08/02/2018 22:16 GMT+7

Tết vùng cao: Giao thừa đoán vận

NGUYỄN TRIỀU - QUANG THẾ
NGUYỄN TRIỀU - QUANG THẾ

TTO - Không chỉ kiêng người lạ xâm phạm bếp thiêng trong nhà, đồng bào Khơ Mú còn có những điều kiêng kỵ gắn liền với phong tục, tập quán sinh hoạt hằng ngày, nhất là dịp lễ tết.

Tết vùng cao: Giao thừa đoán vận - Ảnh 1.

Một trò chơi dân gian ngày tết của các dân tộc thiểu số ở Sa Pa, Lào Cai - Ảnh: NGỌC BẰNG

Phong tục của chúng tôi: ở bếp thứ nhất nấu thức ăn là nơi chủ nhà và khách ngồi hút thuốc, uống trà. Riêng hai bếp còn lại là nơi thiêng, người lạ không được vào để tránh kinh động tổ tiên và góc riêng của gia chủ

Ông VÌ VĂN SÂN (78 tuổi, ở Nghĩa Sơn)

Người Khơ Mú cư trú ở các tỉnh Tây Bắc, Bắc Trung Bộ chỉ hơn 70.000 người. Vốn có nguồn gốc di dân từ Lào và không có chữ viết riêng, người Khơ Mú ở Việt Nam vẫn giữ cho mình bản sắc văn hóa độc đáo được truyền đời qua tiếng nói vào tập tục sinh hoạt hằng ngày.

Bốn góc nhà, ba góc bếp

Đi qua từng thôn bản nhỏ ở xã Nghĩa Sơn, anh cán bộ Đoàn huyện Văn Chấn (Yên Bái) chỉ chúng tôi xem những nếp nhà sàn kèm lời thuyết minh: Đây là bản của người Thái, đây là thôn của người Khơ Mú. 

Nếu để ý sẽ thấy dù cũng là nhà sàn nhưng nhà sàn của người Thái và người Khơ Mú có những nét riêng không lẫn vào đâu được.

Theo nghệ nhân Vì Văn Sang (74 tuổi, người Khơ Mú), nhà ở truyền thống của người Khơ Mú vốn là kiểu nhà nửa sàn nửa đất và thường được làm ở triền đồi cao ven nương rẫy để tránh thú rừng. 

"Ngày xưa người Khơ Mú chúng tôi làm nhà sàn rất thấp, chỉ sau này mới có điều kiện làm nhà sàn cao như bây giờ" - ông Sang nói.

Không như một số dân tộc sử dụng phần gầm sàn làm nơi sinh hoạt hay chứa nông cụ, nông sản, người Khơ Mú coi phần gầm sàn là nơi thiêng nhất trong ngôi nhà, thậm chí ngày thường không dám xâm phạm, trừ việc quét dọn trước mỗi đầu năm mới. 

Chỉ đến cách đây 5-6 năm, người Khơ Mú ở Nghĩa Sơn mới "phá niêm" và gầm sàn trở thành nơi ngồi hóng mát, uống trà và tiếp khách.

Đầu hồi nhà sàn của người Khơ Mú có hình con ốc sên, vừa có tác dụng trang trí, cầu mong sự giàu có, vừa nhằm dọa tà ma không cho đến gần. 

Đặc biệt, bên trong ngôi nhà sàn của người Khơ Mú có đến ba bếp lửa nằm ở ba vị trí khác nhau tạo nên nét đặt trưng "bốn góc nhà, ba góc bếp" không thể tìm thấy ở các dân tộc khác. 

Lên hết bậc cầu thang ở phía đầu hồi là cửa chính vào ngôi nhà sàn. Bên cánh trái gian đầu tiên là một bếp lớn dùng để nấu thức ăn hằng ngày.

Ở trung tâm gian giữa, nơi cửa chính nhìn vào là bếp thứ hai, đặt ngay dưới trang thờ ông bà tổ tiên. Bếp này được người Khơ Mú xem là bếp thờ, bếp thiêng và chỉ nổi lửa vài lần trong năm vào dịp tết hoặc cúng lễ. 

Trong cùng bên trái của gian thứ ba là một bếp nữa. Chỗ ngủ của chủ nhà được đặt bên phải gian thứ ba này.

Tết vùng cao: Giao thừa đoán vận - Ảnh 3.

Một nhà sàn ba bếp của người Khơ Mú ở Văn Chấn, Yên Bái - Ảnh: NGUYỄN TRIỀU

Tiên tri đoán vận

Không chỉ kiêng người lạ xâm phạm bếp thiêng trong nhà, đồng bào Khơ Mú còn có những điều kiêng kỵ gắn liền với phong tục, tập quán sinh hoạt hằng ngày, nhất là dịp lễ tết. 

Người Khơ Mú ở Văn Chấn, Yên Bái có đến bảy dòng họ và ngoài những tục lệ chung còn có những quy ước bất thành văn phù hợp với dòng họ mình.

Lịch mùa vụ của người Khơ Mú bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 11 âm lịch nên thường vào tháng chạp mọi người có thời gian nghỉ ngơi và bắt đầu chuẩn bị quần áo, lợn gà... sẵn sàng vui tết.

Chiều 30 tết, người già trong làng tìm đến nhà và không quên dặn nhau nhớ để ý xem sau thời khắc giao thừa nghe con vật gì cất tiếng đầu tiên để đoán thời vận. 

Người Khơ Mú quan niệm nếu con gà gáy đúng canh ba thì cả năm gặp điều may mắn, còn gà gáy sớm hơn báo hiệu điều chẳng lành như gặp hỏa hoạn hoặc trong làng sẽ có người... chửa hoang.

"Nếu chim cú kêu là báo điều không may, con mèo gào thét sẽ có hổ beo về, còn nếu con nít khóc thì y như rằng năm đó gia đình mất mùa, đói kém" - ông Vì Văn Sang nói. 

Theo ông, người Khơ Mú rất giàu kinh nghiệm "trông đất trông trời" và thường ít khi nào sai. Chẳng hạn, lên nương thấy con cua bò là báo hiệu sắp có lũ lụt, thấy kiến tha con ra khỏi hang là điềm báo mưa gió triền miên.

Với tập tục dân gian gắn với ngày tết, người Khơ Mú cũng có những nét riêng khác hẳn với các dân tộc khác như tục lấy nước đầu năm mới. 

Nghệ nhân Vì Văn Sang kể: "Ngày xưa không có đồng hồ nên chúng tôi phải canh lúc gà gáy là đi múc nước. Mỗi nhà cử một người mang theo một cái túi, khi ra tới nguồn nước thì nhắm mắt nhặt một hòn sỏi bỏ vào túi mới múc nước mang về. 

Nếu nhặt được hòn sỏi trắng thì may mắn cả năm, còn gặp hòn sỏi đen thì coi như kém may. Nước vừa múc về sẽ chia cho mọi người trong nhà cùng uống, gọi là uống nước mới".

Thú vui ngày tết

Về thú vui ngày tết, người Khơ Mú có những thú vui "không đụng hàng" thể hiện khả năng thích nghi với điều kiện tự nhiên.

Ví dụ, người chơi trò "múa ngửa chui dây" phải vừa múa vừa ngửa người di chuyển qua những sợi dây căng ngang cao thấp khác nhau, tượng trưng cho việc băng rừng vượt núi.

Còn trò "chọi trâu không sừng" thì nhằm khoe tài chống chọi với thú dữ. Hai người chơi khom lưng chạm trán vào nhau thể hiện tinh thần thượng võ trước khi lùi ra xa lấy đà rồi dùng đầu, vai húc ngã đối thủ. 

Hay như điệu múa "cá lượn" cũng có nguồn gốc bắt chước hình ảnh đôi cá trống mái tung tăng nô đùa dưới suối trong làn nước mát lành ngày xuân.

Dù đã ở cái tuổi "cổ lai hi" nhưng khi kể chúng tôi nghe ký ức về những thú vui ngày tết thời trai trẻ, đôi mắt cụ Vì Văn Sân (78 tuổi, ở Nghĩa Sơn) vẫn ngời lên những niềm vui khôn tả. 

"Hồi đó trong thôn ai cũng biết múa hát và bảo nhau rằng không múa thì không ra ngô, không ra khoai. Người già múa cho trẻ con xem để trẻ học theo. Tiếc là bây giờ người trẻ biết múa cứ ít dần!" - cụ Sân nói.

Cúng mẹ lúa và nhớ ơn con trâu

tet vung cao 1

Cửa chính vào nhà sàn của người Khơ Mú. Bên cánh trái của gian đầu tiên là một bếp lớn (bếp thứ nhất) dùng để nấu thức ăn hằng ngày và tiếp khách - Ảnh: NGUYỄN TRIỀU

Trước khi đón tết, vào tháng chạp dân làng Khơ Mú tổ chức lễ "đón mẹ lúa". Một mâm lễ chung được bày ra trên nương, người cao niên đại diện dân làng thắp hương khấn tạ ơn thần linh ban cho thóc đầy bồ, heo gà đầy chuồng.

Một con trâu được tắm sạch sẽ dắt ra trước kho lúa, người ta sẽ nói "Trâu ơi, tao cảm ơn mày, tao chẳng có gì, chỉ có cái hoa đẹp nhất, tấm áo đẹp nhất nên đem tặng mày" rồi lấy hoa giắt vào sừng, lấy vải đắp lên mình trâu.

******************

Kỳ tới: Lễ hóa vàng của người Giáy

NGUYỄN TRIỀU - QUANG THẾ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên