Chợ quê những ngày giáp tết - Ảnh: HẢI QUỐC
Với những người con tha hương như chúng tôi, tết là để trở về tận hưởng không khí mùa xuân, tận hưởng sự yêu thương đùm bọc của gia đình cho vơi bớt những nhọc nhằn của một năm bộn bề nơi xứ người. Vậy nên, mỗi cuộc trở về đối với tôi luôn là một cuộc bay về miền cổ tích.
Một góc của hồn quê
Tôi vốn sinh ra và lớn lên ở thị xã nhưng lại mê các đặc sản dân dã nên mỗi lần về thăm mẹ, tôi luôn chọn cách lân la những quán hàng đơn sơ thúng mẹt.
Với tôi, đó là một góc của hồn quê. Cha mẹ tôi vốn gốc gác nông thôn ra thành phố làm việc và sinh ra tôi, có lẽ vì thế mà cái gốc nông thôn đã gắn với tôi từ ngày còn trong nôi.
Gọi là thành phố chứ thực ra từ nhà tôi về quê xa độ bảy, tám cây số gì đó, tuy gần mà xa, tuy xa mà lại rất gần. Ngày ấy trên chiếc xe phượng hoàng đã mòn cả hộp xích, mỗi vòng xích quay, chiếc xe phát ra những âm thanh loẹt xoẹt.
Đó là tiếng xích xe cọ vào hộp xích, chiếc hộp hoen gỉ đã thủng ra một mảng to ở chỗ xích hay cọ vào. Chiếc xe cũ mèm khiến quãng đường bảy, tám cây trở lên thật xa. Ngồi phía sau cha, tôi chỉ thấy tấm lưng cha cong cong, dáng cha nhấp nhổm trên yên xe.
Nhưng quãng đường đó chưa bao giờ là xa với chúng tôi, bởi ở giữa quãng đường là chợ quê. Mỗi lần ngang qua, cha mẹ đều dừng lại ở chợ, mua thức ăn mang về biếu ông bà.
Chợ quê trong năm đã tấp nập, những ngày tết lại càng tấp nập hơn. Bởi đó là thời khắc duy nhất của năm người ta sống an nhiên hưởng lạc. Và với người dân quê, chợ chính là nơi bắt nguồn của mọi thú vui hưởng lạc.
Giây phút hào quang nhất của người nông dân
Chợ quê của tôi mang tên chợ Thông, nằm tại xã Hòa Bình, huyện Vũ Thư, là chợ phiên nổi tiếng của vùng. Mỗi tháng khoảng chục phiên họp từ tờ mờ sáng cho đến khi mặt trời đứng bóng thì tan. Vào những ngày cuối năm, chợ họp nhiều phiên hơn để đáp ứng nhu cầu mua bán và chơi xuân của người dân.
Giống như mọi chợ quê khác, chợ quê tôi ngày đó mang trong mình cả một tâm hồn quê đơn sơ. Ở một khoảng trống hơn mười nghìn mét vuông, chợ được dựng ngay trên nền đất với vài dãy hàng mái tranh, mái lá.
Những ngày cuối năm, thời tiết hay mưa phùn, nền đất trở lên lầy lội và đượm mùi gia cầm. Với tôi, đó chính là những dấu ấn đượm hồn quê nhất. Những bà, những mẹ áo tơi, nón lá, thu lu người trong những khoảng đất bé tí mặc cho bùn bám bết vào người.
Những chỗ cao ráo và sạch sẽ được dùng để bày sạp hàng sao cho bắt mắt người mua. Những cây quất, cây đào được người dân chở đến từ xã Bách Thuận, một xã có truyền thống trồng cây cảnh cách chợ vài cây số.
Từ tờ mờ sáng, những chuyến xe thồ tấp nập, mỗi bên sọt được chứa vài gốc đào, quất, hay những thứ hoa chơi tết khác. Đến chợ, người bán nhấc cây ra khỏi sọt, tháo dây chằng. Những tán quất bung xòe, những quả quất nho nhỏ xinh xinh màu cam bật ra từ tán cây, óng ánh mượt mà.
Người bán cứ để các gốc cây nguyên như khi vừa đào ở vườn lên, thêm một lớp giấy bóng chằng bên ngoài để giữ cho vồng đất quanh rễ cây không bị vỡ. Để như thế cho người mua dễ chọn lựa. Các chậu trồng cây được trưng bày lùi về phía sau.
Thường thì người mua sẽ đi vòng một lượt, xem xét thật kỹ mọi gốc cây, ngắm nghía từng quả quất. Chỉ khi người mua ồ lên trước một cái cây nào đó, người bán sẽ hiểu rằng người mua đang chấm" cái cây đó.
Cha thường bảo đó là giây phút hào quang nhất của người nông dân. Những người mua trầm trồ trước vẻ đẹp của cây, chính là cái công của người lao động đã được thừa nhận.
Ôi chao, những vị chân chất
Nhưng hồi đó, cái bụng con nít của tôi không để ý nhiều đến những gốc đào, gốc quất, tất cả những thứ khiến tôi háo hức chính là những món quà chợ.
Quà chợ rất đơn sơ, bánh đúc xắt miếng vuông bằng bao diêm, lá bánh cuốn mỏng tang thơm phức mùi hành phi ngấm đủ vị nước mắm, bát bún ốc lõng bõng hoa chuối thái rối với vài ba ruột ốc...
Ôi chao, những vị chân chất, quê mùa đượm những hương vị rất riêng. Chỉ cần đi từ đầu đến cuối chợ, người ta có thể tìm ra bất cứ thứ gì: con dao, cái thớt, trầu cau, chè khô, nấm hương, mộc nhĩ, lá dong, giấy tiền, nón lá... quần áo và giày dép, toàn những mặt hàng hợp túi tiền người dân quê.
Và tất nhiên không thể thiếu chiếc chiếu cói, sản phẩm truyền thống của quê tôi. Mẹ bảo cả năm nằm chiếu rách cũng không khiến người ta phiền lòng bằng việc đón khách ngày tết trên chiếc chiếu không lành lặn. Vì thế, ngoài những quầy hàng nhu yếu phẩm tết, quầy chiếu cói luôn nhộn nhịp người ra vào.
Chợ quê những ngày giáp tết - Ảnh: HẢI QUỐC
Và tôi, mỗi lần được cha mẹ thả ra cho mặc sức vui chơi, lại sà vào bất cứ chiếc mẹt nào có đồ ăn được bày ra. Người dân quê chân chất, đến mẹt hàng cũng chân chất. Những hàng hóa đơn giản được bày trực tiếp lên một chiếc mẹt đan bằng tre nứa.
Chiếc mẹt được đặt trên một chiếc thúng cũng đan bằng tre nứa. Bên trong chiếc thúng đó là phần hàng hóa để bán dần dần. Ở những quán ăn vặt, bát nước chấm bao giờ cũng được đặt ở giữa.
Nếu ai không muốn ăn trực tiếp ở chợ, người ta có thể gói về. Gói hàng thường được bọc trong lớp lá chuối tươi, được buộc lại bằng những sợi rơm bện xoáy ở đầu để giữ cho gói hàng không bị bung ra.
Không có nơi nào đầy đủ bằng chợ, nhất là chợ Tết
Chợ quê ngày tết chỉ có bấy nhiêu thôi nhưng nó luôn thôi thúc tôi trở về. Sau này khi đã đi qua rất nhiều khung trời tôi mới hiểu ra rằng ở bất cứ vùng đất nào trên thế giới đều tồn tại những phiên chợ quê, kể cả những thành phố xa hoa tráng lệ nhất như Paris hay New York.
Hằng tuần hay mỗi tháng, cứ đến hẹn lại lên các phiên chợ lại được bày ra. Giống như ở quê tôi, những mặt hàng được bày trực tiếp lên những tấm phản sao cho bắt mắt người qua. Ở một góc này hay một góc kia, những hàng ăn, chủ yếu là đặc sản của vùng được người bán đặt ra đầu tiên để lôi kéo những vị khách háu đói và tò mò nhất.
Những món ăn được ăn ngay tại chỗ, trong những chiếc đĩa giấy, không khác gì những chiếc lá chuối gói hàng ở quê tôi. Ngoài hàng ăn, chợ còn cơ man những hàng hóa khác, từ cái kim sợi chỉ, nước hoa, hóa mỹ phẩm, cái bát, cái chén, dao, thớt, cà phê... quần áo, giày dép giá rẻ.
Và tất nhiên, chợ nào cũng có hàng hóa rất riêng, đó chính là những đặc sản và những sản phẩm đặc trưng của vùng đất đó.
Trong một cuộc hội thảo về văn hóa, tôi có làm quen được một nhà dân tộc học, ông bảo tôi muốn biết được văn hóa địa phương nơi ta đến, không có nơi nào đầy đủ bằng chợ, nhất là chợ tết. Chỉ cần đặt chân vào chợ, bạn có thể xây dựng cho mình những ý niệm ban đầu về nền văn hóa và truyền thống nơi đó.
Năm nay do đại dịch COVID-19, tôi sẽ không thể trở về quê hương. Để vơi đi những nỗi nhớ nhà, ngay từ tháng 12 tôi đã lân la ở các phiên chợ Noel để tận hưởng không khí lễ tết.
Dù không phải là chợ Thông của quê tôi, nhưng dẫu thế ở bất cứ nơi nào trên thế giới, chợ tết vẫn mãi là một nét văn hóa dân gian chung của nhân loại không mai một theo thời gian.
Diễn đàn Tết xưa - Tết nay do báo Tuổi Trẻ tổ chức, với sự đồng hành của hệ thống bán lẻ FPT Shop và Hãng hàng không Vietjet Air.
Diễn đàn gồm các bài viết, bài dự thi của cuộc thi Tết xưa - Tết nay về những ký ức Tết xưa, khát vọng ngày xuân hay những khoảnh khắc sum họp, cảnh đẹp trên đường về quê đón Tết của bạn đọc.
Diễn đàn mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp, bài dự thi trên cả nước. Thời gian nhận bài từ ngày 15-1-2021 đến hết ngày 20-2-2021.
Cách thức tham gia:
Bài viết dự thi gửi đến theo 2 cách:
Gửi qua địa chỉ email: [email protected]
Gửi qua đường bưu điện theo địa chỉ: Báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Ngoài bì thư ghi rõ tham gia cuộc thi viết Tết xưa - Tết nay.
Bạn đọc vui lòng cung cấp địa chỉ, số tài khoản, số CMND để chúng tôi chuyển nhuận bút.
Các bài lọt vào vòng sơ kết sẽ được thông báo sau.
Cơ cấu giải thưởng:
• 1 giải nhất: 10 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Samsung A31 của FPT Shop; 02 vé khứ hồi G1 của Vietjet Air.
• 2 giải nhì: mỗi giải gồm 5 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Xiaomi Note 9 hoặc Oppo A53 của FPT Shop; 01 vé khứ hồi G1 của Vietjet Air.
• 3 giải ba: mỗi giải gồm 5 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Realme C12 hoặc VSmart Joy 4 hoặc Vivo Y20 của FPT Shop; mô hình máy bay Vietjet size lớn.
• 10 giải khuyến khích: mỗi giải gồm 2 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là sạc dự phòng UMETRAVEL 10.000 mAh của FPT Shop; mô hình máy bay Vietjet size nhỏ.
• 20 phần quà tặng dành cho bạn đọc trên mạng xã hội là: balô FPT Shop + voucher giảm 10% khi mua laptop tại hệ thống cửa hàng FPT Shop; gấu bông + túi du lịch Vietjet.
Lễ trao giải dự kiến diễn ra trước 28-2-2021.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận