Thả bóng bay, không có gì hay

XUÂN MINH 06/07/2024 03:53 GMT+7

TTCT - Đã đến lúc phải xem thả bong bóng là xả rác.

Đám đông cố bắt những quả bóng bay được thả sau buổi cầu nguyện Eid al-Adha tại một công viên bên ngoài Nhà thờ Hồi giáo El-Seddik ở Cairo, Ai Cập, ngày 16-6-2024. Ảnh: REUTERS

Đám đông cố bắt những quả bóng bay được thả sau buổi cầu nguyện Eid al-Adha tại một công viên bên ngoài Nhà thờ Hồi giáo El-Seddik ở Cairo, Ai Cập, ngày 16-6-2024. Ảnh: REUTERS

Bóng bay thả lên trời không đến thiên đàng. Khi bay lên đủ cao, áp suất thấp trong khí quyển sẽ khiến nó nổ và rơi xuống, thành rác trôi ra sông, ra biển, nơi chúng có nhiều khả năng khiến những chú chim biển, rùa biển lầm tưởng là thức ăn và thọ nạn.

Bóng bay có thể là vật trang trí vui nhộn và xinh đẹp trên mặt đất, nhưng chúng trở thành thứ rác chết chóc ngay khi được thả lên trời. Do đó, đã đến lúc phải xem thả bong bóng là xả rác và nhiều nơi đã đưa việc cấm thả bong bóng lên trời vào luật, mới nhất là bang Florida (Mỹ).

Đẹp mà không đẹp

Ngày 24-6, Thống đốc Ron DeSantis ký ban hành luật cấm thả bóng bay ở Florida, có hiệu lực từ ngày 1-7. Theo đó, bất kỳ ai cố tình thả bóng bay lên trời sẽ bị phạt 150 USD tội xả rác. 

Quy định cũ cho phép mỗi người thả tối đa 9 quả bong bóng trong khoảng thời gian 24 giờ bất kỳ, thực tế không có ý nghĩa gì trong việc giảm hoạt động thả bóng bay. 

Luật mới - đồng thời cấm luôn việc thả loại bóng bay có thể phân hủy sinh học - được các nhà môi trường và hai đảng Cộng hòa và Dân chủ ủng hộ, chuyện hiếm ở Florida.

Tuy nhiên, bán bong bóng không bị ảnh hưởng. Bong bóng vẫn có thể được sử dụng để trang trí trong nhà hoặc ngoài trời miễn là không bị thả lên trời. Trường hợp chính phủ thả khinh khí cầu hoặc bóng bay vì mục đích khoa học sẽ được cấp phép riêng. Bóng bay do trẻ em dưới 6 tuổi vô tình thả cũng không bị xử phạt. 

Vấn đề còn lại phụ thuộc vào việc cảnh sát sẽ áp dụng hình phạt này kiên quyết cỡ nào. Ít nhất là từ nay họ có quyền rút thẻ phạt với những ai vẫn muốn ham vui.

Cấm thả bóng bay đã được áp dụng ở nhiều bang khác ở Mỹ trong vài năm gần đây. Maryland và Virginia cấm từ năm 2021, Hawaii áp dụng năm 2022, thành phố Laguna Beach, bang California cấm từ đầu năm 2024, New York cũng sắp chính thức cấm.

Úc cũng có nhiều bang có lệnh cấm này, trong đó có Queensland và New South Wales. Từ tháng 9-2023, Queensland thêm thả bóng bay nhẹ hơn không khí vào danh sách cấm đồ nhựa dùng một lần. 

Tương tự như Florida, luật Úc không cấm việc dùng bong bóng cho mục đích khác, nhưng hễ để nó vọt lên trời thì xem như đã xả rác và bị phạt. Trong khi đó, hạt Byron Shire của bang New South Wales cấm bóng bay cùng các loại đồ dùng một lần phổ biến trong các đám tiệc như đĩa ăn nhựa, dây ruy băng và các sợi cước cột bóng bay, hạt và dây kim tuyến, pháo tiệc (loại bắn ra kim tuyến lấp lánh). 

Tại Anh, tính đến đầu năm 2024, theo BBC, có hơn 60 địa phương cấm thả bóng bay và đèn trời.

Ảnh: Elmer Martinez/Getty Images

Ảnh: Elmer Martinez/Getty Images

Các chuyên gia cho rằng cấm bóng bay để giảm rác thải, cứu các loài động vật hoang dã và môi trường là xu hướng đúng đắn mà các thành phố trên thế giới nên tham gia. 

"Khi thả bóng bay, chim có thể bị vướng vào dây nếu ở trên trời hoặc không thể trồi lên mặt nước để lấy không khí nếu bị vướng dây dưới nước" - Shane Cucow thuộc Hiệp hội Bảo tồn biển Úc, nói với Yahoo News. Dải ruy băng gắn vào bóng bay có thể vướng vào các sinh vật biển như rùa, lợn biển, quấn hoặc siết cổ những con vật không may dù trên bờ hay dưới nước.

Adam Ratner, phó giám đốc về giáo dục và bảo tồn của Trung tâm động vật có vú biển ở Sausalito, California, cho biết nếu bị vướng vào dây buộc bóng bay, các loài động vật có thể chết, hậu quả sẽ càng nghiêm trọng nếu đó là các loài bị đe dọa và có nguy cơ tuyệt chủng, như hải cẩu lông Guadalupe (Arctocephalus townsendi) hay hải cẩu thầy tu Hawaii (Monachus schauinslandi).

Các nhà nghiên cứu đã thấy những sợi dây cước bóng bay và xác bóng bay trong bao tử các loài chim. Với cấu trúc latex mềm, nhỏ, xác bóng bay dễ bị các loài động vật nhầm là thức ăn. Rùa biển nhầm chúng với sứa - món ăn yêu thích, các loài chim biển tưởng đó là bữa lót dạ và sau đó, dạ dày chúng không còn chỗ cho thức ăn khác khiến chúng chết đói.

Kara Wiggin, nghiên cứu sinh tại Viện Hải dương học Scripps, người nghiên cứu về vi nhựa trong môi trường biển, cho biết khi bị nuốt phải, bóng bay cao su có khả năng giết chết chim biển cao gấp 32 lần so với nhựa cứng và do đó, xác bóng bay là loại nhựa biển nguy hiểm nhất với chim biển.

Tiệc tùng không có bóng bay

Theo trang Wild Life Watch, có hai loại bóng bay chính và cả hai đều rất có hại cho động vật hoang dã. Phổ biến nhất là loại được làm từ cao su, chúng có thể được quảng cáo là phân hủy sinh học. Thứ hai là bóng bay bằng giấy bạc (còn có tên là bóng bay mylar, dễ nhận ra vì chúng có nhiều tạo hình thú vị và thường lấp lánh ánh bạc) do được làm từ một lớp bạc mỏng dệt với ni lông.

Lara O'Brien, một nhà thầu của Cơ quan quản lý bờ biển thuộc Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ, cho biết mặc dù các nhà sản xuất tuyên bố rằng một số bóng bay cao su là phân hủy sinh học nhưng không có bóng bay nào an toàn để thả ra, kể cả loại được cho là phân hủy sinh học.

Bong bóng latex giờ đã thành rác thải đại dương, bên cạnh là một con rùa biển Loggerhead. Ảnh: Balloons Blow

Bong bóng latex giờ đã thành rác thải đại dương, bên cạnh là một con rùa biển Loggerhead. Ảnh: Balloons Blow

Ở đây, ta cần hiểu cách làm ra bong bóng. Bong bóng được sản xuất từ cao su tự nhiên và các loại hóa chất. Những hóa chất này gồm chất chống oxy hóa và chất chống đục (để bóng bay được trong), chất làm dẻo, chất bảo quản (để bóng bay có hạn sử dụng dài), chất chống cháy, hương thơm và phẩm màu. Do nhà sản xuất thêm chất hóa dẻo vào thành phần nên quá trình phân hủy sinh học của bóng bay có thể cần hàng thập kỷ hoặc lâu hơn.

Bóng bay loại giấy bạc có thể tồn tại trong đại dương nhiều năm. Chúng cũng có thể vướng vào đường dây điện, gây mất điện hoặc hỏa hoạn.

So với túi nhựa, xác bóng bay trên các bãi biển dù ít hơn nhưng đặc biệt gây hại. Chúng ta cũng ít để ý tuyên truyền về bóng bay trong các chiến dịch về giảm rác thải nhựa trước đây. 

Bằng chứng là trong khi nhiều người không chủ động xả rác, họ vẫn thích thả bóng bay. Rất nhiều dự luật/luật đề cập đến hạn chế bao bì nhựa dùng một lần nhưng bóng bay dường như không được nhắc tên.

Còn quá sớm để nói liệu những lệnh cấm thả bóng bay có thực sự hiệu quả hay không nhưng nó mở ra cơ hội để các tổ chức hoạt động về môi trường tiếp tục truyền thông, giáo dục về rác thải nhựa và ô nhiễm.

Thả bóng bay, không có gì hay- Ảnh 4.
Thả bóng bay, không có gì hay- Ảnh 5.

Thay vì bog bóng, quả cầu giấy hay bong bóng nước có thể tạo ra không khí lễ hội sống động. Ảnh: Sở Môi trường, Khoa học và Đổi mới Queensland

Câu hỏi còn lại là, cái gì sẽ thay thế bong bóng trong những buổi tiệc hay sự kiện có tính chào mừng? Sở Môi trường, Khoa học và Đổi mới của Queensland gợi ý 5 lựa chọn: bong bóng xà phòng, đồ trang trí bằng giấy, diều, cờ đuôi nheo và hoa tươi.

Các nhà bảo tồn đang kêu gọi mọi người trồng cây hoặc ném cánh hoa xuống nước thay vì thả bóng bay. "Có rất nhiều cách ăn mừng không gây bất lợi cho môi trường" - Emma Haydocy, giám đốc chính sách của quỹ Surfrider Foundation, nói với The New York Times.

Sự tồn tại của một cái cây được trồng để ăn mừng sự kiện nào đó, theo năm tháng, sẽ gợi nhắc về sự kiện đáng nhớ đã qua. Còn nếu vẫn dùng bong bóng, nhớ đừng thả bóng lên trời và nên xì hơi, bỏ xác bóng bay vào thùng rác sau khi sử dụng.

Bóng phân hủy sinh học: lời hứa xa vời

Năm 2020, một nhóm các nhà nghiên cứu đã làm thí nghiệm để kiểm chứng tuyên bố "phân hủy sau 6 tuần" của nhà sản xuất bóng bay phân hủy sinh học. Theo kết quả đăng trên tạp chí khoa học về vật liệu nguy hại (Journal of Hazardous Materials) một năm sau đó, họ chỉ ra, đó chỉ là lời nói dối của doanh nghiệp nhằm để người tiêu dùng bớt áy náy.

Nhóm nghiên cứu phơi bóng bay dưới ánh sáng mặt trời trong 6 tiếng (để tái hiện thời hạn sử dụng thông thường, như tại một bữa tiệc ngoài trời) sau đó đặt những quả bóng bay màu xanh và trắng vào hố ủ phân công nghiệp, trong bể nước mặn và nước ngọt.

Họ tiến hành sục khí để mô phỏng các điều kiện tự nhiên ở biển và ở sông hồ. Hai tuần một lần, họ lấy ngẫu nhiên 40 quả bóng bay ra khỏi mỗi thí nghiệm và chụp ảnh để ghi lại sự xuống cấp theo thời gian. Họ kiểm tra các đặc tính vật liệu như tính co giãn, hình dáng chung và khối lượng của các quả bóng.

Kết quả, sau 16 tuần, những quả bóng bay vẫn giữ được hình dáng ban đầu, mặc dù đặc tính của chúng có thay đổi ít nhiều trong các môi trường ủ phân, nước mặn và nước ngọt. Thí nghiệm thực chứng này cho thấy bong bóng phân hủy sinh học rất bền và không bị phân hủy đáng kể sau 16 tuần.

Trong quãng thời gian đó, những quả bóng đã bị lãng quên, trở thành rác, đã có rất nhiều cơ hội để gây họa cho động vật hoang dã.

Thả bóng bay, không có gì hay- Ảnh 6.

Chuyên mục Việt Nam Xanh được thực hiện với sự đồng hành của PRO VIỆT NAM.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận