Phóng to |
Treo lông đèn và đôt pháo - một cảnh ăn Têt Nguyên tiêu truyên thông ở nông thôn Trung Quốc |
Trong đêm Nguyên tiêu có tập tục đốt đèn, chơi lồng đèn và sau này là hội hoa đăng đêm Nguyên tiêu. Lồng đèn bên trong xưa kia là đèn cầy, sau này có đèn điện. Đốt hết đèn cầy, người ta xem nhựa sáp kết dính thành hình thù gì, nếu giống cây lúa thì năm tới lúa sẽ được mùa, nếu giống đại mạch thì năm tới loại cây nông nghiệp này sẽ bội thu, nếu giống hoa quả thì trái cây mùa tới sẽ tươi tốt, nếu giống cây bông thì mùa sau cây bông sẽ xum xuê.
Rằm tháng giêng, người nông dân thường chống một cây sào cao to trước cửa nhà mình, trên treo một lồng đèn màu đỏ rất to. Đó là biểu thị cát tinh cao chiếu (nghĩa là ngôi sao tốt lành soi sáng trên cao). Nếu treo ba lồng đèn thì là tam tinh nhập hộ (sao tốt lành vào nhà). Theo đó, ở những nơi công cộng nếu trên dưới treo vô số lồng đèn thì người ta gọi là mở hội sao, còn gọi là kim ngọc mãn đường (tức là vàng ngọc đầy nhà), hàm nghĩa giàu sang phú quí, tài lộc dồi dào. Và mọi nhà thường chúc nhau: kim ngọc mãn đường và vận tinh vô hạn (vận sao may mắn vô hạn).
Lồng đèn có thể chia làm bốn loại: loại ngồi (tọa đăng), treo (quá đăng), nước (thủy đăng) và đề đăng (đèn xách tay). Đèn ngồi thì đặt dưới nước hoặc đặt ngồi trên một cái giá, đó là loại lồng đèn có kích cỡ lớn. Đèn treo thì treo theo hành lang, trước cửa nhà hay dưới hoặc giữa tàn cây; đó là loại lồng đèn được làm rất tinh xảo, có chiếc làm bằng tơ lụa hay pha lê với tranh vẽ trên mặt bằng những hình tròn bằng tơ pha lê.
Khi lên đèn, đèn phát tia sáng khúc xạ, tạo ra chùm sáng từ chùm lồng đèn biến thành một chuỗi ánh sáng dài, cho cảm giác hoa lệ, cao quí và huyền bí. Có loại gọi là lồng đèn kim thích với những lỗ nhỏ tạo hoa văn bằng những đầu kim to chích vào. Khi lên đèn, ánh sáng lọt qua những lỗ nhỏ trông lung linh. Thủy đăng thì làm bằng những chất liệu chống nước, làm nổi bật độ sáng và dáng vẻ thẩm mỹ của đèn khi đèn đặt dưới nước. Đèn xách tay thường là đèn cho trẻ em xách trên tay, xinh xắn như những ngôi sao lấm tấm trên nền trời.
Tết Nguyên tiêu còn có tập tục ăn trôi nước, người TQ gọi là thang viên - viên tròn trong nước, xuất phát từ ý nghĩa sum họp và sự tốt lành sinh lợi, nên Nguyên tiêu còn gọi là thang viên. Dấu ấn tuổi thơ trong nhiều gia đình TQ còn ghi nhận: khi người lớn làm xong phần nhân và lắc những viên trôi nước thì trẻ con chơi nghịch, lấy bột bôi trét lên mặt nhau. Và khi ăn xong trôi nước thì chúng được phép xách lồng đèn lên phố dạo chơi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận