Xóm trọ công nhân ngoài vùng ven, hôm nay, vắng vẻ, phần lớn công nhân đã về quê nhân dịp nghỉ lễ Tết dương lịch . Thế nhưng, trong xóm ấy, có vài nhà không về quê: cô Tư bánh cuốn, chú Ba sửa xe, chị bán cà phê cóc...
Tất cả họ, tôi không còn nhớ đã bao nhiêu lần của ngày cuối năm, và tôi gặp mặt họ ngày đầu năm với dáng vẻ không khác năm cũ.
Khác với cảnh chen lấn, kẹt xe đang ồn ã ngoài kia, ở góc nhỏ nào đó của Sài Gòn, nơi mà tình xóm giềng đã keo sơn gắn bó như "muối mặn gừng cay" bao nhiêu năm nay để họ có thể tự an ủi mình khi không về được hoặc không còn nơi để về; đó là nhà, là gia đình, chắc rằng sẽ rất ấm lòng người lang bạt!"
Phạm Minh Hiền
Cô Tư bánh cuốn, người phụ nữ dáng người nhỏ xíu, ở tận ngoài Trung. Hàng bánh cuốn nóng hàng ngày của cô ở góc vỉa hè, vài ba cái bàn bày sát vào góc tường. Cô kể, cuộc đời cô gian truân lắm, xô ngã trôi dạt vào tận đây, sống một mình với thau bột đã gần một thập niên.
Xem khách hàng là niềm vui, vài khách hàng của cô cũng đặc biệt lắm; sinh viên, anh công nhân hay chú vé số... mỗi một dĩa bánh cuốn đến tay các vị khách ấy, phải cho thêm ít bánh, miếng giò...
Có lần tôi tò mò: "Cô bán vậy sao mà lời?", cô cười: "Kệ, lời ít chút cũng được, để cho người ta no mà còn đi làm...".
Bánh cuốn nóng của Sài Gòn bao năm nay đã ngon, được người Trung làm nên bằng sự chân chất, bao dung với cái tình đơn giản. Ngày cuối năm Sài Gòn se lạnh, tôi thấy dĩa bánh cuốn nóng làm ấm lòng mình bằng nhiều thứ tình của cô Tư trong ấy...
Chú Ba sửa xe, người lúc nào cũng tèm nhem dầu nhớt. Đôi khi tôi hình dung chú là một bác sĩ của những chiếc chân sắt. Một bác sĩ có tâm, bác sĩ lành nghề.
Tôi tự mình định nghĩa của chữ "lành nghề", là một người sửa xe chuyên tâm, cần mẫn, và chú sẵn sàng cho đi những giọt mồ hôi của mình khi anh chàng sinh viên bị hư xe nhẹ.
Và những người trong xóm, người ta yên tâm giao luôn chiếc xe của họ cho chú khi nó bị hư, người không phải lo sợ bị tráo đổi phụ tùng, vì người ta tin, lòng tin ở xóm giềng, lòng tin trao đi thật dễ dàng khi sức lao động được tạo ra từ những gì chất phác nhất.
Chú là người miền Tây, sau trận dịch gia cầm, gia đình chú mất trắng, trôi nổi lên tận đây học một cái nghề mưu sinh.
Chị bán cà phê cóc: Chị bưng tận nơi với mỗi ly cà phê chỉ mười nghìn đồng. Tôi, gia đình tôi, những hàng xóm của tôi, hoàn toàn tin tưởng những giọt cà phê của chị pha. Chị bán cà phê bởi vì chị yêu cà phê, chị yêu mùi vị của từng loại cà phê. Chị tìm hiểu và biết rõ về nó.
Tôi thích nghe chị phân tích thế nào là hạt Arabica, thế nào là hạt Robusta. Không những tôi thích ly cà phê của chị, mà còn thích cả nụ cười tươi rói.
Nụ cười của cô gái xứ Bắc, nhẹ nhàng và thân thương quá đỗi. Mỗi một ly cà phê, chị khuyến mãi thêm một nụ cười, và tôi tin nụ cười cho đi là một vị ngon mỗi ngày, nên quán cà phê ấy lúc nào cũng đông khách.
Và còn bà chủ nhà trọ nữa chứ. Mỗi dịp cuối năm, bà bớt cả nửa tháng tiền nhà trọ, bà nói: "Cuối năm thì tôi cũng phải quà cáp cho mấy chú, mấy thím, nhưng tôi biết mua gì đâu. Thôi thì... bớt tiền nhà trọ, để mọi người có thêm chút đỉnh để vui chơi vài ba ngày...".
Cái bà cho đi khi có dịp, tôi cảm nhận được bà nhận lại những thứ quý giá hơn biết bao.
Là những lời chúc, lời cảm ơn chân thành và tử tế. Những món ngon họ đã chia sẻ cho bà ở mỗi miền Bắc - Trung - Nam mà những người con nơi đất khách vẫn còn giữ nguyên hương vị quê nhà.
Nhà họ đó, quê hương thứ hai của họ đó chứ đâu! Nơi mà họ đã mưu sinh bằng sức lao động, bằng những giọt mồ hôi minh mẫn để xây dựng cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.
Hãy lắng lại đôi chút trong cuộc sống hối hả này để chia sẻ những khoảnh khắc, những câu chuyện mà bạn nghe thấy, quan sát được xung quanh để chúng ta cùng thấy cuộc đời còn có rất nhiều mảnh ghép thú vị khác. Xin mời bạn gửi những sẻ chia, cảm nhận của mình về địa chỉ: [email protected]. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận