Cây nêu
Mẹ tôi năm nay đã qua tám mươi dư. Khi ba tôi còn sống. Có lần bà dằn dỗi: Hồi đó đi ngang chỗ nhà xưa, thấy họ làm cây nêu, kêu ổng chụp mà cứ lần lữa. Giờ con cháu không ai biết cây nêu ra sao...
Ba tôi mất cũng nhiều năm, cái máy ảnh xưa lắp phim giờ còn. Nếu có phim lắp vào vẫn chụp tốt.
Cây nêu, đúng là giờ hiếm thấy có. Rồi do tính hay đi tìm điểm xưa tích cũ. Tôi phát hiện ra: Tại lăng Ông đức tả quân Lê Văn Duyệt có lễ dựng nêu. Lễ dựng vào sáng sớm 23 tháng chạp, hạ nêu vào mùng 7 tết.
Và tôi đã chở mẹ đi xem lễ dựng cây nêu tại lăng Ông. Để về thấy bà như trẻ lại, như thoải mái về một ước mơ đã vẹn tròn.
Cây nêu xưa trong ký ức
Cu kêu ba tiếng cu kêu/ Cho mau đến tết dựng nêu ăn chè.
Anh cháu nội cưng của mẹ tôi vọc iPad. Rồi ngồi coi say sưa bộ phim cổ tích Sự tích cây nêu ngày tết qua màn hình nhỏ. Bà nội ngồi xem với cháu, bỗng dưng nhớ lại ngày xa xưa, về mùa lúa gặt xong. Lúa vô lẫm, vô bồ. Nhà nhà chuẩn bị dọn đẹp đón tết.
Rồi như trong khúc phim xưa, bà ngồi rề rà kể điển xưa tích cũ, để cháu tắt luôn máy tính, ngồi ôm lưng bà dựa nghe một cách háo hức.
"Xưa, bà nội còn nhỏ lắm. Tết là tụ về nhà bà cố, bà cố là vợ quan, con gái có người lấy chồng Tây nên dù ông cố mất, nhà vẫn giàu có sung túc.
Cụ cố bà theo xưa, tính khó trời thần. Nhưng nhờ khó mà trong nhà tuy thưa vắng đàn ông, con cháu ai cũng đều theo nếp. Nhờ vậy bà nội và các anh chị em đều tỏ tường nhiều lễ nghi ngày xưa. Nhớ như in trong trí tới giờ. Tỉ như chuyện cây nêu tết.
Đó là ngay từ trước khi đưa ông Táo về trời. Cố sai các con trai, trong đó có cha của bà nội, tức là ông ngoại của ba con đó, cùng trai bạn đi ra bụi tre của vườn nhà, chọn cây tre to đẹp nhất. Rồi sau khi đốn, dọn tỉa cành thì cùng khiêng ra sân trước.
Lúc này, sân trước các ông con rể cùng các trai bạn khác đào sẵn cái hố. Cố thì vào tủ thờ, lấy ra cái liễn. Cái liễn này đã chuẩn bị từ nhiều ngày trước. Do cố thuê thầy là người văn hay chữ tốt, có đạo đức để viết. Tùy năm mà chữ nho có nghĩa là: Lúa đầy gạo trắng, gia đạo an khang, hay các chữ mang ý nghĩa thuận hòa khác. Liễn viết trên giấy đỏ hay lụa đỏ, chữ son thếp vàng.
Những người lớn trong nhà bày bàn. Trên để trái cây, lư hương, muối gạo. Bà cố để liễn lên bàn, thắp nhang khấn vái cùng mọi người trong nhà. Sau khi rải muối gạo thì bắt đầu việc dựng nêu.
Đầu tiên, cố treo lên đầu cây tre - giờ là cây nêu - một cái mõ tre già, mà bên ngoài đã lên màu nâu bóng. Nối với cái mõ tre là cái liễn. Tất cả đều cột bằng loại chỉ bện ngũ sắc và gút thật chắc.
Lễ hạ nêu ở lăng Ông
Những sợi dây lác ngâm dẻo, bện thật cứng, cột vào quai giỏ bằng tre, trong giỏ đựng trầu cau vôi và một ít giấy tiền. Một sợi khác cột thắt một bó cây gai. Xong hết thì phụ nữ lùi ra, cánh đàn ông xúm lại, đồng loạt hô "lên nêu". Họ dựng cây nêu lên, cắm vào cái hố đã đào. Rồi dùng đất sét dẻo xảm, bít, nén, dộng cho gốc nêu thật vững".
Mẹ tôi ngừng lại, biết ý, tôi đi rót cho bà ly nước. Rồi bà hăng say kể tiếp: "Không biết người xưa đào hố thế nào, nhưng từ 23 đến ngày hạ nêu hạ là mùng 7, cây nêu cao vọi ấy cứ đứng vững, ngạo nghễ cùng gió xuân. Còn cái mõ, gió cứ thổi cái liễn bay phần phật thì mõ càng kêu vang. Đi xa ngoài đồng còn nghe vang vọng tiếng khua lóc cóc lóc cóc rộn rã...
Vùng quê ngày đó - Vĩnh Long bây giờ - không phải ai cũng có quyền dựng cây nêu. Phải là nhà khá, nhà có của, quyền thế. Nêu càng cao thì gia chủ càng hãnh diện, càng chứng minh gia cảnh mình sung túc.
Năm nào dựng nêu xong, bà cố lại kể cho đám cháu, tức là bà nội và các anh chị em: "Cây nêu dựng lên là báo hiệu cho ma quỷ biết đất đai có chủ và không được quấy phá. Ngoài dựng nêu, người trong nhà còn dùng vôi rắc quanh nhà. Vẽ cung tên có mũi nhọn hướng ra nhiều hướng. Mục đích là cho bọn ma quỷ thấy là người có phòng bị nên không dám tác oai tác quái.
Còn sao lại dựng vào ngày 23 tháng chạp. Vì khi đó ông Táo về thiên đình. Bếp nhà bị trống cho tới đêm giao thừa, ma quỷ biết vắng mặt ông Táo nên sẽ lén vào quấy nhiễu. Cây nêu còn có ý như cái cây nối liền đất với trời, ma quỷ làm gì thiên đình đều biết nên chúng sợ lắm.
Những năm đón tết ở quê, chưa bao giờ bà nội thấy cây nêu ngã đổ. Người xưa còn mê tín, cây nêu là dựng để đe dọa ma quỷ, cũng là cầu nối với thiên đình, thần linh và vong hồn ông bà tổ tiên. Nên nếu như cây nêu ngã, tức là ma quỷ hung dữ lộng hành, tạo ra những điều xấu. Những tá điền nghèo, ít ăn học thì càng tin tưởng vào cây nêu trong sân bà cố. Và một khi nhà chủ đã dựng nêu lên là coi như cứ yên tâm ăn tết".
Cái giỏ treo trên nêu bên trong lá cầu cao và gạo muối
"Rồi xong phần ăn tết là thấy hết mùng 7. Cũng các con trai trong nhà cùng trai bạn ra hạ nêu. Cũng tỉ mỉ kỳ công như dựng lên, cũng bày bàn cúng. Bà cố thu cái mõ, đốt cái liễn một cách thành kính. Sau đó mới đốt tới cái giỏ đựng vàng bạc, trầu cau.
Trễ lắm là mùng 10, sau khi cất lại chén bát, mâm thau, mọi con người vùng quê lại trở về với cuộc sống hằng ngày. Mẹ và các anh chị lại theo cha mẹ về lại nhà cũ ở thị thành, để đi học lại.
Rồi chiến tranh, rồi nhiều thứ khiến ông bà ngoại của ba con phải rời xa làng quê. Rồi đất quê mất cùng bà cố, phong tục trồng cây nêu ngày Tết cũng dần mất đi trong cuộc sống đông đúc nơi phố thị. Bà nội hồi thanh niên còn thỉnh thoảng thấy cây nêu được dựng tượng trưng ở một vài nơi. Sau này thì mất hẳn!".
Tôi nhắc mẹ:" Giờ có ở lăng Ông tả quân".
Mẹ tôi lại theo cái kiểu của người già hoài cổ: "Cây nêu ngày nay không có còn cái mõ tre. Gió thổi mõ kêu vang, đó mới đúng theo tập tục xưa của bà cố tụi con".
Nếu gọi người già là kho cổ tích. Thì bạn hãy thử một ngày cuối tuần, bỏ hết hội hè, chơi vui, về bên cha mẹ, ông bà hay chú bác cô dì lớn tuổi, để nghe họ kể chuyện ngày xưa.
Sẽ rất thú vị, như bạn lật những trang sách thời gian, đầy chất văn hóa điển xưa tích cũ.
Diễn đàn Tết xưa - Tết nay do báo Tuổi Trẻ tổ chức, với sự đồng hành của hệ thống bán lẻ FPT Shop và Hãng hàng không Vietjet Air.
Diễn đàn gồm các bài viết, bài dự thi của cuộc thi Tết xưa - Tết nay về những ký ức tết xưa, khát vọng ngày xuân hay những khoảnh khắc sum họp, cảnh đẹp trên đường về quê đón tết của bạn đọc.
Diễn đàn mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp, bài dự thi trên cả nước. Thời gian nhận bài từ ngày 15-1 đến hết ngày 20-2-2021.
Cách thức tham gia:
Bài viết dự thi gửi đến theo 2 cách:
Gửi qua địa chỉ email: [email protected]
Gửi qua đường bưu điện theo địa chỉ: Báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Ngoài bì thư ghi rõ tham gia cuộc thi viết Tết xưa - Tết nay.
Bạn đọc vui lòng cung cấp địa chỉ, số tài khoản, số CMND để chúng tôi chuyển nhuận bút.
Các bài lọt vào vòng sơ kết sẽ được thông báo sau.
Cơ cấu giải thưởng:
• 1 giải nhất: 10 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Samsung A31 của FPT Shop; 2 vé khứ hồi G1 của Vietjet Air.
• 2 giải nhì: mỗi giải gồm 5 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Xiaomi Note 9 hoặc Oppo A53 của FPT Shop; 1 vé khứ hồi G1 của Vietjet Air.
• 3 giải ba: mỗi giải gồm 5 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Realme C12 hoặc VSmart Joy 4 hoặc Vivo Y20 của FPT Shop; mô hình máy bay Vietjet size lớn.
• 10 giải khuyến khích: mỗi giải gồm 2 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là sạc dự phòng UMETRAVEL 10.000 mAh của FPT Shop; mô hình máy bay Vietjet size nhỏ.
• 20 phần quà tặng dành cho bạn đọc trên mạng xã hội là: balô FPT Shop + voucher giảm 10% khi mua laptop tại hệ thống cửa hàng FPT Shop; gấu bông + túi du lịch Vietjet.
Lễ trao giải dự kiến diễn ra trước 28-2-2021.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận