Làm thế nào biến những giá trị văn hóa phi vật thể ấy trở thành món đặc sản để gọi mời du khách bốn phương mỗi dịp xuân về?
Trò chơi tú́c mắc lẹ của người Tày (Văn Bàn, Lào Cai) - Ảnh: ĐỨC PHƯƠNG
"Chơi xuân đâu chỉ một ngày..."
Những năm gần đây, cơ quan chức năng một số địa phương đã có sự quan tâm nhiều hơn đến việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa và bước đầu phục dựng những lễ hội tiêu biểu để giới thiệu, quảng bá tới du khách bốn phương.
Nhiều ý kiến cho rằng chính quyền cần có những hành động thiết thực hơn nữa để giúp cộng đồng các dân tộc tôn tạo, biến những vốn liếng văn hóa của mình thành các sản phẩm du lịch.
Ông Trần Thế Dũng - phó giám đốc Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ, người suốt hơn 10 năm nay dọc ngang khắp các bản làng Đông và Tây Bắc để tìm kiếm, xây dựng những tour du lịch "không đụng hàng" - cho hay bản thân ông có niềm đam mê kỳ lạ trước những nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Với con mắt của người làm du lịch, ông Dũng cho rằng không chỉ có nét đẹp hoang sơ của nương rẫy, sự kỳ vĩ của núi non mà kho tàng văn hóa của người dân mới thật sự là kho báu miền núi phía Bắc.
Theo ông, những năm gần đây các địa phương như Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang... đã có đầu tư xây dựng một số địa danh như Mai Châu, Mộc Châu, Sa Pa, Mèo Vạc thành những điểm đến du lịch để thu hút du khách trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, sản phẩm du lịch ở những điểm đến này chưa thật phong phú và chưa bật lên hết nét độc đáo của từng dân tộc.
Cùng vui - Ảnh: HUỲNH PHẠM ANH DŨNG
Ông Dũng cho biết mình từng sống và ăn Tết với đồng bào người Thái, Mông, Dao, Tày, Giáy, Hà Nhì... và cảm nhận được rất nhiều điều thú vị. Họ có sự tôn kính rất cao về mặt tín ngưỡng, lễ tiết, đồng thời rất phóng khoáng về giải trí, vui chơi.
Các hoạt động phát huy giá trị truyền thống văn hóa của ngày Tết được đồng bào dân tộc tham gia rất nhiệt tình bởi họ tự hiểu và có ý thức bảo tồn nét đẹp văn hóa của dân tộc mình
Ông Hoàng Công Kiều
Lịch mùa vụ của đồng bào vùng cao không giống ở miền xuôi nên có thời gian nghỉ rất dài, đó là thời gian họ dành cho hội hè, phô diễn cái đẹp của những trò chơi dân gian, của nghệ thuật truyền thống. Xu hướng ăn Tết tiết kiệm, ngắn ngày vô tình khiến những thú vui ngày Tết dần bị mai một, không gian vui chơi bị thu hẹp.
"Chính quyền địa phương cần đóng vai trò tổ chức các hoạt động vui chơi cho người dân ở các thôn bản để họ có một cái Tết thật sự. Ngành văn hóa cần tổ chức các sân chơi dân gian, khuyến khích phục hồi các lễ hội truyền thống để người dân trực tiếp tham gia hòa mình vào đó. Vui xuân đâu chỉ có một ngày, hãy để họ thật sự sống trong không khí ngày Tết như vốn có!" - ông Dũng nói.
Ông Ly Văn Lù - phó chủ tịch UBND xã Y Tý, huyện Bát Xát, Lào Cai - cho biết nhờ khí hậu lạnh giá, phong cảnh đẹp và người dân hiếu khách, vài năm trở lại đây, khách du lịch dạng phượt tìm tới Y Tý ngày một nhiều. Nhiều du khách tỏ ra thích thú khi tìm hiểu đời sống, phong tục đồng bào dân tộc Dao, Hà Nhì và một số người dân đã mở cửa đón khách du lịch homestay.
"Tuy nhiên, hiện nay hạ tầng, dịch vụ phục vụ du lịch chưa có gì nên khách thường đến, đi một vòng rồi về, ít người lưu lại qua đêm nên chưa biến tiềm năng thành nguồn thu để phát triển kinh tế" - ông Lù nhìn nhận.
Trò chơi ngày tết bịt mắt bắt vịt của người Mông (Sa Pa, Lào Cai) - Ảnh: ĐỨC PHƯƠNG
Thiếu nguồn vốn và yếu hạ tầng
"Tiềm năng nhiều, nhưng chưa có những chương trình đầu tư lớn" - ông Hoàng Công Kiều, trưởng Phòng văn hóa và thông tin huyện Bát Xát (Lào Cai), chia sẻ.
Ông cho biết: "Những năm gần đây ngành văn hóa đã tham mưu cho huyện hỗ trợ, tạo điều kiện để bà con vùng cao tham gia những trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc mình trong ngày Tết, tránh tình trạng bị mai một văn hóa do hội nhập.
Chúng tôi cũng đang tập huấn nguồn lực du lịch cho bà con. Nguồn lực này luôn được đào tạo để đáp ứng nhu cầu hướng dẫn, phát triển du lịch bền vững.
Theo Phòng văn hóa và thông tin huyện Bát Xát, trở ngại lớn nhất là để khách du lịch về chơi Tết ở các bản rất khó khăn, bởi đường sá đi từ xã này qua xã khác, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng. Lễ hội dù đã thành nét đặc sắc của địa phương nhưng sức lan tỏa chưa rộng.
Theo ông Hoàng Công Kiều, huyện Bát Xát có cố gắng tổ chức quảng bá, phát triển các sản phẩm du lịch, hỗ trợ hết sức để bà con dân bản tự làm du lịch cộng đồng chứ không phải doanh nghiệp hay người nơi khác đến làm.
Nhà yêu thương - Ảnh: VŨ BẢO NGỌC
Ông Đèo Văn Dương - trưởng Phòng văn hóa và thông tin huyện Phong Thổ (Lai Châu) - cho biết đã tham mưu để UBND huyện xây dựng đề án phát triển du lịch bền vững lâu dài. Theo ông Dương, trong quá trình biến bản sắc văn hóa phi vật thể của đồng bào thiểu số thành đặc sản du lịch đã gặp khó khăn lớn là nguồn vốn.
Tiền bạc không có nên sự quan tâm đến đời sống văn hóa của chính mỗi dân tộc còn hạn chế. Thêm vào đó, kinh phí để phục dựng, bảo tồn những giá trị văn hóa thì thiếu thốn hoặc không có.
"Để phát triển các giá trị văn hóa ngày Tết của bà con đồng bào, UBND huyện Phong Thổ chỉ có những hỗ trợ phần nào cho các xã để tổ chức các hoạt động lễ hội. Muốn phát triển bền vững, cần sự vào cuộc, quan tâm của các cấp, các ngành để đầu tư, đặc biệt là đầu tư cơ sở hạ tầng" - ông Dương chia sẻ.
Biểu diễn khèn của người Mông (Sa Pa, Lào Cai) - Ảnh: ĐỨC PHƯƠNG
Để lôi cuốn và giữ chân du khách
Ông Sần Cháng, nguyên giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Lào Cai, cho biết hiện nay đồng bào các dân tộc ở các địa phương có ngành du lịch phát triển như Sa Pa đã trực tiếp chủ động tham gia làm du lịch.
Ông nói: "Về góc độ phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa thì đây là điều đáng mừng. Vấn đề là làm sao khuyến khích đồng bào dân tộc duy trì, phục dựng, làm sống lại những bản sắc văn hóa truyền thống để tạo nét riêng lôi cuốn và giữ chân du khách".
Trò chơi dân gian của người Mông ở Sa Pa (LàoCai) - Ảnh: DƯƠNGTOẢN
Trò chơi dân gian của người Mông ở Sa Pa (LàoCai) - Ảnh: DƯƠNGTOẢN
Trò chơi dân gian của người Mông ở Sa Pa (LàoCai) - Ảnh: DƯƠNGTOẢN
Trò chơi dân gian của người Mông ở Sa Pa (LàoCai) - Ảnh: DƯƠNGTOẢN
Lễ nhảy lửa của người Dao (Lào Cai)
Trò chơi mùa xuân - Ảnh: VŨ BẢO NGỌC
Trổ tài - Ảnh: NGUYỄN NGỌC THANH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận