31/01/2021 07:50 GMT+7

Tết xưa - Tết nay: Nước, hoặc là những điều bình thường khác, chính là Tết

PHẠM THỊ HẢI DƯƠNG
PHẠM THỊ HẢI DƯƠNG

TTO - Hơn 15 năm trước, cái Tết nào cũng trở nên tất tả hơn với nhà tôi. Bận rộn không phải vì bánh chưng, bánh tét, vì tươm tất mâm ngũ quả hay dọn bàn thờ, mà vì ba mẹ tôi bận đi gánh nước. Nước, hoặc là những điều bình thường khác, chính là Tết.

Tết xưa - Tết nay: Nước, hoặc là những điều bình thường khác, chính là Tết - Ảnh 1.

Mỗi mùa Tết đến là tôi lại nhớ đến giếng nước của làng - Ảnh: MINH HẢI

Ngày đó, làng tôi không có quá nhiều giếng nước. Cứ sát ba mươi Tết là những giếng nước lại ăm ắp người. Các bác, các chú, các thím các dì thi nhau kéo nước, gánh nước về nhà mình.

Bởi khi gia đình có giếng cúng tất niên xong thì không ai được phép tới nhà ấy gánh nước cho đến hết mùng ba Tết.

Ba tôi gánh nước hối hả trước giao thừa

Tôi vẫn nhớ rất rõ phiên bản nhỏ của mình. Cô bé tôi ngồi đó, giữa nắng vàng và gió ngọt tháng Chạp nhìn ra sân nhà, nơi có vạt hoa vạn thọ đang tròn xoe mắt chào mùa xuân. Ba tôi quảy đôi thùng thiếc rỗng ra khỏi cổng, lưng ba thẳng nhưng hai chân của ba gần như đâm sầm vào nhau.

Chân sau hối chân trước, ba đi như chạy. Lúc nào thấy cảnh đó đi ngang trước mắt mình, tôi cũng nhắm mắt thử đoán coi có bao nhiêu người đang chờ tới lượt gánh nước trên giếng nhà bác Tư Cường.

Chắc hẳn có cô Quyên "lé" lúc nào cũng hối "thím Chín nhanh nhanh chút đi". Bà Chín khi ấy vừa kéo cọng dây dừa rột rột sẽ quay lại lườm cô Quyên: "Hối hối quài, con quỷ". Ông Thải thả đòn gánh, đốt điếu thuốc rồi nói chêm vô: "Mấy bà nhiều chuyện quá, lẹ đi tui còn mấy phuy chưa đầy đấy nhén".

Tôi hỏi ba, ông Thải gánh làm gì tới mấy phuy nước vậy ba? Ba tôi cười bảo, tại nhà ông Thải đông con. Tới Tết, con dâu, con rể, cháu nội cháu ngoại về chơi. Nội phần nước tắm thôi thì ba thùng phuy chưa đủ. Ông Thải cứ gánh nước hoài, mấy chục mùa Tết rồi bé con!

Ba trở về sau chừng mười lăm phút, có thể nhanh hơn hoặc lâu hơn tùy vào số người đông hay ít chờ tới lượt. Từ đằng xa, tôi đã có thể nghe tiếng dép của ba miết rát rạt trên mặt đường đất.

Ba bước chắc nhịp, lưng cong xuống, tay trái và tay phải trước sau để hờ trên hai đầu quang gánh để giữ cho đôi nước không trượt khỏi vai mình.

Tôi có thể cảm nhận rất rõ sức nặng của đôi thùng thiếc theo từng bước chân ba. Và hình như, cứ mỗi mùa Tết sau, đôi nước trên vai ba lại nặng thêm vài phần so với Tết trước.

Khi ba đi ngang hàng vạn thọ, tôi nhìn thấy những giọt nước tràn rơi ra khỏi mặt thùng theo từng bước một, hai. Những giọt nước trong vắt tràn ra ướt thành thùng, rơi xuống vùng đất nóng, sóng sánh như giọt lộc trời. Thỉnh thoảng, vài hạt nước rơi trúng một búp hoa đang e ấp chờ ngày bung mình khoe sắc.

Nước hiện diện trong mỗi nét Tết. Nước làm mềm Tết, khiến Tết nơi khô cằn trở nên mát dịu trong lòng mỗi người. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi đó, lần đầu tiên tôi lờ mờ thấy Tết đang đập cùng nhịp tim non nớt của mình.

Mẹ tôi ham nước lắm!

Làm phụ nữ, có việc nào trong ngày Tết lại không động chạm tới nước. Trưa hai mươi chín, mẹ đổ hai ca nước lạnh vô thau nhôm rồi dìm mớ măng khô chìm trong nước.

Kế đó, mẹ xả buồng chuối mốc thành từng nải rồi sai tôi rửa sạch. Chiều, mẹ rửa cái xe máy bụi bặm quanh năm bằng gánh nước cuối chiều mà ba vừa đặt xuống áng nước. Trong mỗi nhịp Tết, nước hiện diện theo.

Tôi nhìn mẹ đang lui cui cơi mấy cục than hồng chuẩn bị nướng thịt lụi. Trong lúc tay kia mẹ quơ cái bánh tráng chực nướng thì hình như sực nhớ ra nồi nước ngọt chưa nêm, mẹ thả cái bánh tráng xuống, vội đứng lên chạy ù vô bếp.

Tôi nhìn người mẹ tần tảo của đời mình, thử hỏi tại sao nỗi tất bật đè lên từng nếp hằn phụ nữ không làm mẹ quên đôi ba gánh nước tưới hoa vạn thọ. Nước không đủ uống, còn tưới hoa! Tôi tính hỏi nhưng sợ "nhát dao" vô ý của mình sẽ làm rách mất chút lãng mạn quý giá của một người đàn bà nhà nông chính hiệu.

Và mẹ cứ như thế suốt nhiều năm trước khi nhà tôi đào giếng, từ nửa tháng mười một, khi mầm vạn thọ đầu tiên nhú lên từ đất, mẹ tôi gánh nước nhiều hơn mỗi ngày, để tưới hoa.

Tôi bưng đĩa măng khô xào nấm mèo, len giữa màu đen và vàng là mấy cục ba chỉ mỡ nhiều nạc ít. Tôi có thể nhìn thấy màng dầu ăn (hay mỡ) phủ bên ngoài đĩa xào. Không biết thứ măng khô khốc và mấy tai nấm mèo này đã ngậm bao nhiêu nước để có thể "hồi xuân" lại, căng bóng và mướt mẩy, đủ chuẩn để dâng cúng ông bà!

Tôi nhìn chén cơm trắng được xới đầy ứ nự, hình như trong từng hạt ngọc căng đầy dáng hình của nước. Lòng tôi cũng đầy lên, không phải nước, mà là nỗi hạnh phúc tinh tươm.

Nước là Tết, là mùa xuân

Ba tôi thay chiếc sơ mi mà mỗi năm ông bận đúng một lần ngày Tết rồi đón những tô canh, đĩa xào từ tay tôi. Khi tất cả món cúng đã được bày lên, ba sẽ làm việc cuối cùng là rót nước vào mỗi chiếc li trên bàn cúng. Thức nước ấy, ba lấy từ gánh nước mới nhất, là thứ nước theo ba là sạch nhất.

Trong giao thời tống cựu nghinh tân, tôi nghe mùi hương của mâm cúng giản dị đang quyện cùng khói trầm thoang thoảng. Nhánh vạn thọ mới cắt ngập trong nước lục bình tứa ra chút mùi nhựa đặc trưng.

Mâm quả ráo nước đặt bên cạnh như để tăng thêm phần sắc màu cho cơm cúng tất niên bớt phần đạm bạc. Chìm trong bức màn tuyệt diệu của mùa đoàn viên, nước hiện lên nâng đỡ lòng người, nước biến mâm cơm nhà nghèo thành phần lễ chứa chan sự tôn kính và lòng hiếu thảo.

Đôi vai ba tôi vẫn không ngừng tấy đỏ, đôi dép mỏng như lưỡi dao lam của ông vẫn chà rát trên mặt đường cho tới lúc chiều ba mươi đổ ụp trên quang gánh cuối cùng trước giờ phút giao thừa. Khi những chum đất, thau nhựa đã ngập đầy nước, mẹ mới để mái tóc bết rệt của mình được tẩy gội.

Tết sẽ chẳng thể về để làm đẹp những điều bình thường như một luống hoa, nếu như thiếu nước. Trên vai của cha, tóc của mẹ, Tết về, vẫn đẹp đẽ, tươi mới và bình yên. Nước, hoặc là những điều bình thường khác, chính là Tết, là mùa xuân…

980x320 (1)

Diễn đàn Tết xưa - Tết nay do báo Tuổi Trẻ tổ chức, với sự đồng hành của hệ thống bán lẻ FPT Shop và Hãng hàng không Vietjet Air.

Diễn đàn gồm các bài viết, bài dự thi của cuộc thi Tết xưa - Tết nay về những ký ức Tết xưa, khát vọng ngày xuân hay những khoảnh khắc sum họp, cảnh đẹp trên đường về quê đón Tết của bạn đọc.

Diễn đàn mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp, bài dự thi trên cả nước. Thời gian nhận bài từ ngày 15-1-2021 đến hết ngày 20-2-2021.

Cách thức tham gia:

Bài viết dự thi gửi đến theo 2 cách:

Gửi qua địa chỉ email: [email protected]

Gửi qua đường bưu điện theo địa chỉ: Báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Ngoài bì thư ghi rõ tham gia cuộc thi viết Tết xưa - Tết nay.

Bạn đọc vui lòng cung cấp địa chỉ, số tài khoản, số CMND để chúng tôi chuyển nhuận bút.

Các bài lọt vào vòng sơ kết sẽ được thông báo sau.

Cơ cấu giải thưởng:

• 1 giải nhất: 10 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Samsung A31 của FPT Shop; 02 vé khứ hồi G1 của Vietjet Air.

• 2 giải nhì: mỗi giải gồm 5 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Xiaomi Note 9 hoặc Oppo A53 của FPT Shop; 01 vé khứ hồi G1 của Vietjet Air.

• 3 giải ba: mỗi giải gồm 5 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Realme C12 hoặc VSmart Joy 4 hoặc Vivo Y20 của FPT Shop; mô hình máy bay Vietjet size lớn.

• 10 giải khuyến khích: mỗi giải gồm 2 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là sạc dự phòng UMETRAVEL 10.000 mAh của FPT Shop; mô hình máy bay Vietjet size nhỏ.

• 20 phần quà tặng dành cho bạn đọc trên mạng xã hội là: balô FPT Shop + voucher giảm 10% khi mua laptop tại hệ thống cửa hàng FPT Shop; gấu bông + túi du lịch Vietjet.

Lễ trao giải dự kiến diễn ra trước 28-2-2021.

Tết xưa -Tết nay: Tết xưa - Tết nay: 'Mẹ ơi, hăm sáu con về'

TTO - Cuộc điện thoại giữa chiều của mẹ làm lòng tôi chùng xuống, tôi thấy có lỗi với mẹ quá, muốn gọi lại nói gì đó với mẹ, nhưng vẫn chưa biết lịch nghỉ Tết thế nào, nói rồi lỡ không về được như những năm trước, sợ mẹ ngóng rồi lại thêm buồn.

PHẠM THỊ HẢI DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên