21/01/2012 10:09 GMT+7

Tết ở nơi không có tết

LAN ANH - NGỌC HÀ
LAN ANH - NGỌC HÀ

TTO - Tết đã kề bên, nhưng Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai ngày nào cũng có khoảng 250 người bệnh đến lọc máu theo chù kỳ.

Chỉ tấm bảng thông báo “Nhà nước cho nghỉ 9 ngày, nhưng bệnh nhân và nhân viên y tế chỉ được nghỉ 2 ngày”, bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Quyền Trưởng khoa thận nhân tạo hóm hỉnh: "Từ xưa đến nay chúng tôi không có tết".

bS2eLn5S.jpgPhóng to

Cả nhà ông Ngô Xuân Đăng mất Tết vì căn bệnh viêm màng não quái ác - ảnh: Ngọc Hà

Đặt lịch trực tết trước…1 tháng

Khoa thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai có 550 bệnh nhân lọc máu theo chu kỳ và 50 bệnh nhân cấp cứu/tháng. Bệnh nhân theo chu kỳ, có nghĩa là đều đặn tuần 3 lần họ đến bệnh viện và để tránh bệnh trở nặng, bệnh viện phải đảm bảo lọc máu 3 lần/tuần cho bệnh nhân, kể cả tết.

Từ 1 tháng nay, bác sĩ Dũng đã phải họp với cán bộ y tế và bệnh nhân trong khoa, để làm sao “dồn toa”, làm sao cho người bệnh và nhân viên y tế được nghỉ 30 và mồng 1 tết. “Hai năm trước, chúng tôi làm cả đêm 30, qua cả giao thừa” - bác sĩ Dũng kể.

Về Khoa thận nhân tạo từ khi còn là một nữ bác sĩ trẻ, giờ đây bác sĩ Lê Thị Thu đã nghỉ hưu 8 năm, nhưng còn sức, còn cống hiến, bà tiếp tục ở lại làm việc tại Khoa và nhận nhiệm vụ cao cả là chăm lo cho bệnh nhân nghèo. Những người này đã phải chạy thận nhân tạo tuần 3 lần, không làm được việc gì, phải bỏ nhà bỏ cửa ra Hà Nội thuê trọ và… tiêu tiền mua thuốc men, nên ai cũng nghèo khó.

Cầm cuốn sổ tay ghi món tiền 30 triệu đồng, của con trai một nữ bệnh nhân đã mất mấy năm trước, nay quay lại tặng quà cho những bệnh nhân đồng cảnh ngộ với mẹ mình, bác sĩ Thu rớm nước mắt nói món tiền nhỏ này sẽ là món quà tết ý nghĩa với 150 bệnh nhân của ca lọc máu cuối cùng trong ngày - 7g tối-12g đêm - ca chạy thận của những bệnh nhân nghèo nhất.

“Dù giàu hay nghèo, ai cũng có những stress trong cuộc sống. Khi mới về công tác ở đây, tôi đã buồn vì không bao giờ thấy bệnh nhân cười, gặp nhau là kêu ca than thở, nhưng rồi mới thấy đáng quý khi nhìn họ giành giật từng phút để được sống”- bác sĩ Dũng tâm sự.

Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 Hà Nội cũng là một trong số địa chỉ ít ỏi làm việc quanh năm không nghỉ. Bác sĩ Đặng Thành Khẩn, PGĐ Trung tâm "khoe" năm nay lịch trực của anh chuyển xuống mồng 2, còn tết Tân Mão 2011, anh trực ngày mồng 1 tết, "ở nhà mấy mẹ con lo cho nhau ra sao thì lo"- anh kể.

Tết, nhưng không khác với ngày thường, Trung tâm 115 cũng vẫn có 15 kíp trực, 15 xe trực 24/24 phục vụ cấp cứu trước bệnh viện, đề phòng nguy cơ ngộ độc, thảm hoạ, cấp cứu hàng loạt. “Tết là dịp thời tiết lạnh, nên bệnh nhân hen, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp… bệnh có thể trở nặng. Chưa kể các trường hợp tai nạn, say rượu, ngộ độc thực phẩm cần đi bệnh viện”- bác sĩ Khẩn nói.

Ăn tết trong bệnh viện

Tết đã cận kề nhưng số bệnh nhân buộc phải điều trị nội trú tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương vẫn là 150 người. Theo ThS Nguyễn Hồng Hà - phó giám đốc bệnh viện, bệnh viện vẫn sẽ tiếp tục sàng lọc đến 27 tết để một số bệnh nhân có thể xuất viện, ăn Tết tại gia đình.

Tuy nhiên, ngay cả khi sàng lọc rốt ráo, ước tính Tết nguyên đán năm nay 120 bệnh nhân nặng sẽ vẫn phải tiếp tục điều trị tại viện.

Khoa Hồi sức tích cực vẫn kín 13 bệnh nhân rất nặng đang được điều trị với sự hỗ trợ của máy thở. Các phòng bệnh đặc biệt này đều được thiết kế cửa kính trong suốt, bảo đảm bác sĩ trực theo dõi được bao quát toàn bộ bệnh nhân.

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Trường - Khoa Hồi sức tích cực cho hay, dù nghỉ Tết theo quy định là 9 ngày, nhưng tại khu phòng bệnh này sẽ luôn có 2 bác sĩ, 7 điều dưỡng trực 24/24 giờ để chăm sóc, theo dõi tiến triển bệnh của từng người.

Ông Ngô Xuân Đăng (Quỳnh Lưu, Nghệ An) - một bệnh nhân viêm màng não vẫn nằm mê man từ khi nhập viện hơn 10 ngày trước, người vợ kề bên cặm cụi lau rửa, mắt đỏ hoe vì thương chồng đột ngột đau yếu. 50 triệu đồng (trong đó 20 triệu vay lãi ngân hàng, 30 triệu vay từ họ hàng) cho 15 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, nay đã tiêu sạch sành sanh. Nhưng khát vọng cứu sống người đàn ông trụ cột của gia đình vẫn là động lực để cả nhà chạy vạy đôn đáo vay mượn trong những ngày cận Tết để thêm tiền điều trị.

“Qua Đèo Hải Vân, không mang đủ áo ấm, ông nhà tôi tôi đột ngột cảm lạnh. Rồi đau đầu, nôn, buồn nôn liên tục. Bác sĩ bảo bị viêm màng não thể nặng”, bà Trần Thị Câm - vợ ông Đăng ngậm ngùi. Phát bệnh khi đi ăn cưới cậu con trai trong miền Nam về, rồi Tết này, hai cậu con trai đang lập nghiệp đất phương Nam lại khăn gói ngược ra miền Bắc, chuẩn bị đón tết cùng bố mẹ... trong bệnh viện.

“Không hình dung nổi sẽ ăn, ở thế nào khi ông ấy phải nằm ở phòng hồi sức, phải đến giờ mới được vào thăm. Hà Nội đắt đỏ, chưa biết thuê trọ ở đâu cho rẻ, nhưng Tết nhất, ông ấy bệnh tật, mẹ con tôi quyết định sẽ ăn Tết trong bệnh viện”, bà Câm nói.

LAN ANH - NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên