Cây mùi già - Ảnh: N.Q.
Sinh sống tại thành phố từ nhiều năm nay, thế nhưng mỗi khi tết sắp đến, xuân sắp về là trong tôi lại nôn nao nhớ về biết bao kỷ niệm của một thời ấu thơ nơi quê nhà.
Trong vô vàn những kỷ niệm tuổi thơ gắn với tết, có lẽ cái cảm giác được mẹ phân công chuẩn bị nguyên liệu cho nồi nước tắm của ngày 30 tết để phục vụ cả gia đình, là tôi nhớ mãi…
Tết ở quê tôi, cũng như nhiều làng quê khác trong vùng, có một quan niệm, đó là: Ngày cuối cùng của năm cũ thì ai cũng phải tắm gội, gột rửa hết những bụi bặm, hôi hám, để khi bước sang năm mới cơ thể được sạch sẽ, thơm tho, và nó cũng đồng nghĩa với những điều may mắn, tốt đẹp nhất sẽ đến với mỗi người…
Chính vì vậy mà nhà nào cũng phải lo nấu một nồi nước tắm lá thơm, và không phải là nồi nước nóng ấm bình thường chỉ có tác dụng chống lạnh giá, mà trong nồi nước tắm ấy luôn phải đủ đầy một số cây lá hương, dược liệu có mùi thơm quyến rũ, như lá hương nhu, lá sả, lá chanh…, và đặc biệt là không thể thiếu nắm cây mùi già (cây ngò rí).
Có khi, một số gia đình còn cho thêm vào nồi nước tắm cả vỏ bưởi, vỏ quýt, vì các loại vỏ của cây có múi thường rất nhiều tinh dầu, nên không chỉ thơm mà còn rất tốt cho làn da.
Tất cả các cây lá hương, dược liệu này đều là dạng "cây nhà lá vườn", rất dễ kiếm, dễ tìm, thậm chí vườn nhà ai không trồng, không có thì họ cũng có thể sang hàng xóm xin, hoặc ra chợ mua khi mà vài ngày cận tết chúng được bày bán rất nhiều để phục vụ nhu cầu của mọi người.
Tôi còn nhớ, ngày ấy năm nào cũng vậy, cứ vào buổi chiều ngày tất niên 30 tết, khi tiệc cỗ bắt đầu được sửa soạn là mẹ luôn nhắc mấy anh chị em chúng tôi phải nhớ đun nồi nước để cả nhà cùng tắm.
Để đun nồi nước dùng cho tất cả các thành viên trong gia đình tắm gội mấy anh chị em chúng tôi luôn chọn chiếc nồi to nhất, loại nồi đại thường dùng để nấu bánh chưng dịp tết một năm.
Trước khi bắc bếp để đun, tôi luôn lo phần rửa thật kỹ các cây lá hương, dược liệu để nồi nước tắm được sạch sẽ. Anh Hai tôi thì lo nhóm lửa, xách nước đổ vào nồi; còn em gái út tôi đảm nhiệm công việc lấy củi khô mà bố tôi xếp gọn nơi góc vườn.
Cây mùi già dễ kiếm, thậm chí vườn nhà ai không trồng, không có thì sang hàng xóm xin - Ảnh: N.Q.
Khi nồi nước tắm đun sôi một lúc là được, và lúc này hương thơm của các cây lá hương, dược liệu có trong nồi nước tắm tỏa ra thơm ngào ngạt, mà bất cứ ai ngửi thấy cũng cảm thấy khoan khoái, cảm thấy vô cùng dễ chịu.
Từ nồi nước tắm lá thơm ấy, các thành viên gia đình tôi, cứ luân phiên nhau hễ ai rảnh rỗi trước thì tắm trước, còn ai bận sẽ tắm sau. Khi tắm, mọi người sẽ múc những gáo nước nóng lá thơm đó, hòa với nước lạnh theo định lượng đủ ấm, miễn sao cho cơ thể không cảm thấy lạnh quá, và cũng không nóng quá.
Thường là mỗi người chỉ cần một chậu thau cỡ lớn là đủ tắm gội sạch sẽ. Điều rất đặc biệt từ thứ nước tắm lá thơm tất niên được nấu từ các loại cây hương, dược liệu, đó là sau khi tắm cả mấy ngày, thậm chí gần 1 tuần lễ mà hương thơm tự nhiên của mùi cây lá hương, dược liệu vẫn còn lưu lại trên cơ thể mỗi người; còn tóc gội bằng loại nước này thì cũng rất suôn, mềm, mượt mà mãi không thôi.
Chẳng vậy mà không riêng gì dịp tất niên cuối năm, nhiều bà, nhiều chị ở quê tôi khi ấy, nếu có thời gian là thi thoảng họ cũng vẫn thường đun một nồi nước thơm với đủ đầy các loại cây lá hương, dược liệu để gội đầu, để tắm…
Thường là, khi đun xong nồi nước lá thơm, mấy anh chị em chúng tôi luôn là những người tắm trước, bởi bố mẹ tôi thường bận rộn nấu cỗ bàn để cúng tất niên, nên luôn tắm sau cùng.
Nhiều năm do quá bận, phải làm nhiều việc, nhất là lo thêm phần sửa soạn lễ vật từ buổi tối để cúng cho đêm giao thừa, nên mãi chuẩn bị thời khắc bước sang năm mới bố mẹ mới có thời gian để tắm vội tắm vàng, trước khi năm cũ qua đi.
Suốt những năm tháng tuổi thơ tôi, chưa bao giờ tôi thấy nhà mình thiếu nồi nước tắm vào ngày tất niên, thứ "mặc định" phải có trong mỗi gia đình ở quê tôi vào ngày 30 tết.
Hương thơm của thứ nước tắm "đặc biệt" ấy đã hòa quyện, đi cùng tôi biết bao những dịp tết tuổi ấu thơ, vậy mà, khi xa quê lên thành phố học tập rồi ở lại lập nghiệp, sinh sống, tôi ít có dịp được tắm lại thứ nước lá thơm ấy…
Một năm cũ chuẩn bị qua đi, tất niên cùng năm mới cũng sắp tới, thường mỗi khi nhớ về nồi nước tắm lá thơm tết, trong tôi lại ùa về biết bao nhiêu là kỷ niệm của một thời ấu thơ vất vả, nghèo khó nhưng vô cùng vui, khó quên…
Diễn đàn Tết xưa - Tết nay do báo Tuổi Trẻ tổ chức, với sự đồng hành của hệ thống bán lẻ FPT Shop và Hãng hàng không Vietjet Air.
Diễn đàn gồm các bài viết, bài dự thi của cuộc thi Tết xưa - Tết nay về những ký ức Tết xưa, khát vọng ngày xuân hay những khoảnh khắc sum họp, cảnh đẹp trên đường về quê đón Tết của bạn đọc.
Diễn đàn mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp, bài dự thi trên cả nước. Thời gian nhận bài từ ngày 15-1-2021 đến hết ngày 20-2-2021.
Cách thức tham gia:
Bài viết dự thi gửi đến theo 2 cách:
Gửi qua địa chỉ email: [email protected]
Gửi qua đường bưu điện theo địa chỉ: Báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Ngoài bì thư ghi rõ tham gia cuộc thi viết Tết xưa - Tết nay.
Bạn đọc vui lòng cung cấp địa chỉ, số tài khoản, số CMND để chúng tôi chuyển nhuận bút.
Các bài lọt vào vòng sơ kết sẽ được thông báo sau.
Cơ cấu giải thưởng:
• 1 giải nhất: 10 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Samsung A31 của FPT Shop; 02 vé khứ hồi G1 của Vietjet Air.
• 2 giải nhì: mỗi giải gồm 5 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Xiaomi Note 9 hoặc Oppo A53 của FPT Shop; 01 vé khứ hồi G1 của Vietjet Air.
• 3 giải ba: mỗi giải gồm 5 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Realme C12 hoặc VSmart Joy 4 hoặc Vivo Y20 của FPT Shop; mô hình máy bay Vietjet size lớn.
• 10 giải khuyến khích: mỗi giải gồm 2 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là sạc dự phòng UMETRAVEL 10.000 mAh của FPT Shop; mô hình máy bay Vietjet size nhỏ.
• 20 phần quà tặng dành cho bạn đọc trên mạng xã hội là: balô FPT Shop + voucher giảm 10% khi mua laptop tại hệ thống cửa hàng FPT Shop; gấu bông + túi du lịch Vietjet.
Lễ trao giải dự kiến diễn ra trước 28-2-2021.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận