Ảnh: PHẠM VĂN HƯƠNG
"Ngày thì nắng gió/ Đêm thì chó tru/ Rắn nẹp nưa gây oán gây thù/ Gai chùm lé làm hung làm dữ"… Quê tôi Phan Rang - cổ thành Panduranga, khắc nghiệt như hứng chịu ẩn ức từ trăm năm vọng lại.
Chỉ có một ít mưa vào tháng chín, tháng mười âm lịch. Ba lăn mấy chiếc khạp to để trước hiên nhà hứng nước. Thứ nước từ trời, má đem lọc qua bằng một tấm vải trắng, đóng nắp khạp cẩn thận, trữ dùng cho ba ngày Tết.
Từ khi hàng xóm bán rẫy táo cho người khác, người khác lại phá rẫy đào đìa, dẫn nước mặn nuôi tôm, mạch nước ngọt của cái giếng bên hông nhà đã không còn nữa. Nhớ một Tết năm nào xa lắc, ba má gom góp đủ tiền đào giếng.
Đào sâu đến mười bi, mạch vỡ, nước ùng ục chảy tràn. Thợ đào giếng hớp một ngụm đục ngầu bùn đất, nói như reo: "Anh chị ơi, nước ngọt rồi, nước ngọt rồi". Năm đó, đêm trừ tịch, ba kéo từng gàu nước ngọt lành, châm vào nồi bánh tét đang sôi ùng ục.
Ba ngồi chụm lửa, chiếc bóng lẻ loi in trên thành giếng. Tôi ngồi thao thức trong nhà, ngó tấm lưng đơn bạc của ba chông chênh trong gió rú. Những Tết gần đây, những Tết xa xưa hơn nữa, cũng tấm lưng to rộng này cặm cụi giặt mền, chiếu gối, dựng lại cửa, cột hàng rào, đánh vecni… Khắp nếp nhà, chỗ nào cũng có tấm lưng ba cần mẫn.
Tết quê báo hiệu bằng những cơn gió dữ, lạnh buốt, sắt se. Càng gần Chạp, gió càng cuồng loạn, ráo riết. Gió thổi tung nóc, và cái nghèo phô diễn trên những mái nhà được vá tạm bằng bạt nilon. Nhà tôi cũng vá.
Ba đứng chông chênh trên chiếc thang tre, gồng tay ràng rịt dây thừng, đóng đinh dù dằn lại mấy tấm bạt. Tôi ngồi chồm hổm dưới đất, nhìn lưng ba cao vời thấp thỏm, ba ngó xuống cười tin cậy: "Không sao đâu".
Hai bốn sửa mái nhà, hai lăm dậy sớm vác cuốc đi tiết thanh minh, hai sáu giặt mùng mền, hai bảy chà chân đèn… Ba miên mải bao nhiêu mùa, đôi tay vững chãi cứ thế níu ghì nếp Tết. "Chà chân đèn thì phải dùng lá thơm dại, chà bằng thuốc với máy riết, mòn hết"…
Nên rất nhiều buổi trưa của rất nhiều năm về trước, ở một miền xa vắng, tôi ngồi yên sau xe đạp, đằng trước, ba gò lưng đạp qua cơn gió ngược. Ba muốn đến động cát, tìm cắt lá dứa dại. Đường quê, toàn cát trắng, hai bên mọc xương rồng lê gai cứng nhọn đến ghê răng.
Bụi là là như khói, quẩn quanh dưới những vòng xe, cũng loài xương rồng ấy, nở thứ hoa đỏ au như máu, đẹp đẽ đến kì dị. Khói nắng biến tất cả thành ảo cảnh, tiếng ba lạc đi trong gió: "Ba thấy bụi dứa rồi, vịn chắc khéo té nghe".
Dứa dại xứ này cao hơn thân người, lá dài nhọn, răng cưa bén ngót. Ba cắt về đập dập, mấy đứa con ngồi quanh, hương lá dứa dại chua chua, thanh thanh, thơm lừng trong ký ức. Tôi ngồi tròn to mắt chảy nước miếng, ba cười, biểu má dích cho mỗi đứa một cục mứt thơm.
Tôi lớn lên, như bao thanh niên, cõng hy vọng của ba má vào phố trọ học. Thấm thoát mười mấy năm, phố níu chân người. Quê xa hút, mông lung như bìm bịp kêu đứt quãng giữa đồng xa. Mỗi lúc Chạp về, má gọi điện như méc: "Ba mày lại lấy xe đi tìm lá dứa dại, giờ vùng này còn đâu nữa, phải lên tuốt Từ Tâm".
Tết ở đâu hiện đại, Tết ở đâu hao mòn, chứ Tết dưới mái nhà của ba vẫn vẹn nguyên như từ bao năm vọng lại. Bên chái nhà bếp đầy muội khói, má gói bánh tét, ba mạnh tay buộc lạt. Trên gian nhà giữa, má cắm bông cúc, vạn thọ, ba trải lại khăn bàn, chưng chậu tắc, gọt vỏ cành mai rừng.
Nghĩ tới ba, giờ này đang ở miền nào tìm cho ra lá dứa mọc hoang, đầu lá nhọn hoắt như neo cặm nỗi nhớ vào trời xanh, nhức buốt. Má nói ba về rồi, tắt điện thoại để dọn cơm, còn lại tôi ngẩn ngơ giữa phố, thèm hít một hơi hương dứa dại, thèm đến rơi nước mắt.
Nhà có năm anh em, tất thảy đều tha hương cầu thực. Hai người già lẻ loi nương vào nhau mỗi mùa gió dữ. Cả năm trông đợi chỉ mấy ngày, con cái tựu tề đông đủ. Có một năm cũng xa, xa lắm, đi công tác ngang nhà ngày giáp Tết. Trời chập choạng chiều, ba ngồi trước hiên tựa cột, phả khói thuốc vào không trung, hiền từ, hiu quạnh.
Má bên cạnh, bôi thuốc vào gót chân ba khô cằn, nẻ sâu đến tứa máu. Gió vẫn gào ầm ĩ ngoài kia, dưới mái hiên vạn thọ vàng rực, nằm im lìm dưới chân hai người già, như là bầu bạn. Tôi liếm đôi môi khô rát, tự hỏi tại sao ngày đó mình chọn ở lại chốn thị thành…
Tết năm nay, đánh dấu tròn một năm trận ôn dịch càn qua. Anh em tôi ngồi ôm nhau lo lắng những ca nhiễm bệnh. Ở quê, trong một góc vàng rực vạn thọ dưới chân, trên chiếc ghế được đánh vecni bóng loáng, hay dưới chái bếp bao năm bám đầy muội khói, ba sẽ ngồi bất kì đâu để mong ngóng.
Anh em tôi cũng ngóng đợi nỗ lực dập dịch từng phút từng giây. Chúng tôi ngồi yên, chúng tôi tự mình phòng bệnh, như chút lòng biết ơn lặng lẽ gửi đến những người nơi tuyến đầu chống dịch.
Báo đài thông tin dịch bệnh đang dần được kiểm soát, ba hồ hởi kể: "Hơn mười năm lấp đìa, đến năm nay giếng nhà mình đã ngọt lại. Ba dựng sẵn ba cục đá, chờ tụi con về chụm bánh tét cho vui". Và đêm trừ tịch năm nay, tôi vẫn ngồi nghe gió gào thao thức, ngó tấm lưng ba kiên trì giữ lửa.
Bên cạnh là anh Hai múc từng gàu nước ngọt châm vào nồi bánh tét. Anh Ba tựa lưng vào thành giếng nói, năm sau rồi nhiều năm về sau nữa, anh sẽ cùng ba đi hái lá dứa dại, về đập dập, để chân đèn khỏi mòn, để chân đèn sáng loang loáng như gương…
Tết nhà tôi đã thêm người níu giữ.
Tính đến 24h ngày 16-2, sau 33 ngày phát động, đã có 1.190 bài dự thi gửi đến tham gia diễn đàn Tết xưa - Tết nay do báo Tuổi Trẻ tổ chức, với sự đồng hành của hệ thống bán lẻ FPT Shop và Hãng hàng không Vietjet Air.
Tuổi Trẻ Online chân thành cảm ơn các bạn đọc sau đã email gửi bài dự thi đến địa chỉ [email protected]:
Ngày 14-2: XuanHuy To, Kim Ngan, Tam Nguyen, Nguyễn Khánh Linh, Bình nguyễn, Harry Đặng, Duc Du, Tram Nguyen, Mai Tan Dat, Kieu Oanh, Jyly Thuy Duong, Nguyễn Chí Ngoan.
Ngày 15-2: Sang Tran, Hoài Thương Nguyễn, Mai, Tam TranVan, Tuan Cuong, Nhung Nguyen, Điểm Huỳnh Trọng, Dung Nguyễn, Như Lê, Thảo Nguyên, Duong Van Diau, Dinh Đỗ, Phương Nguyễn, Tiệp Nguyễn, Tím Ban, Anh Phung Thi Tuyet, Nguyen Ha, Ba Tuoc Nguyen, Như Hoàng Nguyên Lê, Tran Chuyen.
Ngày 16-2: Tuyen Pham,. Trimble Jasmine, Robinson G.Nguyen, Thu Dung Huynh, Chuyen Tran, Khiem Thi Hoang, Quynh Le, Mỹ Châu Nguyễn Thị, Nhi Nguyen, Hoang Dung Tran le, Nguyễn Quang Vinh, Tuan Linh Nguyen, Tấn Tài Offical, Huyền Trang, Bất Động Sản TP.HCM, Hữu Minh Nguyễn, Tím Ban, Thu Vũ, Vuong Nhat, Kieu Pham, Nhan Nguyen, Văn Chiến Đỗ, Cao Huan, Thuy Pham, Bich Lien, Minh Son Hoang, Minh Nguyen Van, Đào Duy An.
Diễn đàn Tết xưa - Tết nay do báo Tuổi Trẻ tổ chức, với sự đồng hành của hệ thống bán lẻ FPT Shop và Hãng hàng không Vietjet Air.
Diễn đàn gồm các bài viết, bài dự thi của cuộc thi Tết xưa - Tết nay về những ký ức Tết xưa, khát vọng ngày xuân hay những khoảnh khắc sum họp, cảnh đẹp trên đường về quê đón Tết của bạn đọc.
Diễn đàn mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp, bài dự thi trên cả nước. Thời gian nhận bài từ ngày 15-1-2021 đến hết ngày 20-2-2021.
Cách thức tham gia:
Bài viết dự thi gửi đến theo 2 cách:
Gửi qua địa chỉ email: [email protected]
Gửi qua đường bưu điện theo địa chỉ: Báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Ngoài bì thư ghi rõ tham gia cuộc thi viết Tết xưa - Tết nay.
Bạn đọc vui lòng cung cấp địa chỉ, số tài khoản, số CMND để chúng tôi chuyển nhuận bút.
Các bài lọt vào vòng sơ kết sẽ được thông báo sau.
Cơ cấu giải thưởng:
• 1 giải nhất: 10 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Samsung A31 của FPT Shop; 02 vé khứ hồi G1 của Vietjet Air.
• 2 giải nhì: mỗi giải gồm 5 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Xiaomi Note 9 hoặc Oppo A53 của FPT Shop; 01 vé khứ hồi G1 của Vietjet Air.
• 3 giải ba: mỗi giải gồm 5 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Realme C12 hoặc VSmart Joy 4 hoặc Vivo Y20 của FPT Shop; mô hình máy bay Vietjet size lớn.
• 10 giải khuyến khích: mỗi giải gồm 2 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là sạc dự phòng UMETRAVEL 10.000 mAh của FPT Shop; mô hình máy bay Vietjet size nhỏ.
• 20 phần quà tặng dành cho bạn đọc trên mạng xã hội là: balô FPT Shop + voucher giảm 10% khi mua laptop tại hệ thống cửa hàng FPT Shop; gấu bông + túi du lịch Vietjet.
Lễ trao giải dự kiến diễn ra trước 28-2-2021.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận