Hành lý và đồ chơi trẻ em vương vãi tại hiện trường vụ lật xe khách làm 2 người chết và 10 người bị thương, đoạn qua Đà Nẵng ngày 27 Tết Mậu Tuất - Ảnh: TẤN LỰC
Những chiến dịch truyền thông có lẽ là không đủ để thay đổi tình trạng uống rượu bia quá đà vào dịp lễ, tết. Cần có thêm chính sách kiểm soát việc mua bán rượu và lập nhiều chốt kiểm tra trên đường vào dịp lễ, tết để tăng ý thức trách nhiệm của người lái xe và giảm số vụ tai nạn
SETH PHIRIYAWIWATWONG
Ông SETH PHIRIYAWIWATWONG (người Thái Lan):
Bia rượu là nguyên nhân của tai nạn, ẩu đả
Tết là thời gian hạnh phúc nhất trong năm nhưng lại là lúc xảy ra hàng trăm vụ tai nạn do nhiều nguyên nhân, mà dễ thấy nhất là TNGT và ẩu đả sau khi bia rượu quá chén.
Về cơ bản, tôi thấy ở Việt Nam gần như mọi người không phân biệt làn đường ôtô và làn đường xe máy. Người ta chen vào bất cứ chỗ nào còn trống trên đường, ngay cả khi đó là một khe hở nhỏ giữa hai chiếc ôtô. Và nhiều người cũng rẽ trái, rẽ phải đột ngột rất nguy hiểm.
Đặc biệt khi các tài xế có hơi men, mọi thứ còn tệ hơn. Thực tế cho thấy rượu có liên quan đến nhiều vụ TNGT ở Việt Nam, thậm chí cả các vụ ẩu đả đến chết người. Những con số thống kê TNGT sau những ngày lễ, tết như nói rằng những chiến dịch truyền thông "Đã uống rượu bia, không lái xe" hoặc "Uống có trách nhiệm" có lẽ đã không thành công ở Việt Nam.
Ở Việt Nam, bia rượu dường như còn là một phần của... văn hóa. Ngày lễ, tết là đàn ông càng khó từ chối bia rượu. Rồi sau khi uống quá nhiều dẫn đến ẩu đả, hay say rượu lái xe đều gây ra hậu quả xấu.
Ông GARY WALSH (người Ireland):
Cuộc sống quan trọng hơn việc chạy nhanh đến đích
Ông GARY WALSH
Tôi chưa từng trải nghiệm điều gì tương tự như tình trạng giao thông ở Việt Nam và khi mới đến đây, tôi đã rất sốc.
Khi có nhiều người đi lại như những dịp lễ tết, tình trạng giao thông thường lộn xộn hơn và cũng thường nguy hiểm hơn. Đây là lý do có nhiều vụ tai nạn hơn vào những dịp này.
Vụ tai nạn đầu tiên mà tôi thấy là vụ mà tôi chính là người trong cuộc. Tôi lái xe ở Vũng Tàu thì bất ngờ có một người đàn ông chạy xe máy cắt ngang đầu xe tôi.
Người tôi bị trầy xước và thâm tím, nhưng may mắn vì tai nạn không nặng.
Một trong những vấn đề lớn mà tôi thấy ở nhiều người lái xe tại Việt Nam là không kiểm tra xe cộ phía sau, bên trái, bên phải của mình khi cần sang đường hay quay đầu xe.
Nhiều người còn đội thêm nón che nắng gây giới hạn tầm nhìn, khiến họ không nhìn thấy hết những gì quanh mình khi lái xe. Điều này gây nguy hiểm cho chính họ và những người đi đường khác.
Tôi cũng đi du lịch nhiều ở Việt Nam, nên thấy tình trạng giao thông bên ngoài thành phố khá nguy hiểm. Nếu có thể, tôi muốn nói với những người tham gia giao thông ở Việt Nam là cuộc đời của chúng ta quan trọng hơn nhiều so với việc đến nơi nào đó cho thật nhanh.
Ông STEVERINO (người Mỹ):
Lái xe ở Việt Nam, điều gì cũng có thể xảy ra
Tôi rất ấn tượng với sự thân thiện của con người và giềng mối gia đình chặt chẽ trong văn hóa Việt. Nhưng thái độ khi lái xe của các tài xế lại khác hẳn với thái độ họ dành cho gia đình, bạn bè.
Dường như khi lái xe, họ chỉ nghĩ đến mình trước tiên. Họ thích làm gì thì làm, hoặc người khác phải tự điều chỉnh để không gây tai nạn với họ.
Ở Việt Nam, tôi lái xe rất nhiều, đi từ Sài Gòn về Vũng Tàu, đi xuyên Việt và rất nhiều chuyến đi ngắn khác.
Khi lái xe, tôi phải chuẩn bị sẵn tâm lý là điều gì cũng có thể xảy ra ở phía trước: ai đó có thể đột ngột dừng xe lại để trả lời điện thoại ngay giữa đường, nông dân phơi nông sản ven đường hoặc có người đột ngột rẽ vào làn đường bạn đang đi.
Để an toàn, người lái xe phải cảnh giác tất cả những điều này và những yếu tố có nguy cơ mang lại rủi ro khác.
Tôi cũng đã thấy nhiều người lái xe say xỉn đến mức không biết lái đi đâu, thậm chí té xuống đường.
Để thay đổi thực trạng giao thông ở Việt Nam, người điều khiển xe phải tuân thủ Luật giao thông và chính quyền có biện pháp chế tài đủ mạnh để đảm bảo luật được chấp hành, đặc biệt đối với các vi phạm nghiêm trọng như đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, không quan sát khi vào đường ưu tiên.
Ông HUGO D.B.
Ông HUGO D.B. (người Bỉ):
Có một số quy luật "ngầm"
Giao thông ở Việt Nam rất đặc biệt. Thoạt nhìn, nó có vẻ như rất lộn xộn, nhưng bạn sẽ phát hiện một số quy luật "ngầm" như sau:
- Phải luôn quan sát: bạn phải quan sát hành vi của người khác; ổ gà, chướng ngại vật, những công trình thi công không có biển báo; những tay lái ẩu và cuối cùng là những phương tiện không có đèn chạy trong trời tối.
- Cứ chen, cứ đi trước: khi cần rẽ hay đổi hướng lái, người ta không đi chậm lại hay dừng lại. Mọi người chen vào tất cả các không gian còn trống. Lái xe khi đèn đã đỏ và chạy trước khi đèn xanh bật sáng. Rẽ phải ở các ngã tư mà không chậm lại, dù lúc này là lúc người đi bộ sang đường.
Ở Bỉ, để đảm bảo an toàn giao thông, những điều sau rất được chú trọng: tốc độ phù hợp; ưu tiên người đi bộ, đi xe đạp; đưa luật giao thông vào giảng dạy ngay từ cấp I và các bậc học khác...
Ông AUDREY L. (người Pháp, du khách):
Nhiều người ý thức kém
Tết là dịp để mọi người đoàn tụ, nghỉ ngơi sau một năm dài lao động vất vả, nhưng nhiều người lấy lý do tết để biện bạch cho những hành vi thiếu ý thức, thiếu văn minh như nhậu nhẹt say khướt, đốt pháo, xả rác bừa bãi...
Trong cả hai dịp tết có mặt tại Việt Nam, tôi đều chứng kiến nhiều vụ ẩu đả, TNGT do rượu bia gây ra. Những người nước ngoài đến du lịch tại Việt Nam dịp tết vô tình chứng kiến cảnh này đều cảm thấy rất sợ hãi và mất thiện cảm.
Tôi cho rằng một bộ phận người Việt vui nhưng không biết điểm dừng, ý thức kém khiến ảnh hưởng đến hình ảnh đẹp về một cái tết bình an, sum vầy.
Tại khu vực gần nơi tôi sinh sống, một số người thậm chí còn đốt pháo ngay trong đêm giao thừa và suốt những ngày sau đó, gây ra nhiều tiếng nổ đinh tai nhức óc, trong khi việc đốt pháo đã bị cấm từ hơn 20 năm trước do độ nguy hiểm và sát thương cao.
Ông Wayne Jordan
Ông WAYNE JORDAN (người Anh):
Thích bóp còi hơn bóp thắng
Quan sát việc lái xe ở Việt Nam, tôi thấy nhiều người thiếu ý thức và ai cũng vội vàng.
Xe cộ đi lại rất thiếu trật tự, một số người lái xe rất nhanh và tài xế xe buýt không tôn trọng những người đi đường khác.
Tôi cũng thấy người ta thích bóp còi hơn bóp thắng (đặc biệt là xe buýt).
Để tránh tai nạn, tôi nghĩ cần có sự gia tăng nhận thức về những người xung quanh khi chúng ta lái xe. Hãy tuân thủ Luật giao thông, luật là để bảo vệ chúng ta, bảo vệ sinh mạng mọi người.
Một vấn đề nữa là nạn lái xe sau khi uống rượu. Nhiều người trong chúng ta chắc có lẽ đều từng lái xe sau khi uống bia rượu.
Chúng ta nghĩ tai nạn không xảy ra với mình, nhưng có khi tình huống nguy hiểm đến từ người khác và nếu bạn say thì làm sao bạn ứng phó được tình huống đòi hỏi sự chú ý và tỉnh táo?
Vì vậy nếu bạn biết mình sẽ đi uống bia rượu, hãy để chìa khóa xe ở nhà, uống xong đi taxi về. Cuộc sống này quý giá lắm.
Ông Pierre Siquet
Ông PIERRE SIQUET (người Bỉ):
Lãng phí sinh mạng
Tôi thấy nhiều người chạy xe ở Việt Nam rất thiếu kiên nhẫn, họ tranh thủ từng centimet một trong lúc kẹt xe, chứ không chịu nhường nhau để có chỗ cho dòng xe cộ lưu thông, đặc biệt ở các ngã tư.
Một vấn đề nữa là việc vi phạm tốc độ của các xe từ 12 chỗ ngồi trở lên, dịp tết thì tình trạng này càng kinh khủng hơn nữa.
Còn nữa, những người đã uống rượu say xỉn mà còn lái xe sẽ gây nguy hiểm cho bản thân họ và người đi đường.
Tôi thấy những vụ tai nạn ở đây có vẻ như là một sự lãng phí mạng sống con người, vì hầu hết trường hợp đều có thể tránh được.
NGỌC ĐÔNG ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận