1. 16 tuổi, lần đầu tiên đón Tết ở Sài Gòn để lại trong tôi nhiều ấn tượng khó quên. Đầu tiên là chuyện đi xe buýt, thời điểm ấy cả miền Nam chỉ Sài Gòn là có xe buýt. Vừa đặt chân vào Sài Gòn, việc đầu tiên của tôi là tìm đi xe buýt cho biết.
Nhà tôi ở đường Nguyễn Huệ (nay là Thích Quảng Đức), Phú Nhuận, Gia Định. Hồi đó tỉnh Gia Định chưa sáp nhập vào đô thành Sài Gòn, đi đến khu trung tâm quận 1 người ta quen nói "đi Sài Gòn".
Tôi đi bộ đến ngã tư Phú Nhuận, nơi có trạm xe buýt. Khách khá đông, hết chỗ ngồi, gần Tết nên lượng khách tăng lên chăng? Tôi len vào hàng người đứng giữa xe, tay lần túi quần mới hay bỏ quên tiền ở nhà. Niềm háo hức lần đầu đi xe buýt biến mất, thay vào đó là sự bối rối.
Chưa biết tính sao thì cô bán vé tới gần, đành ấp úng nói thật quên tiền. Nghĩ là sẽ phải nhận câu gắt gỏng, sẽ bị đuổi xuống xe, nhưng cô lại nhoẻn cười: "Không sao, cưng".
- Để tôi trả giùm cho - chợt một ông khách đứng cạnh lên tiếng - Em đi đâu?
- Dạ, Sài Gòn. Em… Em cảm ơn anh - tôi ấp úng vì còn mắc cỡ.
Xe chạy. Trên xe chẳng ai để ý chuyện để quên tiền ngoài… tôi. Tôi cứ miên man nghĩ về nó. Rồi nghĩ về người Sài Gòn, sao họ tốt quá vậy?
Nhớ lại trước khi vào Sài Gòn, ba mẹ tôi căn dặn đủ điều, không được làm điều này, không được làm điều kia, phải biết phòng thân vì Sài Gòn nhiều cạm bẫy, những đứa bạn thì kể chuyện du đãng Sài Gòn nghe mà hoảng.
Bản thân tôi hồi đó mới học trung học nhưng đã đọc truyện Luật hè phố của Duyên Anh, Loan mắt nhung của Nguyễn Thụy Long, kể chuyện các băng đảng thanh toán nhau để tranh giành địa bàn làm ăn. Đọc vừa sợ vừa thích.
Sau này ở lâu mới biết hóa ra đó là trong truyện, còn ngoài đời người Sài Gòn sống chan hòa, thật lòng, ưa giúp người.
Tôi thích đi xe buýt từ đó. Xe buýt lúc nào cũng đông khách. Người Sài Gòn hồi đó chọn xe buýt như là phương tiện ưu tiên vì tiện lợi, giá rẻ. Khoảng những năm cuối thập niên 1960, nhiều gia đình đã có xe gắn máy nhưng chỉ sử dụng những lúc cần thiết như thăm viếng bà con, dạo chơi cuối tuần…
Đi xe buýt, tôi học được nhiều điều hay về lối sống của người Sài Gòn: nhường nhau khi lên xuống xe, nhường ghế cho người già, luôn giữ tiếng cảm ơn nơi cửa miệng…
Sau này lớn lên tôi vẫn giữ thói quen đi xe buýt, chỉ đi xe ôm, xe máy những khi có chuyện gấp gáp. Bạn bè chê tôi lúc nào cũng chậm chạp, tôi chỉ cười. Có một kỷ niệm nhỏ đầu đời đã níu chân chàng thanh niên mới lớn gắn bó xe buýt với thành phố này đến tận hôm nay.
2. Nhưng ấn tượng sâu sắc nhất với tôi là hoa Tết Sài Gòn. Hoa Tết từ công viên ra đường phố. Đi đâu cũng thấy hoa. Tết, Sài Gòn biến thành một thành phố hoa.
Tôi bị choáng ngợp từ lần đầu được thấy một rừng hoa như vậy. Tôi và vài đứa bạn đón xe buýt đến khu trưng bày hoa tập trung trên đường Nguyễn Huệ. Trước 1975 Sài Gòn đã có đường hoa, chợ hoa Nguyễn Huệ.
Đi từ đầu đường có bồn phun nước giáp đường Lê Lợi đến cuối đường giáp bến Bạch Đằng, tôi nhìn ngắm suốt buổi mà không chán. Đến bến Bạch Đằng thấy có nhiều thuyền chở hoa, đi lần ra rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hủ lại phát hiện một thành phố hoa trên bến dưới thuyền tấp nập.
Cảnh tượng vô cùng quyến rũ. Nếu bạn là dân miền Trung sẽ hiểu lòng tôi rộn rã thế nào. Miền Trung cũng có sông nhưng phần lớn nước chảy xiết vào mùa mưa và cạn trơ đáy vào mùa khô, sông ngòi chủ yếu phục vụ tưới ruộng đồng, ít dùng cho việc vận chuyển hàng hóa.
Trong lòng cậu thiếu niên 16 tuổi trỗi dậy ước mơ làm một chuyến đi dài đến cuối con rạch xem sao.
Nghĩ là làm. Hôm sau tôi một mình lân la ra rạch Bến Nghé. Một ông chủ thuyền gọi:
- Ê thằng nhóc khuân vác, lại đây bưng mấy chậu kiểng này lên bờ coi!
Khỏi nói tôi mừng cỡ nào. Hồi đó tôi bắt đầu lớn, có thêm nhu cầu chi tiêu mà trong túi lúc nào cũng trống rỗng. Tôi làm việc đến trưa thì nghỉ. Ông chủ trạc tuổi 40 trả tiền, dặn mai tới làm tiếp. Hôm sau làm hết buổi thì số hoa kiểng trên thuyền cũng vừa bán hết. Ông Sáu chủ thuyền nói:
- Mày muốn đi một chuyến miền Tây chở hoa về bán Tết không?
Đúng điều tôi ước mơ từ lâu, nhưng còn phải về xin phép ba mẹ nên tôi thưa:
- Dạ, để con trả lời sau.
- Ừa, về xin phép gia đình đi. Nếu đi, mai nhớ tới sớm.
Về nhà sợ ba mẹ không cho đi, tôi bèn phịa ra là tới nhà bạn học bài, dạo đó trường đã cho học sinh nghỉ Tết. Ba mẹ gật đầu, tôi mừng rơn. Thế là hôm sau tôi cùng đi với ông Sáu. Trên thuyền, còn có vợ ông Sáu và hai con, một trai một gái.
Cô con gái trạc tuổi tôi, còn cậu con trai mới chừng mười tuổi. Thuyền xuôi sông Sài Gòn về sông Soài Rạp, Vàm Cỏ, kênh Chợ Gạo, vượt sông Tiền, cuối cùng dừng ở kênh Chợ Lách - vùng đất nổi tiếng trồng hoa Tết của tỉnh Kiến Hòa (nay là Bến Tre).
Chuyến đi gần trọn một ngày đã hút hết tâm trí tôi, mọi thứ đều là lần đầu tôi được thấy, từ sông rạch mênh mông đến cuộc sống thương hồ.
Ông Sáu xuống thuyền tìm mua bông. Mọi việc khẩn trương và gấp gáp.
Bông mua xong được chất xuống thuyền ngay trong đêm để sớm mai nhổ neo sớm về lại Sài Gòn vì đây là mặt hàng phải bán ngay, càng để lâu càng mất giá.
- Trời này mai xuôi gió, mình tranh thủ đi sớm - ông Sáu nhìn trời nói.
Tầm nửa đêm mọi việc mới xong xuôi. Ông bà Sáu đi nghỉ với thằng út. Còn tôi và Thắm - tên con gái ông Sáu - ngồi trước mũi thuyền hóng gió.
Quanh chúng tôi, các thuyền từ Sài Gòn về lấy hàng nhộn nhịp suốt đêm. Hồi đó thuyền chỉ thắp đèn dầu, sang thì đèn măng xông.
Lối xuống bến chỉ có vài bóng đèn điện tròn vàng vọt, muốn sáng thấy đường khuân vác, người ta phải thắp thêm đuốc. Ngồi một lát tôi hứng chí rủ Thắm xuống thuyền đi dạo. Thắm đồng tình. Vậy là hai đứa lẻn đi.
Chúng tôi đi xa bến thuyền, ra một con lộ lớn được thắp sáng bằng đèn điện. Vừa đi vừa trò chuyện, tôi mới biết Thắm bằng tuổi tôi nhưng học hết tiểu học thì nghỉ.
Thắm nói thích đi học lắm nhưng đời thương hồ của ba không cho phép cô học tiếp. Tôi nói nếu Thắm thích thì tôi sẽ kèm Thắm học.
Dưới ánh đèn đường, đôi mắt Thắm sáng lên. Trong giây lát tôi ngỡ như có hai vì sao trời lạc xuống. Lúc quay lại bến thuyền chợt có tiếng gọi:
- Anh kia, đứng lại cho coi giấy tờ!
Đứng lại thì thấy mấy người lính mang súng, tôi than thầm "Thôi chết rồi, sáng qua đi vội quên mang theo thẻ học sinh". Hồi đó đang chiến tranh, cấm dân đi lại trong giờ giới nghiêm. Tôi và Thắm năn nỉ, rằng chúng tôi là học sinh ở Sài Gòn xuống mua bông, thuyền chúng tôi đậu gần đây thôi.
Nhưng họ không nghe, dắt tôi về đồn. Tôi không sợ hãi hay mất bình tĩnh, nhưng tôi sợ ông Sáu rầy la vì công việc làm ăn của ông bị chậm trễ. Thắm đành về một mình, thấy ông Sáu đã ngủ nên không dám đánh thức.
Sáng hôm sau, theo kế hoạch, bốn giờ sáng là thuyền nhổ neo. Lúc này ông Sáu mới hay tin tôi bị bắt. Ông tức tốc tới đồn cảnh sát bảo lãnh tôi ra. Hồi đó luật pháp quy định người chưa đủ 18 tuổi bị bắt được giám hộ bảo lãnh sẽ được tại ngoại.
Nhưng, đồn chưa làm việc, mãi đến tám giờ mới có người tiếp. Người ta bắt ông Sáu viết cam kết, sao lưu giấy tờ tùy thân.
Thủ tục đến hơn chín giờ mới xong. Trên đường về ông Sáu không nói một tiếng. Chuyến hàng ấy về trễ một buổi so với kế hoạch, đủ để bạn hàng bỏ đi lấy các mối khác.
Tết tới chân rồi, không ai chờ đợi ai. Ông Sáu đành đưa bông lên bờ bán lẻ, được chậu nào hay chậu nấy. Tôi ở lại phụ ông như là để chuộc lỗi, lặng lẽ làm việc quên cả thời gian. Đến khi ông Sáu nói:
- Nhóc, về nhà đi, sắp đến giao thừa rồi!
Tôi giật mình. Giờ này chắc ba mẹ đang nóng ruột. Ông Sáu gọi tôi lại trả công không thiếu một cắc. Tôi không dám lấy, thưa rằng vì tôi mà hàng bán không hết, bị thua lỗ. Ông Sáu cười nói:
- Thôi, hổng nói nhiều! Tao thấy mày làm cũng được thì tao thưởng Tết!
Sau Tết tôi tìm lại bến thuyền nhưng không còn thuyền ông Sáu ở đó nữa. Tôi nghe nói dân thương hồ lấy trời đất làm nhà, sông hồ làm bạn, giờ như chim trời cá nước, biết tìm ông Sáu và Thắm ở đâu?
Tự trong sâu thẳm lòng tôi, hình ảnh một ông Sáu phóng khoáng, trọng nghĩa tình vẹn nguyên mãi tới sau này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận