Mía Mưng ngọt ngào nhất cuộc đời tôi 

Đã quá nửa đời người rồi, đã ly hương hơn 50 năm nơi đất khách quê người, nhưng tôi chưa bao giờ quên niềm vui những ngày giáp tết nơi quê hương chôn nhau cắt rốn Tam Quan, Hoài Nhơn, Bình Định.

Tết về tôi chỉ thích được chị ba tôi dẫn đi chợ mua vài cây mía mưng.

Từ nhà, muốn đi chợ lớn để mua được mía mưng, tôi phải lẽo đẽo theo chân chị tôi đi bộ hơn 3 cây số, lên đường QL 1 trung tâm xã, nơi này bày bán đủ thứ đồ phục vụ 3 ngày tết, tôi chỉ đòi chị mua cho bằng được vài cây mía mà thôi.

Mua được mía, tôi vui mừng nhảy tửng. Cái thân hình của thằng nhóc nhỏ con, lùn tịt, vác mấy cây mía trên vai trên đường về nhà, chân nọ đá chân kia mà trong lòng vui phơi phới. Tết, Tết của tôi đây rồi.

Tôi chẳng hiểu vì sao, phong tục nào để lại, nhưng tuổi nhỏ của tôi thấy rằng trong 3 ngày Tết, ở làng xóm tôi, cái làng Cửu Lợi bên cây cầu  Cộng Hòa hầu như nhà nào cũng có mấy cây mía mưng dựng trước hiên. Những đứa trẻ như tôi, những thằng bạn học, thằng và con nào cũng thích được đi chợ mua cây mía mưng vác đem về.

Mùng 1 Tết, chưa ai đụng đến cây mía hết, chỉ từ mùng 2 trở đi mới chặt ra từng khúc, chia cho mỗi người một lóng, rồi nhe răng ra mà xiết, nhai hít hà từ ngoài vỏ vào bên trong, cảm giác thấy giòn giòn.

Hương vị của cây mía mưng Bình Định sao mà ngọt lịm, ngọt hơn cả đường phèn. Hay là cảm giác của thằng con nít còn sống trong tiềm thức !?

Xa quê hương từ độ lên mười, đến xứ lạ quê người tha hương cầu thực, nơi nào cũng có mía mưng. Nhưng, tự thấy rằng chẳng có nơi nào mà hương vị của cây mía nó ngọt ngào đến thế !

Bây giờ tuổi đã sắp về chiều, nếu có cây mía mưng ngày ấy, chắc gì đã xiết vỏ được. Nhưng chắc chắn, nếu có cây mía mưng ngày tuổi nhỏ, tôi sẽ ngồi lặng nhìn. Lặng nhìn để hưởng lại một thời thơ ấu mà mình đã bỏ mất, đã đi qua.

LÊ LONG 

Tết về thương nhớ đủ thứ... món ăn - Ảnh 1.

Món chè kho từ tay mẹ tôi tảo tần

Nhớ dáng mẹ tôi hao gầy ngày nào cứ đến ngày 30 tết lại chọn những hạt đậu xanh bóng bẩy căng tròn mà mẹ trồng từ mùa hè để nấu món chè kho. 

Mẹ vẫn bảo chúng tôi, quê mình nghèo, nhà mình cũng không khá giả, vì thế, tết đến, bánh kẹo không có nhiều nên mẹ dành những hạt đỗ trồng được để nấu món chè kho để cho các con có thêm món ăn trong ba ngày tết.

Chiều ba mươi tết, khi công việc đồng áng đã xong, lợn tết đã mổ, nồi bánh chưng đã sôi sùng sục trên bếp lửa, mẹ lấy đỗ xanh cất trong ống bầu trên gác bếp để kháp. Ngày đó, máy móc chẳng có sẵn như bây giờ nên mẹ dùng chai để lăn đi lăn lại để cho đỗ vỡ ra thành hai mảnh rồi mang đi ngâm với nước nóng cho đỗ tách vỏ lụa để chế biến chè kho.

Bên bếp lửa hồng, than củi cháy lép bép, mẹ đồ nồi đỗ xanh đã đãi sạch vỏ, khi đỗ chín mềm ra như bột, mẹ dùng mật mía đặc sánh để nấu chè. Bàn tay mẹ đều đều quyện mật và bột đỗ làm cho nồi chè từ màu vàng chuyển sang màu nâu sẫm. 

Mẹ sai chúng tôi ra vườn đào mấy củ gừng già, giã nhuyễn, vắt lấy nước để nêm vào chè cho thơm. Chẳng mấy chốc, nồi chè kho của mẹ đã hoàn thành. 

Mẹ khéo léo múc chè ra thành nhiều bát nhỏ để nguội và cất đi để thưởng thức trong ba ngày tết. Món chè kho của mẹ thưởng thức ngon nhất là vào lúc nguội. Vào đêm giao thừa, sau khi cúng tổ tiên xong, mẹ bưng đĩa chè kho vàng ruộm, thơm nức, lấy con dao nhỏ khéo léo cắt cho mỗi người một miếng nhỏ chừng hai ngón tay để cùng nhau thưởng thức đón xuân mới. Cả nhà ngồi nhâm nhi chén nước chè, ăn miếng chè kho cảm thấy không khí gia đình thật vui tươi ấm áp.

Món chè kho dân dã đồng quê mà đậm đà dư vị biết mấy. Cuộc sống hôm nay đã đầy đủ hơn nhiều, tết đến người người, nhà nhà mua sắm những thức hàng ngon và đắt tiền, nhưng tôi vẫn không sao quên được vị ngon của món chè mẹ nấu năm nào. Vị ngọt ấy đã nuôi dưỡng tuổi thơ chúng tôi khôn lớn. Chúng tôi thầm hiểu, vị ngon ấy được đổi bằng bao mồ hôi, sự tảo tần của những bà mẹ quê tôi từ bao đời nay. 

NGUYỄN THẾ LƯỢNG 

Tết về thương nhớ đủ thứ... món ăn - Ảnh 2.

Đổ nếp trong lu xay làm bánh tết 

Vụ mùa mô cũng rứa cả,  ba tôi cũng chọn miếng ruộng gần nhà để cấy nếp. Có năm cấy giống nếp Ba trăng, có năm cấy giống nếp Trứng; cũng có năm cấy giống nếp Đà. 

Khi đã gặt xong hết mấy sào lúa, ba mới cho gặt nếp. Sân phơi trước nhà phải dọn dẹp sạch sẽ tránh cho mấy hột lúa vương vãi lộn vô nếp sau này nấu xôi sẽ mất ngon. Xong vụ mùa, mạ đi xay một thúng nếp để nấu xôi cho cả nhà thưởng thức hương vị mùa nếp mới. Số nếp còn lại ba cho vô hai cái lu to bằng sành để dành cho Tết. 

Đầu tháng Chạp, mạ đổ nếp trong lu ra đi xay để chuẩn bị làm bánh tết. Cái náo nức về mùa Tết con trẻ của anh em nhà tôi có lẽ  đã đến từ khi mạ gánh hai thúng gạo nếp trắng nưu màu sữa về nhà.

Tôi nhớ nhà bác Toàn hàng xóm nhà tôi có cái cối xay bột nếp nhỏ bằng đá. Nếp dầm nước qua một đêm cho thật mềm nhừ,  rồi bỏ vào cối xay từng nhúm nhỏ, dùng tay quay cối mà xay suốt cả ngày, rồi lọc, rồi phơi, rồi hấp cho bột chín...

Sau này ở làng dưới có một cái máy xay bột hiện đại. Nếp chỉ cần rang cho chín rồi mang đi xay là bột có thể làm bánh được. Nhưng cứ đến đầu tháng Chạp nhà mô cũng chuẩn bị bột nếp cho ngày Tết nên ai cũng phải xếp hàng chờ đến lượt mình ở cái máy xay bột này…

Nhớ hương vị nếp là nhớ về cái không khí của Tết xưa với sự chắt chiu của người quê để lo cho cái Tết được đủ đầy, tươm tất. Nếp ruộng quê, đậu xanh vườn, heo cỏ nhà, có thêm vài chục trứng gà nữa để đỗ bánh thuẫn…

Không biết răng là đủ cũng không biết răng là thiếu cho một cái Tết. Nhưng cái hương vị Tết cũ nó thấm đẫm từ cái tất bật, cái hương, cái vị và cả cái tình nữa là vì người quê đã khéo léo làm thăng hoa hương vị của đất đai, cây cỏ quê nhà lên mâm cỗ.

LÊ PHI TÂN 

Tết về thương nhớ đủ thứ... món ăn - Ảnh 3.

‘Bánh sò’ cha dành riêng con

"Tụi bây phụ tau, gói xong tau mần cho tụi bây cái bánh sò". Cứ 27 tháng Chạp là cha tui hứa trả công cho mấy chị em bằng "bánh sò" với nhiệm vụ là tui với bé út sẽ lăng xăng ngồi cạnh bên cho cha dễ sai vặt.

Cha tui là tộc trưởng nên tết năm nào cũng do một tay ông gói bánh chưng cho anh em trong họ hàng. Thỉnh thoảng hàng xóm còn sang gửi mấy ký gạo nếp nhờ gói hộ vì tin tưởng độ khéo tay của cha.

27 tháng Chạp, cha gác thuyền trên bờ. Đêm hôm trước mẹ tôi thức khuya ngâm 3kg gạo nếp cho kịp, sáng hôm sau dậy thật sớm nấu đỗ xanh, cắt thịt lợn ướp tiêu, hành mỡ. Mấy cha con ăn sáng xong xuôi là xắn tay ngay vào làm bánh chưng.

Nhà tui có tận 5 đứa con gái, thành ra để có bộ váy áo hay đôi dép mới diện tết là điều xa xỉ. Cha quanh năm đi biển kiếm miếng cơm hằng ngày còn khó, lấy đâu ra tiền tích cóp mà mua quần mới, áo mới cho tận 5 đứa con.

Cận tết, cha cố vớt vát chuyến đi biển cuối cùng trong năm, tích cóp được chút tiền cho mẹ ra chợ đong gạo nếp với mấy mớ lá dong về đùm bánh chưng. Mẹ cầm chút tiền ra chợ, tính toán chi li nên mua bao nhiêu ký gạo nếp, bao nhiêu ký thịt lợn cho vừa bánh, còn dư bao nhiêu mẹ ưu tiên mua cái áo mới hay đôi giày mới cho bé út.

Ngày nhỏ thấy mẹ chỉ mua cho bé út là tui giận hờn, tị nạnh sao mẹ không mua cho mình. Nhưng giận hờn nhanh chóng tan biến khi nhìn thấy chiếc giỏ mẹ đi chợ đầy gạo nếp, lá dong. Tui nghĩ đến món "bánh sò" đặc biệt mà năm nào cha cũng làm riêng cho các con ăn.

"Con Mèo lấy cho cha nồi thịt, xong giã đậu xanh cho nhuyễn", cha tui nói to. Bé út dạ dạ, vâng vâng rồi chạy nhanh ra chỗ mẹ, nó là đứa con gái mà cha tui cưng chiều và dễ sai vặt nhất.

Vừa giã chỗ đậu xanh mẹ mới luộc chín, con Mèo (cái tên thân thương mà cả nhà tôi gọi bé út) ngồi xếp bằng cạnh cha, nó nhìn cha tứa mồ hôi ướt hết cả lưng dù giữa cái rét căm căm cuối đông. Nó lo trước mặt cha là mấy thúng gạo nếp chưa vơi, mấy thúng lá dong thì chẳng biết lúc nào cha mới gói xong đống bánh chưng này đây, cũng đồng nghĩa với thời gian chờ đợi món quà của cha sẽ rất lâu.

Đến chiều muộn, mấy thúng gạo nếp mới vơi dần, đôi mắt nó sáng rực lên giục cha: "Cha, cha, mần bánh sò cho con hén". Cha tui gật đầu. Ngay tắp lự được bật đèn xanh, mấy chị em tui xắn tay vét nốt chỗ gạo nếp còn lại trong mấy cái thúng, vét luôn đậu xanh và thịt lợn còn lại đưa cho cha.

Cha tui chọn những lá dong mềm mềm, khéo léo trộn mấy thứ gạo nếp lại với nhau, xếp đậu xanh, thịt mỡ và hành lá lên phía trên và gói thật đẹp. Gói xong, cha đưa chiếc "bánh sò" cho bé út. Mấy chị em tui mắt sáng rực mân mê chiếc bánh không nỡ rời.

Những chiếc bánh chưng vừa hoàn thành được xếp ngay ngắn vào nồi rồi cho lên bếp lửa. Nấu bánh chưng phải chọn nấu từ chiều tối, giữa cái rét căm căm được ngồi cạnh đống lửa càng ấm hơn. Thỉnh thoảng tui với út tò mò mân mê nắp vung, hé mở ra là thấy ngay bánh sò. Mất hơn 10 giờ đồng hồ, nồi bánh chưng cũng được luộc chín!

Cha xếp bánh của hai bà nội ngoại ở phía dưới, bánh của cô, của chú lên trên, bánh của gia đình mình, và chiếc "bánh sò" nằm đầu tiên. Cha dùng mấy tấm ván, hòn gạch đè lên phía trên bánh cho rảo nước.

Thế là mất hơn 10 giờ luộc bánh, chờ qua đêm cho bánh rảo nước, đến sáng hôm sau cha mới giao lại chiếc "bánh sò" cho mấy chị em chúng tôi. Đứa nào đứa nấy hồ hởi làm nước mắm, đứa thích ăn ngọt thì cho bát mật mía, chiếc bánh ngay lập tức được xẻ ra làm 12 phần cho cha mẹ, cho 5 chị em.

Tui nhớ hồi nhỏ có lần tò mò hỏi cha về tên gọi của "bánh sò", rõ ràng nguyên liệu của nó chẳng khác gì chiếc bánh chưng. Cha cười rồi chỉ hỏi tụi tui bánh có ngon không? Vị bánh thơm lừng khiến đầu óc những đứa trẻ mê mẩn chẳng thèm đoái hoài gì đến tên gọi của nó, với chúng miễn là có bánh ăn.

Lớn lên tôi nhận ra nguyên liệu làm bánh là thứ gạo nếp sót lại trong mấy chiếc thúng của anh em, hàng xóm. "Bánh sò" cũng là thứ bánh chín và rảo nước nhanh nhất dành riêng cho đám trẻ ăn trước cho đỡ thèm. Chiếc bánh chứa đựng cả tình thương của cha dành cho mấy đứa con gái tội nghiệp. Trước tết chúng chẳng có quần áo mới như đám bạn, chúng chỉ có chiếc "bánh sò" cha dành riêng cho con thôi.

Trong mắt mấy đứa con gái chẳng cần mỹ nam Hàn Quốc, chỉ có cha là thần tượng đẹp nhất. Cha dầm mình trên biển mấy ngày trời chẳng nề hà, đôi vai người đàn ông xứ biển lực lưõng làm quần quật quanh năm suốt tháng.

Ấy vậy mà tui nhớ cái tết năm thứ ba đại học: cha ngã!

Hai chị gái đi lấy chồng. 27 tháng Chạp, chỉ có cha mẹ và ba chị em quây quần làm nồi bánh chưng lớn. Như thường lệ mọi năm, cha vẫn dành riêng chiếc "bánh sò" cho mẹ và mấy chị em tui.

Đêm 27 tháng Chạp, tui đang ngồi trong nhà nói chuyện với mấy đứa bạn, bỗng mẹ tôi hét lớn: "Mấy đứa, mấy đứa, nhanh nhanh, cha mi…". Cha vừa bê nồi bánh chưng lên nhà thì sức lực như biến đâu mất, cha ngã xuống giường nằm một chỗ.

Đó là cái tết đầu tiên cả nhà không được thưởng thức món bánh đặc biệt của cha nữa. Năm đó chẳng ai còn có tâm trí nghĩ đến chiếc bánh khi nhìn thấy cha chỉ nằm một chỗ.

Giao thừa năm đó, cũng là lần đầu tiên tui và bé út phải đi chúc tết họ hàng mà không có cha đi cùng.

Giao thừa năm đó, cũng là lần đầu tiên tui cất lời chúc sức khỏe cho cha, cho mẹ. Nghe lời chúc của tui xong, nước mắt cha tui rơi xuống hai gò má nhăn nheo.

Giao thừa năm đó, chẳng có ai đi xông đất quanh nhà như mọi khi. Nhiệm vụ đó đáng lẽ ra là của cha trong giây phút thiêng liêng nhất.

Ra tết, tụi tui nhanh chóng đưa cha ra viện Hà Nội chữa trị. May mắn, cha hồi phục rất nhanh. Giờ đây cha đã mua thuyền mới, lại tiếp tục ra khơi!

Tết này, tụi tui hứa sẽ về với cha, với mẹ. Ngày nào ông bà cũng gọi giục con cháu nhớ về tết sớm, con ông này, cháu bà kia về quê hết rồi, chỉ chờ tụi mày về sum vầy thôi. Cũng lâu rồi tui không có về cùng cha làm bánh chưng, chờ đợi chiếc "bánh sò" ngày tết nữa.

Năm nay tui hứa về sớm, về ăn món "bánh sò" của cha.

HÀ THANH

Mời bạn tham gia viết bài 'Tết của tôi'

Cứ mỗi độ xuân về, kỷ niệm về cái Tết lại ùa về trong mỗi chúng ta. Tết trong tôi là hương của chiếc áo mới. Tết của bạn là những những bao lì xì. Tết của những ai xa quê là mong về đoàn tụ bên gia đình, người thân...

Những thứ ấy đã trở thành kỷ niệm đẹp, không cần hồi tưởng, nó vẫn cứ ùa về trong nỗi nhớ miên man.

Tết, cũng có thể không chỉ là kỷ niệm, mà còn là những chiêm nghiệm, suy nghĩ về bản thân, những điều cần làm, những yêu thương, dự định cần thắp lên.

Xuân Mậu Tuất sắp đến, nhằm ghi lại những ký ức đẹp và chia sẻ những suy nghĩ, Tuổi Trẻ Online kính mời bạn viết bài với chủ đề 'Tết của tôi ' cho chuyên mục Bạn đọc làm báo .

Bài viết không giới hạn về thể loại bao gồm: văn xuôi, văn vần, thơ... có độ dài tối đa 1200 từ (có thể kèm theo clip, hình ảnh). Những bài viết khi đăng sẽ được trả nhuận bút.

Mọi thư từ, bài viết xin vui lòng gởi về: [email protected]ông tin bạn đọc, số tài khoản... xin ghi rõ dưới bài viết. Chân thành cảm ơn!


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0