29/01/2021 07:06 GMT+7

Tết xưa - Tết nay: Nhớ giao thừa Diêm Phố vắng anh

HOÀNG NGỌC LINH
HOÀNG NGỌC LINH

TTO - Tháng Chạp ấy lạnh buốt xương. Đứng trên đê gió thổi muốn xộc vào tận óc. Xóm chài nhỏ cũng bắt đầu rộn rã không khí ngày giáp Tết. Người ta bày bán những bắp cải thảo xoăn đậm, béo mập, những chú gà đánh nhau quang quác trong lồng.

Tết xưa - Tết nay: Nhớ giao thừa Diêm Phố vắng anh - Ảnh 1.

Ảnh về Diêm Phố (Ngư Lộc), phía xa kia là đảo Hòn Mê anh hùng…

"Muốn ăn con cá dưa dài/ Đem con mà gả cho trai xóm Bè…"

Từ nhà tôi nhìn ra rặng cây vẹt chỉ thấy đường chân trời xa tít tắp. Nơi cơn gió mặn mòi nhất từ biển thổi vào gõ leng keng chùm ốc biển nhiều màu tôi xâu gần cửa sổ, thi thoảng lại làm rối tung những sợi cước trắng óng ánh nội treo trên thanh chắn.

Những mẹt cá khô nối đuôi nhau trải dài trên đê, trời nồm hay buốt cũng tanh đến nhức đầu những vị khách không quen.

Những năm đầu tiên của thế kỷ 20 ấy, làng chài của tôi vẫn còn nghèo lắm. Cái nghèo và sự vất vả hằn lên trên những đôi chân trần nứt nẻ, những chiếc áo sờn cũ buột đường chỉ, những mâm cơm khi thừa cá mà thiếu cơm, khi lại có cơm mà chẳng có gì ngoài mấy con khô cá nằm chỏng chơ cong queo.

Mẹ tất bật những chuyến chợ, đồng tôm đồng cá, nhọc nhằn nuôi lớn ba chị em tôi. Cha tôi mất trong cơn bão khủng khiếp năm 1996, năm mà hơn sáu mươi hộ gia đình của Ngư Lộc cùng lúc mất đi trụ cột của gia đình.

Lúc ấy, tôi còn quá nhỏ, cùng mẹ và anh cả đi dọc bờ biển, cả bãi biển trắng xóa màu khăn tang. Rồi tìm miết cũng không thấy cha, đành lập cho cha bàn thờ vọng, mẹ và nội khóc cả một dòng sông…

Tôi nhớ mãi Tết năm anh cả vừa tròn 15 tuổi. Có kết quả đậu cấp 3 nhưng anh không đi học nữa, đòi ở nhà đi thuyền với chú. Mẹ khóc hoài, khuyên mãi mà anh không chịu, anh sợ mẹ không kham nổi, còn hai đứa em thơ, anh phải thay thế nhiệm vụ của cha.

15 tuổi, anh đen đúa, cao lêu nghêu bắt đầu theo chú đi những chuyến giã ngắn, rồi dần dần là những chuyến dài hơn. 15 tuổi, anh chững chạc, già dặn và ít nói. 15 tuổi, anh trở thành trụ cột chính của gia đình…

Tháng Chạp ấy lạnh buốt xương. Đứng trên đê gió thổi muốn xộc vào tận óc. Xóm chài nhỏ cũng bắt đầu rộn rã không khí ngày giáp Tết. Người ta bày bán những bắp cải thảo xoăn đậm, béo mập; những chú gà đánh nhau quang quác trong lồng.

Qua rằm, bắt đầu có lá dong gói bánh chưng, anh mua về cho mẹ 1 bó lá dong xanh ngắt, xâu thịt ba chỉ, chục cân gạo nếp cái thơm phức để chuẩn bị gói bánh. Anh còn mua về và thả ra sân 1 gà trống, 1 gà mái kêu cục cục khắp sân nhà.

Nhỏ em thích lắm, cứ ôm ấp vuốt ve hai chú gà từ sáng tinh mơ tới khi lên chuồng vẫn còn thấy quyến luyến. Mẹ bắt đầu lựa những con cá to, nạc thịt để nướng, bếp than lớn rực hồng, mỡ cá chảy xèo xèo, cả xóm thơm phức mùi cá nướng.

Những làn khói lam bay lên không trung, mềm mại như những dải lụa mềm, đưa hương thơm len lỏi, vấn vít. Chúng tôi ngồi quây quần quanh mẹ, nuốt nước bọt ừng ực, hít hà. Niềm hạnh phúc nhỏ bé là trong chiều đông tháng Chạp ấy, thưởng thức con cá nướng còn nóng hôi hổi, chẳng phải chấm gì hết mà ngon hơn mọi mỹ vị trên đời.

Tiễn ông Táo về chầu trời xong, mẹ chuẩn bị cho anh một ba lô đầy để anh ra khơi. Chuyến đi này qua mùng 10 tháng giêng mới về. Mẹ gàn anh, hay thôi, năm sau hẵng đi, năm nay con mới vào nghề, ăn Tết ở nhà thôi con.

Anh cười hiền, chuyến này mà được là đậm lắm mẹ, bán cho khách mua ăn Tết, có tiền về con mua thêm áo mới cho mẹ và lũ nhỏ mặc chơi tháng Giêng. Mẹ lấy vạt áo chấm mãi mà khóe mắt chẳng khô…

Ngày anh lên thuyền, mẹ bịn rịn dúi thêm cho anh mấy con cá nướng mẹ bọc trong nắm giấy báo cũ, túi mứt dừa mẹ hơ cháy xém mất một góc, bịch hạt bí nội tự phơi cho anh ăn Tết trên thuyền với anh em.

Chú an ủi mẹ, sảy cha còn chú đây, có em lo chị cứ yên tâm ở nhà lo Tết cho mấy đứa, trên thuyền mấy chú cháu anh em giao thừa chẳng thiếu thứ chi. Thuyền đi một quãng, tôi hét to, anh ơi, mau về dẫn em chơi nhún cây đu nhé. Sương mù dày đặc, chỉ thấy tay anh vẫy vẫy trong màn sương…

Giao thừa đầu tiên không có anh. Mẹ và nội bần thần vào rồi lại ra. Trong hương trầm thơm ảo, nghe nội lần rần khấn, xin tiên tổ phù hộ độ trì cho đích tôn ra khơi thuận buồm xuôi gió. Ngày ấy điện thoại cầm tay là một thứ xa xỉ, người nhà không có cách nào liên lạc với người trên thuyền.

Trên ti vi đã bắn pháo hoa nhưng hai đứa em không có tâm trạng nhìn ngó, nhớ lại Tết năm trước giao thừa ba anh em xúng xính quần áo mới, chìa tay nhận lì xì. Mẹ giục hai đứa đi ngủ sớm, còn mẹ bần thần, nhìn xa xăm vào biển đêm đen hun hút.

Sáng sớm mùng 10 thuyền của chú cập bến đầu tiên. Hai chị em tôi vui hơn Tết, chưa đợi thuyền neo, đã níu cái dây chão trèo lên trên thuyền bị chú quát ầm ầm. Bị quát mà hai đứa vẫn cười nhăn nhở. Hai đứa em, đứa níu tay, đứa ôm chân, hít hà cái vị mặn mòi thấm vào từng thớ áo. Mẹ ôm anh khóc huhu như đứa trẻ.

Chú bảo, trời ơi, năm mới khóc là dông đó nghe, năm nay ra quân thắng lợi lắm, thằng Hai lì xì to cho mẹ bây nha. Anh bế xốc thằng em nhỏ lên, đưa cho nó con ốc lấp lánh to chà bá. Rồi mãi mới thả được nó xuống, cùng chú khuân những mẹt cá tôm nặng trĩu lấp lánh lên bờ.

Dưng không lại thấy mùi Tết rõ ràng hơn bao giờ hết, theo chân anh tràn ngập mọi ngóc ngách của Diêm Phố…

Tôi đi lấy chồng xa vậy mà cũng đã mấy năm. Tết đến xuân về lại thấy nhớ ơi là nhớ mùi cá nướng thơm nồng mẹ mang cho anh lên thuyền ăn Tết năm ấy.

Thấy nợ anh cả một lời cảm ơn chân thành vì đã hi sinh cho hai đứa em ăn học thành người, thay cha là trụ cột gia đình đầu đội trời chân đạp đất. Lại thấy muốn chạy ngay về bên mẹ, hít hà gió biển, đón giao thừa Diêm Phố chan chứa tình thương…

980x320 (1)

Diễn đàn Tết xưa - Tết nay do báo Tuổi Trẻ tổ chức, với sự đồng hành của hệ thống bán lẻ FPT Shop và Hãng hàng không Vietjet Air.

Diễn đàn gồm các bài viết, bài dự thi của cuộc thi Tết xưa - Tết nay về những ký ức Tết xưa, khát vọng ngày xuân hay những khoảnh khắc sum họp, cảnh đẹp trên đường về quê đón Tết của bạn đọc.

Diễn đàn mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp, bài dự thi trên cả nước. Thời gian nhận bài từ ngày 15-1-2021 đến hết ngày 20-2-2021.

Cách thức tham gia:

Bài viết dự thi gửi đến theo 2 cách:

Gửi qua địa chỉ email: [email protected]

Gửi qua đường bưu điện theo địa chỉ: Báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Ngoài bì thư ghi rõ tham gia cuộc thi viết Tết xưa - Tết nay.

Bạn đọc vui lòng cung cấp địa chỉ, số tài khoản, số CMND để chúng tôi chuyển nhuận bút.

Các bài lọt vào vòng sơ kết sẽ được thông báo sau.

Cơ cấu giải thưởng:

• 1 giải nhất: 10 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Samsung A31 của FPT Shop; 02 vé khứ hồi G1 của Vietjet Air.

• 2 giải nhì: mỗi giải gồm 5 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Xiaomi Note 9 hoặc Oppo A53 của FPT Shop; 01 vé khứ hồi G1 của Vietjet Air.

• 3 giải ba: mỗi giải gồm 5 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Realme C12 hoặc VSmart Joy 4 hoặc Vivo Y20 của FPT Shop; mô hình máy bay Vietjet size lớn.

• 10 giải khuyến khích: mỗi giải gồm 2 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là sạc dự phòng UMETRAVEL 10.000 mAh của FPT Shop; mô hình máy bay Vietjet size nhỏ.

• 20 phần quà tặng dành cho bạn đọc trên mạng xã hội là: balô FPT Shop + voucher giảm 10% khi mua laptop tại hệ thống cửa hàng FPT Shop; gấu bông + túi du lịch Vietjet.

Lễ trao giải dự kiến diễn ra trước 28-2-2021.

Tết xưa - Tết nay: Cánh đàn ông xúm lại, đồng loạt hô "lên nêu" Tết xưa - Tết nay: Cánh đàn ông xúm lại, đồng loạt hô 'lên nêu'

TTO - Không biết người xưa đào hố thế nào, nhưng từ 23 đến ngày hạ nêu là mùng 7, cây nêu cao vọi ấy cứ đứng vững, ngạo nghễ cùng gió xuân. Còn cái mõ, gió thổi cái liễn bay phần phật thì mõ càng kêu vang. Đi xa ngoài đồng còn vọng tiếng lóc cóc.

HOÀNG NGỌC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên