01/02/2021 06:44 GMT+7

Tết xưa - Tết nay: Nhớ cái bong bóng lợn

SAO KHUÊ
SAO KHUÊ

TTO - Ngày Tết, lũ trẻ xúm quanh con quay tự đẽo bằng gỗ bạch đàn, xà cừ, vài quả pháo tép màu hồng, đứa nào sang thì mẹ mua cho con tò he xanh đỏ. Trong các món đồ chơi ngày Tết có một thứ đặc biệt không thể quên: trái bóng làm bằng bong bóng lợn.

Tết xưa - Tết nay: Nhớ cái bong bóng lợn - Ảnh 1.

Những ngày tết trẻ con chúng tôi được vui chơi thoải mái - Ảnh: MINH HẢI

Tôi cũng không hiểu từ khi nào và từ đâu người lớn có tục lệ làm bóng cho trẻ con chơi ngày Tết bằng cái bong bóng lợn, chỉ biết trong ý nghĩ rất hồn nhiên, trong trẻo của tuổi thơ tôi và lũ bạn đứa nào cũng cho rằng Tết mà không có cái bong bóng lợn để chơi thì chưa có Tết.

Cho nên, chờ đợi ngày nhà mổ lợn để lấy bong bóng lợn làm đồ chơi ngày Tết là cái thú đặc biệt mà bọn trẻ thời @, thời 4.0 bây giờ sẽ chẳng thể nào được "nếm trải" như lũ trẻ thời chúng tôi...

Chờ ngày đụng lợn

Năm nào cũng vậy, cứ đến hè bà nội và mẹ lại tìm mua giống và chăm chút nuôi một con lợn Tết. Thường là nuôi giống lợn đen, lùn (dân gian gọi là lợn Ỉ) vì giống lợn này thịt chắc, thơm ngon. Con lợn đó trong cảm nhận của tôi là quan trọng lắm! Bởi vì, cái gì thuộc về mua sắm Tết của gia đình cũng trông chờ vào nó.

Những ngày giáp Tết, mổ nó ra, nhà chỉ dám để lại vài cân thịt "ăn Tết", còn lại phải bán cho những người "đánh đụng" (bà nội hay dùng từ này, ý nói mấy người cùng chung mua thịt một con lợn) để mẹ lấy tiền mua mắm, muối, gạo nếp, gạo tẻ, lá gói bánh chưng, quần áo cho bọn trẻ chúng tôi diện Tết và trang trải trăm thứ khác...

Với tôi, suốt cả mấy tháng chờ Tết, chờ ngày mổ lợn tôi chỉ quan tâm đến cái bong bóng lợn. Mỗi lần theo mẹ ra ngó chuồng lợn, tôi luôn hỏi đi hỏi lại một câu hỏi nghe đến sốt ruột: bong bóng to bằng cái bát chưa? Mẹ cười, thơm má tôi, gõ nhẹ ngón tay lên cái trán dô bướng bỉnh của tôi rồi nói: to bằng cái đầu "cô" rồi đó!

Đúng hẹn, khoảng 28 đến 30 Tết, lợn kêu eng éc khắp làng. Bà nội và mẹ thường cho mổ lợn vào ngày 28 Tết. Ngày mổ lợn là ngày vui nhất của tôi trong năm, tôi cũng mắt nhắm mắt mở dậy từ tờ mờ sáng theo người lớn "làm thịt lợn", mục tiêu cuối cùng là "rình" lấy cái bong bóng lợn!

Mổ lợn Tết khiến cả nhà bận rộn, nhộn nhịp hẳn lên. Tôi đứng xem cậu mổ lợn vừa thích vừa sợ. Nhưng tất cả không trở thành vấn đề khi cậu tôi rút ra cái bong bóng lợn giống như cái túi, màu trắng đục, nhỏ như bàn tay tôi (khi đó là cô bé 5 tuổi).

Cậu cũng biết tôi háo hức chờ cái bong bóng nên cậu chưa đưa cho tôi mà cầm và giơ lên cao rồi nói lớn: cái này thuộc về ai ngoan nhỉ?

Mọi người thấy đều ồ lên: bong bóng kìa! Cậu vẫn chưa hạ tay xuống, tôi phải đánh đu người trên tay cậu, năn nỉ mãi cậu mới từ từ hạ tay xuống, cẩn thận đặt cái bong bóng vào lòng bàn hai bàn tay bé nhỏ chụm lại của tôi.

Từ phút có cái bong bóng, tôi gần như quên hết mọi chuyện khác mà chỉ để tâm vào việc làm bóng chơi ba ngày Tết.

Tết xưa - Tết nay: Nhớ cái bong bóng lợn - Ảnh 2.

Trò múa lân của đám trẻ con ngày tết - Ảnh: MINH HẢI

Cái bóng lợn mang tình yêu của bà nội

Công đoạn làm bóng tôi phải nhờ đến bà nội. Cả con lợn có mỗi một cái bong bóng mà làm hỏng là hết chơi Tết!

Cho nên tôi tin bà nội tôi nhất, mà bà tôi cũng biết tôi không thể tự làm được bóng nên năm nào bà cũng nói sau khi để tôi nâng niu cái bong bóng lợn nóng hổi trên tay một lát: nào, có ai nhờ bà làm bóng không nhỉ? Tôi liền chạy đến bà và giao lại cho bà cái bong bóng với tất cả sự tin cậy và hy vọng.

Bà tôi vào bếp lấy ra một bát tro bếp, sau đó bà đặt cái bong bóng trên mặt đất nhẵn và phủ tro lên, rồi vò sao cho lớp mỡ bạc nhạc dính ngoài cái bong bóng vón lại thành mảng và rơi rụng dần dần.

Bà nói: chịu khó làm lâu lâu cho mỏng vỏ ngoài của chiếc bong bóng thì thổi hơi vào sẽ căng bóng và bóng sẽ nổi vân, đẹp. Tôi ngồi nhìn theo tay bà không sót một cử chỉ nào. Sau khi vò tro thật kỹ, bong bóng lợn chỉ còn lớp da, bà cho nước xối thật sạch và phơi bóng lên sào tre trước sân nhà cho se se lại.

Tôi chỉ sợ nhỡ có ai "ăn trộm" mất bóng (hoặc nhỡ rơi xuống đất con Mực công đi mất thì toi!), vậy nên bắc ghế ngồi canh bên dưới.

Đến khi ăn cơm trưa, mọi người gọi, tôi vẫn không quan tâm, bà nội biết là có gọi mấy tôi cũng không vào ăn nên mang cho tôi bát cháo lòng mẹ nấu, mùi thơm dìu dịu của hành răm thái nhỏ quyện cùng hương gạo mùa mới, mấy miếng tim gan tươi rói phủ trên bề mặt khiến bát cháo lòng có sức quyến rũ đặc biệt.

Ngồi hít hà, thưởng thức bát cháo lòng sánh quyện, thơm lừng do mẹ nấu, háo hức ngắm cái bong bóng lợn lủng lẳng trên sào nứa sắp biến thành trái bóng đồ chơi bình dị nhưng phải chờ đợi cả năm trời mới có... kỷ niệm đó của tuổi thơ tôi như một giấc mơ thần tiên, đi theo suốt cuộc đời...

Mấy chục năm qua, thời gian đã mang bà nội tôi đã đi xa mãi nhưng cảm giác yêu thương, đầm ấm mà bà và mẹ dành cho tôi vẫn khiến lòng tôi xao xuyến rưng rưng hạnh phúc. Càng ngày tôi càng hiểu, vì sao hồi đó mình và bao đứa trẻ khác thích và trân quý cái bong bóng lợn đến thế?

Dường như ẩn trong thứ đồ chơi bình dị đó là cả một bầu trời yêu thương mà người lớn dành cho con trẻ.

Trở lại chuyện làm bong bóng lợn, sau khi phơi cho bong bóng hơi se se lại, bà nội lấy một đoạn thân lau mọc ngoài bờ rào vườn rau, cắt vát một đầu, lồng vào cuống bong bóng, phồng má thổi, sau mấy hơi dài cố sức bà đã khiến quả bóng phình lên hết cỡ, to ước chừng bằng đầu tôi hồi đó.

Bà rút đoạn thân lau ra khỏi cuống quả bóng, lấy dây chỉ cuốn nhiều vòng, buộc thắt nút thật chắc cuống bóng để hơi không thể xì ra, lấy đoạn dây len gai màu đỏ buộc "con giò" một vòng nữa, để dài đoạn dây lòng thòng ở cuống quả bóng đủ tầm tay cho tôi xách bóng tung tăng.

Bà áp quả bóng vào má tôi, cảm giác mát mát, êm êm, bà bảo: con búng tay vào nghe thử! Tôi búng mấy ngón tay hổng hổng xinh xinh vào bóng thấy kêu bing bing rất thú vị, tôi xách bóng đi khoe mọi người, và với tôi Tết chính là niềm hân hoan xách trên tay trái bóng có sợi len gai màu đỏ...

Bọn trẻ xóm tôi năm nào cũng ghen tỵ vì tôi có trái bóng đẹp. Chúng nó cũng có bong bóng lợn nhưng không hiểu sao bóng không đẹp như quả bóng bà nội làm cho tôi? Tôi coi trái bóng như báu vật, rất sợ nó bị thủng, bị xì hơi nên không muốn ai chạm đến nó, nâng niu nó y như "nâng trứng".

Tôi không dùng bóng để đá đi, đá lại như mấy thằng con trai nghịch ngợm; thường là sau khi xách đi chơi, đi khoe bọn trẻ khắp xóm, tôi mang bóng về treo lên chỗ mà khi nằm ngủ tôi vẫn có thể nhìn thấy nó đang lửng lơ trước mắt. Giấc ngủ ùa đến, tôi thường thấy từ trái bóng tỏa ánh cầu vồng lấp lánh, lung linh sắc màu rực rỡ...

Mấy ngày Tết qua đi, quả bóng se lại, nhỏ dần đi và xẹp hơi, nó trở thành một miếng da khô, tôi mân mê miếng da, tần ngần, lưu luyến như lưu luyến mấy ngày Tết thật vui vẻ, hạnh phúc.

Bà tôi lại giúp tôi tiếp tục được chơi bong bóng bằng cách mang cắt nó ra và bưng lên mặt cái ống bơ sữa bò thường ngày dùng để đong gạo nấu cơm, bà làm thành cái trống nhỏ cho tôi.

Cứ như vậy, mỗi năm mới đến, sau Tết cái bong bóng lợn còn theo tuổi thơ tôi suốt tháng Giêng, Hai. Tôi chỉ ngậm ngùi tiếc nuối rời xa nó khi nó chỉ còn là miếng da khô xác, quắt queo...

Mùa hè đến, bà và mẹ lại chọn giống nuôi một con lợn Tết khác, tôi lại ngày ngày đếm từng giọt thời gian rơi rơi, mong chờ thời khắc cuối năm được nghe tiếng lợn kêu eng éc với tất cả hy vọng, háo hức, trong trẻo hồn nhiên của tuổi thơ...

Để rồi qua bao mùa xuân, trên hành trình cuộc sống, dẫu có đi đâu đó thật xa, chốn phù hoa có rất nhiều quả bong bóng màu muôn hồng ngàn tía, thì hồn vía tôi vẫn neo lại Tết xưa và cái bong bóng lợn...

Tính đến 24h ngày 31-1, sau 18 ngày phát động, đã có 703 bài dự thi gửi đến tham gia diễn đàn Tết xưa - Tết nay do báo Tuổi Trẻ tổ chức, với sự đồng hành của hệ thống bán lẻ FPT Shop và Hãng hàng không Vietjet Air.

Tuổi Trẻ Online chân thành cảm ơn các bạn đọc sau đã email gửi bài dự thi đến địa chỉ [email protected]:

Ngày 29-1: Đinh Tuấn Đào, Tam TranVan, Lục Quang, Huỳnh Bảo Trân, Hậu Nguyễn, Tuấn Ngô, Duy Buu, Đương Nguyễn Thị, Trục Nguyen, HS Makerting, Tran Quang Dau, Hoang Uyen Tran, Trịnh Nguyễn Thanh Tâm, Thi Minh, Thanh Tran Dinh, Vũ Thu Hà, Vi Tran Tuong, Le Linh, Co Sanh, Khánh Linh Phạm, Thị Mai Hiên Lê, Le Long, Yen Pham, Thu Hằng Nguyễn, Thu Trang Nguyễn, Lưu Hồ, Nhi Trần Hoàng, Thu Hương Nguyễn, Thu Hien, Phan Huy Thùy, Hồng Tuyền, Nhung Lê Thị, Nguyễn Lan Diệu Thảo, Thị Tuyết Phan, Iris Hnhi.

Ngày 30-1: Thị Mai Hiên Lê, Mai Huynh, Mỹ Liên Phạm, Tam TranVan, Mai Đào, Huỳnh Bảo Trân, Duong Van Giau, Sơn Tùng, Thi Hoa Nguyen, Quang Loc Vo, Thị Hà Yến Lê, Hoàng Uyên, Hoa Nguyễn, Lan Pham, Luan Van, Hoàng Trinh, Duy Huynh, Sơn Lê, Tâm Nguyễn Thị Bằng, Minh Thịnh Trần, Vũ Thu Hà, Huu Nhan Nguyen, Phan Quynh Dao, Thủy Vũ.

Ngày 31-1: Yen Bui, Trần Hà My, Bảo Tống, Thu Hằng Chử, Duy Tran, Pi Math, Cuong Kim, Nguyen NgaiHuu, Hoang Yen Tran, Trần Hoài Phương, Nguyen Van Vinh, Thinh Lam, Hoang Uyen Tran, Chieu Bui, Kiều Linh Nguyễn, Nghĩa Đoàn Ngọc, Nguyen Thi Thuy Huong, Tấn Thành Nguyễn, Huu Nhan Nguyen, Kiều Linh Nguyễn, Nghĩa Đoàn Ngọc, Nguyen Thi Thuy Huong, Tấn Thành Nguyễn, huu nhan nguyen, Nhung Đặng.

980x320 (1)

Diễn đàn Tết xưa - Tết nay do báo Tuổi Trẻ tổ chức, với sự đồng hành của hệ thống bán lẻ FPT Shop và Hãng hàng không Vietjet Air.

Diễn đàn gồm các bài viết, bài dự thi của cuộc thi Tết xưa - Tết nay về những ký ức Tết xưa, khát vọng ngày xuân hay những khoảnh khắc sum họp, cảnh đẹp trên đường về quê đón Tết của bạn đọc.

Diễn đàn mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp, bài dự thi trên cả nước. Thời gian nhận bài từ ngày 15-1-2021 đến hết ngày 20-2-2021.

Cách thức tham gia:

Bài viết dự thi gửi đến theo 2 cách:

Gửi qua địa chỉ email: [email protected]

Gửi qua đường bưu điện theo địa chỉ: Báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Ngoài bì thư ghi rõ tham gia cuộc thi viết Tết xưa - Tết nay.

Bạn đọc vui lòng cung cấp địa chỉ, số tài khoản, số CMND để chúng tôi chuyển nhuận bút.

Các bài lọt vào vòng sơ kết sẽ được thông báo sau.

Cơ cấu giải thưởng:

• 1 giải nhất: 10 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Samsung A31 của FPT Shop; 02 vé khứ hồi G1 của Vietjet Air.

• 2 giải nhì: mỗi giải gồm 5 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Xiaomi Note 9 hoặc Oppo A53 của FPT Shop; 01 vé khứ hồi G1 của Vietjet Air.

• 3 giải ba: mỗi giải gồm 5 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Realme C12 hoặc VSmart Joy 4 hoặc Vivo Y20 của FPT Shop; mô hình máy bay Vietjet size lớn.

• 10 giải khuyến khích: mỗi giải gồm 2 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là sạc dự phòng UMETRAVEL 10.000 mAh của FPT Shop; mô hình máy bay Vietjet size nhỏ.

• 20 phần quà tặng dành cho bạn đọc trên mạng xã hội là: balô FPT Shop + voucher giảm 10% khi mua laptop tại hệ thống cửa hàng FPT Shop; gấu bông + túi du lịch Vietjet.

Lễ trao giải dự kiến diễn ra trước 28-2-2021.

Tết xưa - Tết nay: Ngày tết, bàn thờ nhà nhà xứ Quảng đều dâng cặp bánh tổ Tết xưa - Tết nay: Ngày tết, bàn thờ nhà nhà xứ Quảng đều dâng cặp bánh tổ

TTO - Tết ngày xưa ở quê nghèo ngoài bánh tét, bánh in, không thể thiếu bánh tổ. Hắn nhớ ba, mẹ luôn để dành 1 sào ruộng chỉ để trồng nếp để làm bánh tét và bánh tổ ngày tết. Nếp làm bánh tổ phải là nếp An Bầu hạt to, trắng đục và mùi thơm ngào ngạt.

SAO KHUÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên