Không phải chỉ người dân Việt, mà bởi vì nhiều nước trên thế giới cũng đều có cách nhìn giống nhau về chất lượng các công trình của TQ.
Cũng có một số người cho rằng biết vậy nhưng giá của họ mời chào rất rẻ, mà chất lượng cũng một tám một mười so với những công trình ở các nước phát triển.
Đất nước mình còn nghèo, nợ nần đang quá cao, nên thoạt nghe qua thì lập luận này xem có vẻ thuyết phục.
Nhưng đâu thể đem so sánh chất lượng của một loại hàng hóa tiêu dùng như cái áo ba lỗ hay đôi dép để quyết định mua hay không với một công trình giao thông có tuổi thọ hàng trăm năm.
Đối với các công trình liên quan đến hạ tầng, chỉ có tiêu chuẩn duy nhất là chất lượng và chất lượng.
Để có một công trình chất lượng đòi hỏi phải tốn biết bao thời gian, công sức nghiên cứu và phải tiêu tốn chi phí rất đắt đỏ cho vật tư và mọi thứ khác. Liệu có khả tín không khi có đối tác nào đó đề xuất sẽ thực hiện công trình với giá vừa rẻ vừa chất lượng?
Từ ngàn xưa, nông dân mình còn biết “tiền nào của nấy”, huống hồ đối với một dự án có tuổi thọ cả đời người. Cho dù có lập luận thế nào đi chăng nữa để biện minh việc lựa chọn các nguồn vốn vay giá rẻ và nhà thầu từ TQ cho các công trình hạ tầng, xin đừng quên rằng “hàng rẻ là hàng mã”.
Tất nhiên đối tác biết chúng ta thừa sức hiểu “của rẻ là của ôi”, nên thoạt đầu họ luôn đặt yếu tố chất lượng lên hàng đầu để được trúng thầu trước.
Nhưng rồi cũng một mẫu số chung ở nước ta thời gian qua là: tuyệt đại đa số dự án do nhà thầu TQ xây dựng đều đội vốn lên sau đó, mà chất lượng công trình thì xứng danh “hàng mã”.
Một cái bẫy nữa mà đối tác nước ngoài hay đưa ra là nguồn vốn tài trợ cho các công trình ở nước ta do quan hệ hữu hảo cấp nhà nước nên sẽ nhận được nhiều ưu đãi về lãi suất, thời gian cho vay ân hạn kéo dài... Nhưng ông bà mình thường nói “của biếu là của lo, của cho là của nợ”.
Làm gì có chuyện một quốc gia nào đó cho không hay ưu đãi mà họ không nhận lại được gì? Nhất là trong khi phần lớn người dân nước họ vẫn còn đang sống trong cảnh đói nghèo. Chắc chắn một điều rằng không bao giờ có chuyện ai cho không ai cái gì trong các quan hệ quốc tế ngày nay.
Tất cả những điều này người dân nước ta biết hết. Thế cho nên đừng có vịn vào bất kỳ lý do gì để chấp nhận dễ dãi lời mời chào từ các nhà tài trợ nước ngoài, nhất là ở những nước mà các dự án lớn của họ hiện nay đang bị tẩy chay ở nhiều quốc gia.
Chúng ta hoàn toàn chấp nhận trả thêm cho những công trình chất lượng cao từ nhà tài trợ nước ngoài để có tuổi thọ bền lâu, vận hành thuận tiện, an toàn, góp phần thuận lợi hơn cho tăng trưởng kinh tế.
Đắt nhưng xắt ra miếng là thế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận