30/01/2021 07:47 GMT+7

Tết xưa -Tết nay: 'Mẹ ơi, hăm sáu con về'

TRƯƠNG THỊ CHUNG
TRƯƠNG THỊ CHUNG

TTO - Cuộc điện thoại giữa chiều của mẹ làm lòng tôi chùng xuống, tôi thấy có lỗi với mẹ quá, muốn gọi lại nói gì đó với mẹ, nhưng vẫn chưa biết lịch nghỉ Tết thế nào, nói rồi lỡ không về được như những năm trước, sợ mẹ ngóng rồi lại thêm buồn.

Tết xưa -Tết nay: Mẹ ơi, hăm sáu con về - Ảnh 1.

Qua rằm tháng chạp căn bếp mẹ đỏ lửa nhiều hơn. Ở đó, mẹ nấu những bữa cơm nóng hổi cho chị em tôi sau khi tan trường, cho ba sau buổi cày đồng vất vả - Ảnh: QUÂN NAM

- Năm ni về không con?

- Dạ con chưa tính, còn cả tháng nữa mới Tết mà mẹ!

Giọng mẹ ngậm ngùi khi nghe tôi trả lời "con vẫn chưa tính!".

Cuộc điện thoại giữa chiều của mẹ làm lòng tôi chùng xuống, tôi thấy có lỗi với mẹ quá, muốn gọi lại nói gì đó với mẹ, nhưng vẫn chưa biết lịch nghỉ Tết thế nào, nói rồi lỡ không về được như những năm trước, sợ mẹ ngóng rồi lại thêm buồn.

Tôi ngẩn người nhìn dòng người qua lại trước mặt mình. Quán tạp hóa cạnh nhà tôi từ bao giờ đã bày biện thêm các kệ hàng phía trước sân, toàn những mặt hàng phục vụ Tết. Có lẽ, tại tôi lơ đễnh không nhớ ngày nhớ tháng chứ chẳng phải "Tết còn lâu mới tới".

Tháng Chạp rồi. Tầm này ở quê đi đâu cũng đã nghe người ta nhắc đến Tết. "Thằng San Tết có về không?" " Ngày mấy con Mai về!" " Hai tám thì muộn quá nhỉ, nhưng về được là vui rồi!"…

Thì ngày bé tôi mà chẳng đếm ngược từng ngày để chờ ngày dì Năm từ Sài Gòn về đó sao?

Tháng Chạp quê căm căm gió rét

Mẹ chờ trời hửng nắng mang chăn, chiếu, mùng, màn… ra giặt. Ba chất thêm củi lên chạn bếp, chiều chiều tranh thủ ra ao lấy thêm ít cỏ rong về thả xuống hồ cho mẻ cá Tết.

Mẹ ra nhà sau ngó nghiêng cặp mía đã cột làm dấu để lũ trẻ chúng tôi biết đó là mía để dành cho Tết, bóc những tàu lá đã khô rũ xuống cho thân mía lộ ra thêm vàng, bóng mướt, để lũ sâu không ẩn nấp bên dưới đục vào thân mía.

Tết đến, trên bàn thờ tổ tiên của gia đình tôi bao giờ ba cũng trưng một cặp mía, mỗi cây cột vào một bên chân bàn thờ. Mía để dành cho Tết được mẹ chọn lựa kỹ từ trước, đó là cây mía to, thẳng, đều lóng, không sâu.

Có lần tôi thắc mắc, tại sao quê mình Tết hay cúng mía? Ba bảo, thân mía chắc mà ngọt, cúng mía là cầu mong cho năm mới mọi sự trôi chảy và vững chãi, mía cũng tượng trưng cho sự kết nối âm - dương, giao hòa đất - trời.

Lá mía tượng trưng cho mây, trời. Gốc rễ tượng trưng cho đất đai, nguồn cội. Lóng mía là những nấc thang nối liền âm - dương, trời - đất dẫn đón linh hồn tổ tiên về sum vầy với con cháu trong những ngày Tết.

Tết xưa -Tết nay: Mẹ ơi, hăm sáu con về - Ảnh 2.

Tại sao quê mình Tết hay cúng mía? Ba bảo thân mía chắc mà ngọt, cúng mía là cầu mong cho năm mới mọi sự trôi chảy và vững chãi - Ảnh: QUÂN NAM

Qua rằm tháng Chạp, căn bếp mẹ đỏ lửa nhiều hơn

Căn bếp nhà tôi là cái chái nhỏ nối liền với nhà ba gian, ở đó cất đủ mọi thứ, từ đôi quang gánh, cái cuốc, cái xẻng… đi làm đồng của ba mẹ, đến chiếc tổ của con gà mái ấp trứng. Cạnh bếp bao giờ cũng có mấy chiếc giống con treo lủng lẳng, mẹ thường cho đồ ăn lên đấy để mèo khỏi ăn vụng.

Căn bếp dù nhỏ và đơn sơ nhưng có bàn tay mẹ lúc nào cũng gọn gàng, ấm cúng. Những buổi tối tháng Chạp mẹ cời than, ngồi gọt cả rổ gừng bự để sên mứt. Tôi phụ mẹ, vừa sưởi ấm, thi thoảng hơ bàn tay lên than rồi áp lên má cho ấm. Mùi gừng cay nồng phả vào hơi lửa, ấm cả gian bếp.

Trong lúc ba mẹ con gọt gừng thì ba soạn bộ lư đồng trên bàn thờ nội, tranh thủ lau chùi lại cho bóng. Ba cắt miếng da trâu treo trên bếp từ bận trước, cạo rửa sạch bồ hóng, cho vào bếp nướng, chia cho chị em tôi mỗi đứa một miếng.

Da trâu treo bếp, nướng ăn thì ngon thôi rồi! Đó là món ba để dành để Tết tiếp mấy chú bạn nhậu cùng xóm, ba bảo, Tết đến nhà nào cũng thịt heo, cá kho, nhà mình da trâu gác bếp cho khác chút.

Tết đến, nhà tôi bao giờ cũng gói rất nhiều bánh chưng, chị em tôi thích thú ngồi lau những chiếc lá dong phụ ba. Đêm đến chẳng đứa nào chịu đi ngủ, cứ ngồi cạnh bếp nghe tiếng sùng sục phát ra từ nồi bánh.

Em tôi thỏ thẻ "mai là Tết rồi chị nhỉ!". Chao ôi, cái từ ngày mai ấy sao thường ngày thì nó nhanh mà Tết nó lâu đến thế, thiêng liêng đến thế. Chỉ ngày mai thôi là đã thành cũ - mới.

Nhẩm tính cũng đã bốn cái Tết rồi chưa về với mẹ. Cuộc sống cứ cuốn tôi vào những công việc, bộn bề con dại, vậy nên hai chữ "về quê" sao mà xa ngái quá!

Năm nay vợ chồng con gái bác có về không?

Cũng mấy năm rồi chúng nó không về nhỉ!

Tôi tiếng cô Chiến hàng xóm hỏi mẹ vọng vào điện thoại. Mẹ cười cười trả lời cô Chiến "chúng nó còn con dại". Tôi hình dung đôi mắt mẹ buồn mong ngóng. Giá mà, tôi có thể về ngay với mẹ!

Quanh tôi, dòng người vẫn tấp nập xuôi ngược, phố nơi tôi sống không thấy khói bếp mỗi sớm mai và chiều về, người ta cũng không chưng cây mía lên bàn thờ tổ tiên, Tết cũng không cần phải sắm sửa tất bật từ đầu tháng, thời buổi công nghệ, chỉ cần lướt Facebook chốt đơn là có người mang đến tận nhà không thiếu thứ gì. Tiện và gọn lắm.

Ấy thế mà tôi lại ước mình bé lại để thoải mái sà vào lòng mẹ, cùng mẹ gọt gừng sên mứt bên bếp lửa đầy than ấm của tháng Chạp xưa cũ.

Chồng tôi nhắn "năm nay anh còn mười ngày phép, được nghỉ dịp Tết, mình về quê nhé!".

Chỉ có thế thôi mà nước mắt tôi trào chảy. Tôi gọi ngay cho mẹ "mẹ ơi, hai sáu con về!".

980x320 (1)

Diễn đàn Tết xưa - Tết nay do báo Tuổi Trẻ tổ chức, với sự đồng hành của hệ thống bán lẻ FPT Shop và Hãng hàng không Vietjet Air.

Diễn đàn gồm các bài viết, bài dự thi của cuộc thi Tết xưa - Tết nay về những ký ức Tết xưa, khát vọng ngày xuân hay những khoảnh khắc sum họp, cảnh đẹp trên đường về quê đón Tết của bạn đọc.

Diễn đàn mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp, bài dự thi trên cả nước. Thời gian nhận bài từ ngày 15-1-2021 đến hết ngày 20-2-2021.

Cách thức tham gia:

Bài viết dự thi gửi đến theo 2 cách:

Gửi qua địa chỉ email: [email protected]

Gửi qua đường bưu điện theo địa chỉ: Báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Ngoài bì thư ghi rõ tham gia cuộc thi viết Tết xưa - Tết nay.

Bạn đọc vui lòng cung cấp địa chỉ, số tài khoản, số CMND để chúng tôi chuyển nhuận bút.

Các bài lọt vào vòng sơ kết sẽ được thông báo sau.

Cơ cấu giải thưởng:

• 1 giải nhất: 10 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Samsung A31 của FPT Shop; 02 vé khứ hồi G1 của Vietjet Air.

• 2 giải nhì: mỗi giải gồm 5 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Xiaomi Note 9 hoặc Oppo A53 của FPT Shop; 01 vé khứ hồi G1 của Vietjet Air.

• 3 giải ba: mỗi giải gồm 5 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Realme C12 hoặc VSmart Joy 4 hoặc Vivo Y20 của FPT Shop; mô hình máy bay Vietjet size lớn.

• 10 giải khuyến khích: mỗi giải gồm 2 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là sạc dự phòng UMETRAVEL 10.000 mAh của FPT Shop; mô hình máy bay Vietjet size nhỏ.

• 20 phần quà tặng dành cho bạn đọc trên mạng xã hội là: balô FPT Shop + voucher giảm 10% khi mua laptop tại hệ thống cửa hàng FPT Shop; gấu bông + túi du lịch Vietjet.

Lễ trao giải dự kiến diễn ra trước 28-2-2021.

Tết xưa - Tết nay: Chuyến đi đầu năm nay, tôi chọn… về nhà Tết xưa - Tết nay: Chuyến đi đầu năm nay, tôi chọn… về nhà

TTO - Cứ nghĩ thay vì kéo nhau về Tết nội, Tết ngoại, gom tiền gửi về để nhà mình thêm món ngon. Cũng vì nghĩ đơn giản mà đôi lúc thấy lòng chông chênh khi người nhà gọi hỏi "Tết không về thiệt sao?". Lúc đó mới biết mình làm người thương chạnh lòng.

TRƯƠNG THỊ CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên