06/02/2013 05:20 GMT+7

Tết ở xóm Sở Thùng

N.TRƯỜNG - T.CƯỜNG
N.TRƯỜNG - T.CƯỜNG

TT - Hiếm có nghề nào đón tết muộn và vội vã “chia tay” tết như nghề thu gom rác dân lập. Công việc của họ kéo dài đến đêm giao thừa và bắt đầu từ mồng 2 tết.

xrCYih7C.jpgPhóng to

Những ngày gần tết, lượng rác nhiều nên vợ chồng ông Út - bà Bé Hai nhọc nhằn hơn - Ảnh: Trung Cường

Những ngày này, xóm Sở Thùng (hẻm 348 Phan Văn Trị, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vắng bóng người lớn, chỉ có tiếng nói cười của trẻ con. Những ngày cuối năm, việc thu gom rác trở nên nặng nề hơn bao giờ hết với lượng rác gấp hai, ba ngày thường.

Nhọc nhằn cuối năm

20g tối 24 tháng chạp, vợ chồng ông Út (53 tuổi) mới về đến phòng trọ, họ chẳng buồn ăn uống vì ê ẩm cả người, chỉ muốn ngả lưng nằm nghỉ. Gần 15 năm xa quê vào TP.HCM gắn bó với việc gom rác cũng là chừng ấy năm hai vợ chồng ông Út không về quê ăn tết. “Từ ngày 15 tháng chạp trở đi là tất bật làm từ 5g sáng đến tối, những ngày cận tết phải đến khuya mới xong” - ông Út nói. Bà Bé Hai, vợ ông Út, nói những ngày cuối năm phải gom rác sạch sẽ cho nhà người ta đón tết, còn nhà mình chẳng dọn dẹp, chuẩn bị gì vì về đến phòng trọ đã mỏi nhừ tay chân. Nhiều năm hai vợ chồng ông về đến phòng trọ đã qua giao thừa nên chỉ cúng qua loa.

Anh Trần Thanh Ngắm đã có sáu năm thu gom rác, mỗi tháng tiền công gần 3 triệu đồng, đủ trả tiền xăng dầu, sửa xe và ăn uống. “Thu nhập chủ yếu là tiền bán ve chai, cả tháng cũng được gần 2 triệu đồng” - anh Ngắm nói. Theo anh Ngắm, năm nay người nhặt ve chai nhiều, giá ve chai hạ như giấy vụn 3.000 đồng/kg còn 1.500 đồng/kg, giá sắt không tăng mà có thời điểm còn xuống. Năm nay, lượng ve chai gom được sụt giảm gần 40% khiến thu nhập giảm, làm cái tết nhà anh cũng buồn hơn. Cực thì cực vậy nhưng nghỉ một ngày anh cũng không nỡ vì “lấy gì mà ăn”. Còn bà Nguyễn Thị Hai, 62 tuổi, than thở: “Trước đây hết tuần mới gom bán phế liệu, năm nay khó khăn quá cứ ba ngày phải đem bán lấy tiền mua gạo”.

Tết chóng vánh

Đa số người thu gom rác chỉ nghỉ mồng 1 tết, ngày mồng 2 đi làm để được nhận lì xì, quà tết. Mỗi năm vợ chồng ông Út thay nhau về quê vào dịp rằm tháng giêng, xem như về tết. “Ra giêng ít rác nên tranh thủ về thăm người thân, về cũng chỉ một người, người còn lại làm” - ông Út kể. Gắn với nghề này, nhiều người nói “bệnh cũng không dám nghỉ” vì khó tìm người làm thay, chưa kể số tiền phải trả 150.000 đồng/ngày quá cao. Tết năm nay vợ chồng ông Út chẳng dư dả gì, chỉ đủ tiền mua cho cháu nội một bộ quần áo. Còn bà Hai dự tính: “Ngày 29 tết mua một ký thịt, chục hột vịt về đón giao thừa”. Đây là món ăn quen thuộc hằng năm đón giao thừa và ăn tết của nhà bà Hai.

Tết đã cận kề, song chị Võ Thị Như Loan chưa sắm sửa được gì. Chị khoe mấy đòn bánh tét, mấy bộ đồ mới của con, tất cả đều là “các tổ chức từ thiện cho chứ tiền đâu mua sắm, làm đồng nào xào hết đồng ấy rồi”. Chủ nhà trọ thương tình tặng chị Loan gói bột ngọt, đường ăn tết. Còn chị Nguyễn Thị Say khoe bộ đồ “cũ người mới ta” của cậu con trai út mặc tết. Nhắc đến việc sửa soạn đón tết, chị Say nói: “Mấy hôm nữa chắc cũng phải mua ít bánh mứt cho các con có tết”.

Cái tết của những người thu gom rác trôi qua chóng vánh, dường như không đọng lại dư âm trong họ.

N.TRƯỜNG - T.CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên