Cô giáo Thái Thị Tuyết Hồng cùng các học sinh nhỏ Trường mẫu giáo An Hiệp - Ảnh: Duy Thanh |
Đó là bài báo “Thà cô chết chứ không để trò chết” đăng trên Tuổi Trẻ ngày 15-12-2016.
Tác giả bài báo là nhà báo Kim Thủy, tên thật là Nguyễn Quang Thuần. Anh đang là phó phòng thư ký tòa soạn báo Phú Yên. Nhiều năm qua, không chỉ góp sức cho tờ báo quê hương, anh Kim Thủy còn là CTV thân thiết của báo Tuổi Trẻ.
Khoảnh khắc không quên
Ngày 14-12-2016 là một ngày u ám khi mây đen vần vũ khắp nơi, mưa lớn ập xuống như trút nước ở Phú Yên.
Anh Kim Thủy đang ở nhà thì nhận được điện thoại của nhà báo Huỳnh Hiếu - trưởng văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại Nha Trang - nhờ đến khu vực xã An Hiệp (huyện Tuy An) xác minh thông tin việc nhiều thanh niên nơi đây vượt qua lũ dữ cứu các học sinh và cô giáo trường mầm non trong xã.
Nghe điện thoại xong, anh Kim Thủy ngưng bữa cơm rồi lấy xe máy đi luôn đến địa bàn.
Từ nhà anh Kim Thủy ở xã Hòa Vinh, huyện Đông Hòa đến xã An Hiệp khoảng 40km. Khi đến hiện trường, nghe các cô giáo nơi đây kể về 4 tiếng vẫy vùng trong nước lũ để cứu 13 em nhỏ, anh Kim Thủy lập tức chuyển hướng đề tài để viết về hành động dũng cảm và tình yêu trò của các cô giáo.
“Thà cô chết chứ không để trò chết” là điều anh muốn viết. Bài báo khiến bạn đọc Tuổi Trẻ thổn thức. Nhiều nước mắt rơi trên trang báo mà anh Kim Thủy viết về các cô giáo ở An Hiệp.
Nhà báo Kim Thủy - Ảnh: Duy Thanh |
Hạnh phúc
Nhà báo Kim Thủy cho biết anh có 15 năm làm nghề nhưng chưa bao giờ viết một bài báo nào nhanh, xúc động như về câu chuyện tại Trường An Hiệp.
Chỉ 30 phút sau khi đến hiện trường, anh Kim Thủy đã viết xong bài báo. Tác phẩm của anh cho bạn đọc thấy sự vươn lên của con người trước thiên nhiên hung dữ, tình yêu của các cô giáo với học sinh thân yêu.
“Bài báo đoạt giải A báo chí tỉnh Phú Yên, giải B báo chí TP.HCM và giải B báo chí quốc gia dịp 21-6 năm nay. Đây là lần đầu tiên một tác phẩm của tôi gặt hái nhiều thành công đến vậy. Thành công này tôi chưa bao giờ nghĩ tới khi tác nghiệp về sự kiện.
Thế nhưng với tôi, niềm hạnh phúc chính là tác phẩm tạo hiệu ứng xã hội rất mạnh khi nó được đăng tải, hàng triệu hàng triệu người đọc xúc động trước câu chuyện của các cô giáo.
Khi Thủ tướng, Chủ tịch nước gửi thư khen các cô giáo, khi các cơ quan, tổ chức quyên góp tiền, đồ dùng học tập cho các thầy cô nơi đây... giúp cuộc sống của cô trò tốt hơn sau cơn lũ, đây mới là điều khiến tôi hạnh phúc nhất” - nhà báo Kim Thủy tâm sự.
Nửa năm trôi qua, cuộc sống của cô trò An Hiệp trở lại với nhịp sinh hoạt thường nhật. Trường được sơn sửa, bàn ghế, dụng cụ học tập được nhiều tổ chức, cá nhân mang đến tặng. Tình cảm giữa phụ huynh nơi đây với các cô giáo vốn thắm thiết giờ càng khăng khít bền sâu hơn bao giờ hết.
Đến với Trường Sa
Cô Thái Thị Tuyết Hồng là một trong bốn cô giáo quên mình cứu các em học sinh trong cơn lũ lịch sử ngày 13-12-2016. Cô được báo Tuổi Trẻ mời tham gia chuyến đi Trường Sa từ ngày 21 đến 31-5, đó là chuyến đi trong mơ của cô Hồng.
Ba tuần sau khi tàu cập bến đất liền, cô Hồng dường như vẫn chưa thể trở về với cuộc sống hiện tại bởi nỗi nhớ về hải đảo, chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió chất đầy.
Suốt hai ngày đầu, cô Hồng say sóng mệt lả chẳng ăn uống được gì. Con tàu HQ996 đi liên tục 50 tiếng mới cập đảo đầu tiên - Đá Lát. Dù nằm bẹp trên giường nhưng khi đến đảo, cô bật dậy như chưa từng có đợt say sóng nào xảy ra với mình.
Mỗi điểm đảo đặt chân đến là một niềm xúc động khôn nguôi. Đi đến đâu, cô cũng có một nghĩ suy ở Trường mẫu giáo An Hiệp có thật nhiều khó khăn, nhưng làm sao so sánh được với những gian nan mà các chiến sĩ Trường Sa phải đối mặt.
Rời Trường Sa, món quà gói ghém trong balô của cô là những con ốc biển nhặt từ những hòn đảo.
Mơ về ngôi trường mới Sau trận lũ, ba trong bốn cô giáo ở ngôi trường mầm non này được các đơn vị tạo điều kiện tham gia nhiều sự kiện. Cô Thái Thị Tuyết Hồng được báo Tuổi Trẻ mời tham gia chuyến hành trình đến với biển đảo quê hương tại quần đảo Trường Sa, cô Lê Thị Kim Hằng được Đài truyền hình kỹ thuật số (kênh VTC14) mời tham dự chương trình biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến cuộc sống. Còn cô Nguyễn Thị Hòa có mặt trong Lễ tuyên dương điển hình tiên tiến năm 2017 diễn ra tại thủ đô Hà Nội. Khi được hỏi về ước muốn trong cuộc sống và công việc, các cô Sương, Hòa, Hồng, Hằng cho biết các cô chỉ muốn có một ngôi trường ở vị trí cao ráo với đầy đủ học cụ, để học trò của mình không phải gặp hiểm nguy như trận lũ quét vừa rồi. Cô Võ Thị Thu Sương - hiệu trưởng - cho biết thêm xã An Hiệp đã bố trí một mặt bằng rộng 2.000m2 tại thôn Mỹ Phú 1, gần quốc lộ 1 - cách điểm trường cũ chừng 500m để xây dựng trường mới. “Chúng tôi rất mong sự hỗ trợ của cộng đồng để sớm xây dựng điểm trường mới, giúp cô trò yên tâm dạy và học” - cô Sương nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận