Tác giả (thứ ba từ phải sang) và bạn học đến từ nhiều quốc gia sau khi nhận bằng tốt nghiệp đại học tại Liên bang Nga
Đọc bài viết "Hẹn Tết sau về nhà" của tác giả Nguyễn Phan Quế Mai trên báo Tuổi Trẻ, tôi thấy mình đã rất may mắn khi được ăn Tết cùng gia đình sau 5 năm xa quê hương. Đối với tôi, 5 cái Tết ở châu Âu nhờ có đông bạn học người Việt Nam nên vẫn thấy được an ủi phần nào, dẫu không bằng Tết tại quê nhà.
Tết Việt ở trời Nga
Năm 2015, tôi may mắn được suất học bổng toàn phần, du học tại Liên bang Nga 5 năm. Thời chúng tôi du học thuận lợi hơn các bậc tiền bối nhờ sự trợ giúp của công nghệ thông tin. Tôi thường xuyên gọi điện qua Facebook cho ba mẹ. Gia đình tôi luôn được nhìn thấy hình ảnh của nhau nên nỗi nhớ cũng nguôi ngoai ít nhiều.
Dịp Tết Nguyên đán tôi không về được vì vẫn phải học bình thường. Thay vào đó, tôi cùng hơn 20 bạn sinh viên Việt Nam tổ chức đón Tết cổ truyền của dân tộc.
Các thầy cô người Nga rất tâm lý với sinh viên Việt Nam, trong những buổi học rơi vào thời điểm tháng chạp âm lịch, giáo viên thường mời sinh viên Việt Nam phát biểu, kể chuyện phong tục tập quán và nhất là ý nghĩa của ngày Tết.
Trước Tết một tuần, chúng tôi chia nhau mỗi người một việc, người mua lá dong, gạo nếp, thịt lợn (heo) gói bánh chưng, người mua giò chả, bánh mứt và nhiều mặt hàng "Tết" khác.
Vào buổi tối, nhóm sinh viên Việt Nam đã khuấy động cả ký túc xá. Các bạn nước khác thích thú nhìn chúng tôi gói bánh chưng, cắt giấy màu làm những cành hoa đào, hoa mai rực rỡ.
Ban đầu họ chỉ xem với sự hiếu kỳ, nhưng khi đón giao thừa được chúng tôi mời ăn bánh chưng và những món ăn ngày Tết thì ai cũng rất vui. Có bạn còn học cách làm bánh chưng.
Không khí ấm áp ấy tiếp tục được lặp lại khi sáng hôm sau, đoàn sinh viên Việt Nam mang những món ăn này lên lớp mời thầy cô và các bạn khác.
Chứng kiến hình ảnh cả trường xúm quanh nhóm sinh viên Việt Nam "phỏng vấn", tìm hiểu về ngày Tết, chúng tôi đều cảm thấy rưng rưng bởi quá đỗi tự hào. Nhiều sinh viên thuộc những quốc gia khác nhau đã tâm sự: "Nhất định tôi sẽ đến thăm Việt Nam".
May mắn ngày trở về
Lẽ ra tháng 7-2020 tôi tốt nghiệp và được về nước. Thế nhưng dịch COVID-19 đã khiến chúng tôi phải ở lại chờ chuyến bay "giải cứu" từ quê nhà. Trong những ngày phải nán lại nước bạn, tôi càng thấm thía tình cảm chứa chan của người dân bản địa.
Chuyện mua khẩu trang ở đây là việc khó khăn, song lại sẵn sàng chia sẻ với chúng tôi dù chính họ cũng đang rất cần. Biết tôi sắp về nước, nhiều người đã lưu luyến dặn rằng: "Khi nào điều kiện cho phép nhớ sang thăm nước Nga".
Chuyến bay ngày 9-9 từ Moscow đã đưa chúng tôi về đến sân bay Cam Ranh. Một lần nữa, tôi gặp may khi có dịp trải nghiệm, được cách ly tập trung tại xứ "hoa vàng trên cỏ xanh".
Đoàn chúng tôi hơn 300 người được sống trong tình thương như ruột thịt của các chiến sĩ ở một trung đoàn bộ binh đóng tại tỉnh Phú Yên. Hai tiếng "Tổ quốc" thiêng liêng đã trào dâng trong tôi hơn bao giờ hết.
Nhiều người lính tuổi đời trẻ hơn tôi đã kiêm luôn công việc của tình nguyện viên khi lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho cả chuyến bay với quân số tương đương hai tiểu đoàn. Các anh nhường hai khu nhà ở tốt nhất cho chúng tôi, còn phần mình thì tận dụng hết những phòng khác làm nơi ăn ngủ.
Khó khăn vẫn không làm giảm đi sự tận tụy, hết lòng vì chúng tôi nơi các anh. Những ngày đầu, một số chị mệt mỏi sau chuyến bay dài, lại chưa bắt nhịp được với khí hậu, thời tiết và múi giờ nên ăn cơm rất ít.
Giữa đêm khuya cơn đói nổi lên, biết được chuyện này nhiều anh bộ đội đã thức dậy nấu cháo thịt mang đến tận phòng. Nhìn những tô cháo nóng hổi, thơm lừng, chúng tôi không cầm được nước mắt bởi nó được nấu lên từ tấm lòng của các chiến sĩ trẻ.
Du học sinh như chúng tôi được Nhà nước chi trả toàn bộ chi phí cách ly. Nhưng qua khoảng thời gian được chứng kiến sự quan tâm chăm sóc và tình cảm vô bờ bến của những người lính tại đây, chúng tôi hiểu rằng không có mức phí nào xứng đáng với những hi sinh vô giá của các anh.
Điều chúng tôi luôn ghi nhớ khi chia tay các chiến sĩ trẻ chính là nguyện mang hết khả năng của mình để phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân.
Tôi hay mặc chiếc áo có in cờ Tổ quốc trong thời gian du học tại Liên bang Nga
Tết này là Tết đoàn viên
Sau thời gian tự cách ly tại nhà, tôi được nhận vào làm việc trong một cơ quan nằm ở TP Thủ Đức (TP.HCM). Ngày xuân đang đến rất gần. Những buổi sáng đi làm với tôi luôn là niềm vui và hạnh phúc.
Tôi cảm nhận được không khí Tết bắt đầu hiện lên trong mỗi con người. Dẫu rằng trên khuôn mặt còn in nỗi nhọc nhằn mưu sinh và những lo toan khác nhưng ai cũng toát lên niềm tin, niềm hi vọng về một ngày Tết trọn vẹn, một năm mới bình an khi nước nhà đang tiếp tục chiến đấu và chiến thắng đại dịch.
Tết này với tôi sẽ là cái Tết đặc biệt ý nghĩa. Gia đình tôi đón xuân trong niềm vui sum họp. Tôi được về nước an toàn sau khi hoàn thành khóa học.
Mỗi tuần, tôi đều dành thời gian động viên các bạn sinh viên khóa sau còn ở lại nước bạn học tập. Tôi yên tâm vì ai nấy đều lạc quan tin tưởng vào tương lai phía trước. Những trở ngại trước mắt chỉ là tạm thời.
Cho dù Tết này không được về quê nhưng sẽ có muôn cái Tết sau hưởng niềm vui hội ngộ. Khi trong lòng ta hướng về Tổ quốc thì ở nơi đâu cũng có Tết.
"Ra đi để trở về" - câu nói ấy được chúng tôi mang theo trong hành trang ngày lên đường và sẽ mãi còn nguyên giá trị. Chúng tôi tự ý thức rằng trách nhiệm của người trẻ với đất nước luôn là điều rất vẻ vang.
Mùa xuân nhẹ nhàng đến trong từng hơi thở. Đã trải qua những ngày đương đầu với dịch bệnh ở nước bạn, tôi càng biết ơn hàng ngàn con người đang ngày đêm bám trụ trên phòng tuyến chống dịch để "đất nước trọn niềm vui".
Sau 5 đêm giao thừa liên tục vắng nhà, giờ đây tôi đang được đếm ngược từng ngày chờ đón Tết.
Diễn đàn Tết xưa - Tết nay do báo Tuổi Trẻ tổ chức, với sự đồng hành của hệ thống bán lẻ FPT Shop và Hãng hàng không Vietjet Air.
Diễn đàn gồm các bài viết, bài dự thi của cuộc thi Tết xưa - Tết nay về những ký ức Tết xưa, khát vọng ngày xuân hay những khoảnh khắc sum họp, cảnh đẹp trên đường về quê đón Tết của bạn đọc.
Diễn đàn mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp, bài dự thi trên cả nước. Thời gian nhận bài từ ngày 15-1-2021 đến hết ngày 20-2-2021.
Cách thức tham gia:
Bài viết dự thi gửi đến theo 2 cách:
Gửi qua địa chỉ email: [email protected]
Gửi qua đường bưu điện theo địa chỉ: Báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Ngoài bì thư ghi rõ tham gia cuộc thi viết Tết xưa - Tết nay.
Bạn đọc vui lòng cung cấp địa chỉ, số tài khoản, số CMND để chúng tôi chuyển nhuận bút.
Các bài lọt vào vòng sơ kết sẽ được thông báo sau.
Cơ cấu giải thưởng:
• 1 giải nhất: 10 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Samsung A31 của FPT Shop; 02 vé khứ hồi G1 của Vietjet Air.
• 2 giải nhì: mỗi giải gồm 5 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Xiaomi Note 9 hoặc Oppo A53 của FPT Shop; 01 vé khứ hồi G1 của Vietjet Air.
• 3 giải ba: mỗi giải gồm 5 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Realme C12 hoặc VSmart Joy 4 hoặc Vivo Y20 của FPT Shop; mô hình máy bay Vietjet size lớn.
• 10 giải khuyến khích: mỗi giải gồm 2 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là sạc dự phòng UMETRAVEL 10.000 mAh của FPT Shop; mô hình máy bay Vietjet size nhỏ.
• 20 phần quà tặng dành cho bạn đọc trên mạng xã hội là: balô FPT Shop + voucher giảm 10% khi mua laptop tại hệ thống cửa hàng FPT Shop; gấu bông + túi du lịch Vietjet.
Lễ trao giải dự kiến diễn ra trước 28-2-2021.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận